Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Sau khi Việt Nam bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ (12/7/1995), hoạt động thương mại giữa 2 nước đã tăng trưởng vượt bậc. Theo Bộ Công Thương, hiện tại, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, thời điểm mới thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước chỉ dừng lại ở ngưỡng 450 triệu USD, thì tới cuối năm 2019, con số này đã đạt mốc gần 76 tỷ USD, tăng 168 lần so với năm 1995.
Ngay cả trong 2 năm qua, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Mỹ vẫn không ngừng gia tăng. Cụ thể, vào năm 2020, kim ngạch 2 chiều đạt 90,8 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019.
Còn theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Mỹ đạt 62,67 tỷ USD.
Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Đối với nhập khẩu, Mỹ là đối tác đứng thứ 6, với kim ngạch nhập khẩu đạt 8,97 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng này tăng liên tục giai đoạn 2016 – 2020
Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 105,2% so với cùng kỳ năm 2020, dừng lại ở mức 7,73 tỷ USD.
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang thị trường Mỹ tăng từ 21,0% trong năm 2016 lên 44,9% trong năm 2020 và trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng lên 45,2%.
Tiềm năng xuất khẩu nông sản “made in Việt Nam”
Ngoài mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, Mỹ là “bạn hàng” truyền thống của Việt Nam, trong các ngành dệt may, điện thoại, máy tính, giày dép, đặc biệt, nông sản Việt Nam cũng là một điểm sáng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nước này vẫn nhập khẩu tới 14,1 tỷ USD trái cây, nhỉnh hơn năm 2019. Trong đó, trong 4 tháng đầu năm 2021, các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam đạt 57,4 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trên cơ sở này, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định, nông sản tại Việt Nam khi đặt chân tới Mỹ có rất nhiều lợi thế.
Thứ nhất, hiện nay, tại Mỹ có gần 3 triệu kiều bào, hơn 30.000 lưu học sinh Việt Nam và rất nhiều người Mỹ đã từng trải nghiệm, yêu mến đặc sản trái cây Việt Nam. Trong cộng đồng này, nhiều doanh nhân người Việt luôn tâm huyết với việc nhập khẩu, quảng bá trái cây Việt Nam tại quốc gia này.
Thứ hai, tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ luôn khiến người tiêu dùng muốn trải nghiệm sản phẩm mới, mở ra cơ hội cho các hoa quả, đặc sản từ vùng nhiệt đới của Việt Nam. Ngoài yếu tố cung cầu, có lẽ đây cũng là một phần lý do mà trái cây nhập khẩu đáp ứng tới 2/3 nhu cầu thị trường Mỹ.
Thứ ba, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang Mỹ và luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chính phủ như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương trong việc đàm phán mở cửa thị trường, quy hoạch vùng trồng, tạo thuận lợi, hỗ trợ kết nối bạn hàng, thâm nhập thị trường.
Đến nay, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại hoa quả tươi sang Mỹ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, và vú sữa. Các hoa quả khác có thể được xuất khẩu ở dạng đông lạnh hoặc sản phẩm chế biến (đóng hộp, sấy khô). Các cơ quan Chính phủ cũng đang tích cực đàm phán để phía Mỹ cấp phép thêm cho hoa quả tươi của Việt Nam, trước mắt là trái bưởi da xanh.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, hoạt động xuất khẩu trái cây, đặc biệt là trái cây tươi sang Mỹ cũng gặp các khó khăn. Trước hết, sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được trồng ngày càng nhiều tại các bang như Florida, California, hay tại Mexico và các nước Nam Mỹ có điều kiện tự nhiên gần giống Việt Nam, cũng như sản phẩm của các nước châu Á khác và sản phẩm thay thế được trồng ngay tại Mỹ.
Ngoài ra, do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản cao. Hoa quả tươi có mùa vụ ngắn cũng đòi hỏi các khâu trong chuỗi phân phối phải rất nhịp nhàng, hiệu quả.