Quang cảnh phiên họp
Chiều 26-8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội về xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (Ban Chỉ đạo).
Tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó có các yêu cầu nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dựa trên cơ sở nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực.
Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh có 3 hợp phần quan trọng.
Một là, xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Hai là, xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch.
Ba là, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân.
Dự kiến tháng 10-2022, Bộ Chính trị sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo tại phiên họp, bám sát các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, phạm vi, nội dung nghiên cứu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nêu trong Kế hoạch, Đề cương của Ban Chỉ đạo Trung ương trong quá trình xây dựng các chuyên đề; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện.