Hôm nay 27-8, Bộ Y tế cho biết có thêm 263.000 liều vắc xin Pfizer, nằm trong lô 1 triệu liều do Mỹ tài trợ sẽ đến Việt Nam, nâng tổng số vắc xin về trong 2 ngày 26 và 27-8 lên khoảng 2,2 triệu liều. Tuy nhiên tiến độ tiêm chủng có chậm lại.
Theo Bộ Y tế, trong ngày 26-8 đã có 770.000 liều Pfizer do Việt Nam mua (trong hợp đồng 31 triệu liều) về đến sân bay Tân Sơn Nhất, bên cạnh đó có trên 700.000 liều do Mỹ tài trợ, trên 400.000 liều do Úc tài trợ.
Hôm nay phần còn lại trong hơn 1 triệu liều Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX sẽ tiếp tục về đến Việt Nam, nâng tổng số vắc xin tiếp nhận trong 2 ngày 26 và 27-8 lên khoảng 2,2 triệu liều.
Bộ Y tế cho biết vừa triển khai phân bổ trên 1,2 triệu liều AstraZeneca mua thông qua VNVC (đợt phân bổ thứ 23), phân bổ đợt 24 với trên 501.000 liều AstraZeneca do Ba Lan tài trợ, đợt 25 với 300.000 liều AstraZeneca do Romania tài trợ và phân bổ 10.000 liều Sputnik V do Nga tài trợ.
Tính đến ngày 27-8, Việt Nam đã tiếp nhận trên 26 triệu liều vắc xin, đã tiêm trên 18,52 triệu liều. Cuối tuần này, dự kiến sẽ có thêm 1 lô AstraZeneca số lượng có thể lên tới hàng triệu liều sẽ về đến Việt Nam.
Trong tháng 9 tới, dự báo có 9,3 triệu liều vắc xin sẽ về, chưa kể 15 triệu liều một đơn vị ở Đồng Nai đang sắp xếp nhập khẩu. Trong khi đó, những ngày vừa qua, tiến độ tiêm chủng có chậm lại, chỉ đạt 300.000-400.000 mũi/ngày, trong khi Việt Nam cần tiêm từ 500.000 mũi/ngày trở lên mới đảm bảo tiến độ mong muốn.
TP.HCM: 3 ngày thực hiện 1 triệu mẫu xét nghiệm
Trong 3 ngày qua, TP.HCM test nhanh khoảng 1 triệu mẫu, số xét nghiệm tăng kéo theo số ca mắc được phát hiện cũng gia tăng. Kết quả cho thấy ngày 23-8 phát hiện 3,5% mẫu dương tính, ngày 24-8 khoảng 3,2% mẫu dương tính, ngày 25-8 khoảng 3,8% mẫu dương tính.
Từ hôm nay (27-8), Bộ Y tế cùng Sở Y tế TP.HCM sẽ đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào điều trị cho các ca F0 trong cộng đồng
TP.HCM cũng đã vượt mục tiêu đề ra là thiết lập 400 trạm y tế lưu động, khi tính hết ngày 26-8 toàn TP đã có 403 trạm. Dự kiến trong thời gian tới, tùy vào tình hình dịch bệnh và số ca F0 chăm sóc theo dõi ở nhà, ngành y tế sẽ tiếp tục thiết lập các trạm y tế lưu động đảm bảo mỗi trạm quản lý từ 50 đến 100 F0.
Đồng Nai: Phát gạo cho gần 153.000 lao động mất việc, hỗ trợ tiền cho xe ôm, gom rác, giúp việc...
Chiều 26-8, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản yêu cầu các sở ngành và các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức cấp phát hơn 1.500 tấn gạo (đợt 2) từ nguồn dự trữ quốc gia, cho người dân đang khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Ngoài đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo sẽ có gần 153.000 lao động mất việc làm được hỗ trợ gạo đợt này.
