TP.HCM cho hay đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 cho gần 76% người từ 18 tuổi trở lên, còn mũi 2 là 3%. TP.HCM lên kế hoạch đến ngày 15-9 sẽ có khoảng 15% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 2.

 
Đã có 76% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, TP.HCM tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2 ra sao? - Ảnh 1.

Anh N.C.T. (25 tuổi, ngụ Tân Bình, TP.HCM) cho biết đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vào ngày 21-6.

Như vậy, thời hạn tiêm mũi 2 của anh T. rơi vào khoảng từ ngày 21-8 đến 21-9. Sau nhiều lần cơ quan thông báo hủy lịch, đến ngày 24-8 anh T. nhận được lịch tiêm vắc xin mũi 2 vào ngày 26-8.

Nơi đang tiêm mũi 2, nơi chưa xong mũi 1

Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như anh T. được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Thậm chí hiện cũng còn rất nhiều người chưa được tiêm cả mũi 1, như anh N.N.A. (ngụ phường 3, quận Gò Vấp) chia sẻ gia đình anh có 4 người chưa ai được tiêm vắc xin dù đã đăng ký từ rất lâu.

Chia sẻ về vấn đề trên, đại diện Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết hiện quận có tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 thấp hơn so với các quận, huyện còn lại do đặc điểm dân số đông.

Quận đang tăng tốc tiêm vắc xin mũi 1 cho người dân song song với việc xét nghiệm. Quận đã áp dụng mô hình vừa tiêm vắc xin vừa xét nghiệm. Khi có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính thì người dân sẽ được tiêm vắc xin ngay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hồng - chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho biết huyện đã hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên.

Từ ngày 14-8 đến nay, huyện Cần Giờ đã tiêm mũi 2 cho người dân và đang tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm khi TP phân bổ nguồn vắc xin để sớm phủ hết dân số.

Còn tại quận 11, ông Trần Phi Long - chủ tịch UBND quận - cho biết đến nay quận đã tiêm mũi 1 đạt 95% người từ 18 tuổi trở lên, chủ yếu là vắc xin AstraZeneca và Moderna. 5% còn lại là những người không đủ điều kiện tiêm vắc xin như F0 vừa xuất viện.

Quận cũng đang tiêm vắc xin mũi 2 cho những người từ 65 tuổi trở lên (khoảng 7.000 người) do thời hạn 2 mũi vắc xin đã tiêm cho nhóm người này ngắn.

Tương tự, đại diện UBND quận Phú Nhuận cho biết hiện quận đã cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Quận tiếp tục hướng đến mục tiêu phủ nhanh vắc xin mũi 2 khi TP phân bổ vắc xin về.

Đã có 76% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, TP.HCM tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2 ra sao? - Ảnh 2.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại phường 11, quận Bình Thạnh chiều 25-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Để 15% người tiêm mũi 2 trong 1 tháng

Theo cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (thuộc Trung tâm phòng chống dịch COVID-19 quốc gia), hiện dân số (người từ 18 tuổi trở lên) tại TP.HCM là gần 7 triệu người. Vậy tạm căn cứ vào số liệu dân số này, để TP.HCM đạt tỉ lệ bao phủ người từ 18 tuổi trở lên có đủ 2 mũi vắc xin thì cần gần 13,8 triệu liều vắc xin.

Tuy nhiên, tổng số liều vắc xin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM nhận được từ sự phân bổ của Bộ Y tế và tiếp nhận của Viện Pasteur TP.HCM đến nay là 5.752.760 liều, trong đó có hơn 3.909.450 liều vắc xin AstraZeneca, 571.200 liều vắc xin Moderna, 73.710 liều vắc xin Pfizer và hơn 1.198.400 liều Vero Cell.

Với mục tiêu của TP.HCM đặt ra đến ngày 15-9, hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2. Như vậy đến nay TP.HCM đã vượt chỉ tiêu tiêm mũi 1 và còn 12% dân số (người từ 18 tuổi trở lên) cần được tiêm vắc xin mũi 2 trong vòng 21 ngày tới.

Một chuyên gia tại TP.HCM cho biết ông gặp nhiều phản ánh người dân chưa tiêm vắc xin hoặc bị hoãn tiêm nhưng trên cổng thông tin tiêm chủng lại có danh sách đã được tiêm mũi 1.

Đặc biệt số lượng người từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM có thể cao hơn so với con số 7 triệu dân mà Trung tâm phòng chống dịch COVID-19 quốc gia đưa ra.

Theo vị này, bởi khi có một con số không đúng được đưa vào hệ thống tính toán thì tất cả những kết quả sau đó không chính xác. Điều này kéo theo tỉ lệ độ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên ở TP có thể thấp hơn so với tỉ lệ hiện tại.

Chia sẻ về việc tiêm vắc xin trong thời gian tới, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết việc triển khai của TP.HCM phải dựa vào nguồn vắc xin do Bộ Y tế phân bổ.

Vắc xin về tới đâu lên kế hoạch tiêm đến đó. Những loại vắc xin AstraZeneca, Moderna, Pfizer phải chờ nguồn từ Bộ Y tế phân bổ. Riêng nguồn vắc xin Vero Cell thì TP.HCM chủ động được.

Theo ông Nam, hiện nay kế hoạch tiêm mũi 2 của TP.HCM đã lồng vào kế hoạch tiêm mũi 1, theo thời hạn khuyến cáo của nhà sản xuất.

Hiện danh sách thông báo tiêm vắc xin mũi 2 cho nhiều cơ quan, đơn vị đã được cập nhật lên hệ thống của Sở Thông tin và truyền thông. Sở sẽ gửi danh sách này về các đơn vị, địa phương để tiến hành tiêm vắc xin cho người dân.

Đã có 76% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, TP.HCM tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2 ra sao? - Ảnh 3.

Nguồn: Theo Trung tâm phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia - Tổng hợp: XUÂN MAI- Đồ họa: TUẤN ANH

Sức khỏe không bị ảnh hưởng khi quá thời hạn tiêm mũi 2

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa 2 liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Cụ thể mũi 1 cách mũi 2 của vắc xin AstraZeneca là 8 - 12 tuần, vắc xin Pfizer 3 tuần, vắc xin Vero Cell 3 - 4 tuần, vắc xin Moderna 4 tuần, Sputnik V 3 tuần.

Những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó. Trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc xin Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca (nếu người được tiêm chủng đồng ý). Những người đã tiêm vắc xin Sinopharm, Pfizer, Moderna mũi 1 thì mũi 2 tiêm cùng loại.

PGS.TS Dương Thị Hồng - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho hay trong trường hợp thời gian tiêm mũi 2 chậm hơn so với khuyến cáo nhà sản xuất thì vắc xin vẫn có hiệu lực, người tiêm không phải tiêm lại từ đầu.

Tương tự, bác sĩ Đinh Văn Thới - Viện Pasteur - cũng cho biết khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2 mà nhà sản xuất đưa ra khuyến cáo là thời gian lý tưởng nhất. Khi đến ngày tiêm vắc xin liều 2, người dân nên đi tiêm đúng thời hạn, tiêm càng sớm càng tốt.

Tuy vậy, hiện nguồn vắc xin còn khan hiếm, nếu người dân nhận lịch tiêm vắc xin mũi 2 trễ hơn khuyến cáo thì hiệu lực vắc xin vẫn được đảm bảo và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Trước 28-8: thêm 3-4 triệu liều vắc xin về Việt Nam

Trong tháng 8 và tháng 9 tới, dự kiến có trên 16 triệu liều thông qua các kênh về Việt Nam.

Trước mắt, trong tuần này (trước 28-8), ít nhất Việt Nam sẽ nhận thêm được khoảng 3 đến 4 triệu liều vắc xin, trong đó có 300.000 liều AstraZeneca do Romania tài trợ, vừa tiếp nhận trưa 25-8.

Chính phủ Ý cũng sẽ hỗ trợ trên 800.000 liều, số vắc xin Ý sẽ về đầu tháng 9 và có thêm 2 quốc gia Đông Âu cũng đã thông báo sẽ viện trợ vắc xin cho Việt Nam.

Tính đến 20-8, Việt Nam đã tiếp nhận trên 23 triệu liều vắc xin các loại, đến 24-8 đã sử dụng gần 18 triệu liều.

Tỉ lệ tiêm mũi 2 các tỉnh còn thấp

tiiem mui 2

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

* Long An dự kiến cần 2.545.520 liều vắc xin để tiêm cho 1.361.733 người (từ 18 tuổi trở lên). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An cho biết đến nay tỉnh đã nhận được 657.000 liều vắc xin, trong đó có 5.200 liều Sinopharm.

Đến nay tỉnh đã triển khai tiêm được 489.792 mũi, gồm 455.896 mũi 1 (chiếm tỉ lệ 33,5% dân số từ 18 tuổi trở lên) và 33.896 mũi 2 (chiếm tỉ lệ 2,48% dân số từ 18 tuổi trở lên).

Trong thời gian tới tỉnh tiếp tục tập trung tiêm mũi 2 cho các đối tượng ưu tiên đã tiêm mũi 1 vào tháng 6-2021, với khoảng 27.381 người, tiêm cho những người vừa tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch với khoảng 2.296 người, tiêm cho 270.000 người dân ở 5 địa phương thuộc "vùng đỏ", tiêm mũi 2 cho 2.267 công dân Trung Quốc và tiêm mũi 1 cho phạm nhân đang chấp hành án trên địa bàn tỉnh (khoảng 10.000 liều).

* Chiều 25-8, bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bổ hơn 1,9 triệu liều vắc xin COVID-19 và TP đã triển khai tiêm hết, trong đó có cả mũi 1 và mũi 2.

Về kế hoạch tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 cho người dân, bà Hà thông tin với vắc xin Pfizer và Moderna, TP sẽ tiêm đúng mũi 2 theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Tính đến 15h chiều 24-8, TP đã tiêm được 1.944.293 liều vắc xin COVID-19, trong đó mũi 1 là 1.816.897 liều, mũi 2 tiêm được 127.396 liều. Số người đã được tiêm vắc xin cả mũi 1 và mũi 2 trên toàn TP tính tới thời điểm trên là 1.816.897, đạt tỉ lệ 21 % dân số Hà Nội.

* Theo Sở Y tế Cần Thơ, hiện nay số lượng tiêm vắc xin phòng COVID-19 của TP đạt 244.078 liều (mũi 1), chiếm tỉ lệ 19% dân số; số người tiêm đủ 2 mũi là 8.975, chiếm tỉ lệ 0,7% dân số. Số liều vắc xin phòng COVID-19 đến nay Cần Thơ được phân bổ là 233.540 liều, công suất đã tiêm đạt 100% vắc xin được phân bổ từ Bộ Y tế.

Ông Phạm Phú Trường Giang - phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ - cho hay hiện tại Cần Thơ chưa nhận được vắc xin theo phân bổ mới của Bộ Y tế. Ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng để khi có vắc xin về là tổ chức tiêm ngay cho các trường hợp ưu tiên mũi 1 và trả mũi 2 cho những người đến hạn tiêm.

* Ngày 25-8, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã làm việc với tỉnh Đồng Nai về việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và tổ chức sản xuất kinh doanh.

Ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho hay tỉnh lo nhất là việc thiếu vắc xin tiêm cho dân. Tỉnh có khoảng 2,2 triệu người ở độ tuổi cần tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Thế nhưng đến thời điểm này chỉ được phân bổ khoảng 800.000 liều vắc xin (đã tiêm khoảng 530.000 liều, trong đó có khoảng 48.000 người tiêm đủ 2 liều - PV). "Như vậy tỉnh còn đang cần khoảng 3,6 triệu liều vắc xin nữa mới đủ tiêm cho người dân" - ông Dũng nói.

Trước kiến nghị của Đồng Nai, Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định Chính phủ sẽ ưu tiên vắc xin cho Đồng Nai và kịp thời giải quyết những vướng mắc để tỉnh làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh và duy trì sản xuất.

* Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tỉnh đã tiêm được trên 806.000 liều vắc xin (trong tổng số trên 833.000 liều vắc xin được phân bổ). Trong đó hầu hết những người được tiêm vắc xin tại Bình Dương là mũi 1, mới có trên 34.000 người được tiêm đủ 2 mũi.

Trong những ngày tới tỉnh hết vắc xin nên chỉ tổ chức "tiêm vét". Do hầu hết người tiêm vắc xin tại Bình Dương là AstraZeneca và mới tiêm từ đầu tháng 8-2021 tới nay nên nhu cầu về tiêm mũi 2 là chưa nhiều. Và hiện mới có một nửa công dân trên 18 tuổi của Bình Dương được tiêm mũi 1 nên tỉnh rất cần được ưu tiên phân bổ thêm vắc xin.

* Theo kế hoạch phân bổ vắc xin cho Đà Nẵng, tính đến ngày 20-8 địa phương này nhận được 213.210 liều.

Ngành y tế Đà Nẵng cho biết đến ngày 24-8 toàn TP đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho hơn 138.000 lượt người (trong tổng số 826.000 người đủ tuổi) với tỉ lệ khoảng 16% người dân được tiêm. Dự kiến kết thúc đợt tiêm vào ngày 28-8, số người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin là hơn 24.000 người.

Bà Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết TP đã lập kế hoạch tiêm phù hợp với số lượng vắc xin do Bộ Y tế cấp từng thời điểm. Đảm bảo tiêm trả mũi 2 của từng loại vắc xin cho người dân.