Tỉnh cũng yêu cầu từng địa phương rà soát những người thiếu đói để hỗ trợ, cấp phát gạo đảm bảo đúng quy định, thủ tục. Thời gian hỗ trợ, cấp phát gạo phải rút ngắn trong vòng 3 ngày kể từ khi tiếp nhận gạo.
Cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh chính sách hỗ trợ tiền cho người lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đối tượng áp dụng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/tháng khu vực thành thị.
Người lao động làm một trong những công việc sau được hỗ trợ gồm: người thu gom rác, bốc vác, chạy xe ôm, bán vé số, bán hàng rong, phụ hồ, giúp việc gia đình… phải ngừng việc để phòng chống dịch COVID-19.
Chuyên gia hiến kế giảm tỉ lệ tử vong và chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19
Tại hội thảo trực tuyến với 400 bác sĩ tại các cơ sở điều trị COVID-19 cả nước chiều 26-8, GS Nguyễn Gia Bình, tổ trưởng Tổ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, cho biết virus SARS-CoV-2 không chỉ tấn công phổi mà tấn công nhiều cơ quan.
Tại Việt Nam, 50% bệnh nhân không có triệu chứng, 30% nhẹ giống cảm cúm thông thường, 10-15% cần hỗ trợ oxy và thuốc, 5-10% cần máy thở, lọc máu, ECMO.
Trong đợt dịch này, GS Bình đánh giá nguyên nhân làm tỉ lệ tử vong tăng là do quá tải, hạn chế tử vong cần làm 2 việc đồng thời: hạn chế số nhiễm mới và số chuyển nặng. Rút ngắn thời gian điều trị sẽ giảm áp lực cho cơ sở y tế và bệnh nhân được điều trị tốt hơn, trong đó có phương pháp lọc máu hấp phụ.
Với bệnh nhân biến chứng "cơn bão Cytokines", GS Bình cho biết có thể lọc máu hấp phụ từ khi bệnh nhân thở oxy dòng cao, không đợi đến khi thở máy, ECMO.
COVAX bắt đầu phân phối vắc xin Trung Quốc, dịch căng ở Mỹ
Ngày 26-8, Hãng tin Reuters dẫn tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết COVAX (chương trình đảm bảo chia sẻ vắc xin công bằng do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn) lên kế hoạch vận chuyển 100 triệu liều vắc xin COVID-19 của hãng Sinovac và Sinopharm (Trung Quốc) trước cuối tháng 9, hầu hết được đưa tới châu Phi và châu Á.
Trong số 100 triệu liều này, một nửa do Hãng Sinopharm và một nửa do Hãng Sinovac cung cấp. Tính tới giữa tháng 8, khoảng 10 triệu liều của Sinopharm đã được vận chuyển. Thông tin của WHO cho thấy đây là lần đầu tiên COVAX phân phối vắc xin COVID-19 của Trung Quốc tới các nước.
COVAX dự kiến phân phối khoảng 500 triệu liều vắc xin trước cuối tháng 9, tính cả vắc xin của Trung Quốc. Đến nay COVAX đã vận chuyển hơn 215 triệu liều, hầu hết là vắc xin của Hãng AstraZeneca, tới 138 bên tham gia.
Tại Mỹ, ngày 26-8, Đài CNN đưa tin lần đầu tiên kể từ tháng 1, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại Mỹ đã lên tới hơn 100.000 người.
Cụ thể, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết tính tới ngày 25-8, có ít nhất 100.317 bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại Mỹ. Con số này cao hơn 6 lần số liệu ghi nhận cách đây khoảng 9 tuần. Trước đó, giai đoạn duy nhất mà Mỹ ghi nhận con số trên 100.000 bệnh nhân COVID-19 nhập viện là từ cuối tháng 11-2020 tới đầu tháng 1-2021.
Các bệnh viện và các nhà nghiên cứu cho biết phần lớn bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại Mỹ trong năm nay là các trường hợp chưa tiêm vắc xin COVID-19.
Một nghiên cứu gần đây từ hạt (quận) Los Angeles thuộc bang California xác nhận với những người đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ liều, khả năng nhập viện ít hơn nhiều so với những người chưa tiêm.