Taliban đã đề nghị Mỹ duy trì đại sứ quán ở thủ đô Kabul sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan vào ngày 31.8, theo một quan chức Taliban và nhiều nguồn tin ngoại giao.
Toàn cảnh Đại sứ quán Mỹ tại Kabul hồi năm 2016
REUTERS
“Chúng tôi muốn Mỹ vẫn còn hiện diện ở Afghanistan. Chúng tôi sẽ cung cấp an ninh tuyệt đối (cho Đại sứ quán Mỹ), một quan chức cấp cao của Taliban cho Kyodo News hay, xác nhận lực lượng này đã chuyển thông điệp đó đến Washington.
Ngoài ra, nhiều nguồn tin ngoại giao khẳng định trong các cuộc đàm phán với Mỹ, Taliban đã đề nghị duy trì đại sứ quán ở Kabul. Vấn đề này có thể đã nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp bí mật ở Kabul hôm 23.8 giữa Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns và lãnh đạo thực tế của Taliban Abdul Ghani Baradar.
Giới quan sát cho rằng Taliban muốn đại sứ quán Mỹ vẫn hoạt động ở Kabul có thể là vì muốn tránh kết thúc sự kết nối quan trọng với Mỹ và muốn có được sự công nhận quốc tế cho chính phủ mới ở Afghanistan, theo Kyodo News. Taliban đang tìm cách xây dựng các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế bằng cách cam kết tôn trọng các quyền của phụ nữ.
-------------------------------------------------------------
ISIS-K, chân rết khủng bố đánh bom sân bay Kabul là ai?
Tổ chức khủng bố ISIS-K đứng sau vụ đánh bom đẫm máu ở sân bay Kabul là một nhánh trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Các tay súng ISIS-K trong một hình ảnh tuyên truyền của tổ chức này
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH NY POST
Theo trang The Conversation ngày 27.8, tổ chức khủng bố ISIS-K đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom tự sát tại Sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul (Afghanistan) vào chiều 26.8.
Vụ đánh bom nhằm vào đám đông bên ngoài sân bay này khiến ít nhất 13 binh sĩ Mỹ và 60 dân thường thiệt mạng, bên cạnh 18 binh sĩ bị thương, trong lúc Mỹ và các nước di tản người khỏi Afghanistan sau khi Taliban kiểm soát đất nước.
Trước khi xảy ra vụ tấn công, các nước như Mỹ, Anh, Úc và ngay cả lực lượng Taliban đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ gia tăng xảy ra tấn công tại sân bay này. Giới chức Mỹ lo ngại cụ thể là tổ chức ISIS-K ở Afghanistan trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Chân rết của IS
Vài tháng sau khi IS tuyên bố thành lập nhà nước tự xưng ở Iraq và Syria vào năm 2014, các tay súng tách ra từ lực lượng Taliban thành lập một nhóm riêng là ISIS-K ở Afghanistan và thề trung thành với lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Một năm sau đó, tổ chức này được giới lãnh đạo IS công nhận khi bắt đầu cắm rễ ở đông bắc Afghanistan, cụ thể là các tỉnh Kunar, Nangarhar và Nuristan.
Theo các quan sát viên Liên Hiệp Quốc, ISIS-K còn thành lập các cơ sở ngầm ở nhiều vùng tại Pakistan và Afghanistan, kể cả Kabul.
Theo báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ước tính tổ chức này có từ 500 đến vài ngàn tay súng.
ISIS-K là từ viết tắt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở vùng Khorasan, tên gọi trước đây của khu vực rộng lớn bao trùm Pakistan, Iran, Afghanistan và Trung Á ngày nay.
Những vụ khủng bố đẫm máu
Theo AFP, tổ chức ISIS-K đứng sau nhiều vụ tấn công chết chóc nhất trong vài năm qua, nhằm vào dân thường ở cả Afghanistan lẫn Pakistan, tại các thánh đường, quảng trường và thậm chí bệnh viện. Nhóm này đặc biệt nhằm vào những người Hồi giáo dòng Shiite.
Vào tháng 5, ISIS-K tấn công một trường học dành cho nữ sinh ở Kabul và giết chết ít nhất 68 người, làm bị thương hơn 160 người, trong đó đa số là nữ sinh.
Lực lượng an ninh sơ tán người dân tại hiện trường vụ tấn công khủng bố của ISIS-K tại Kabul vào ngày 12.5.2020 ẢNH: SHUTTERSTOCK |
ISIS-K không kiểm soát riêng một lãnh địa nào và thường chịu thiệt hại nặng nề bởi các chiến dịch của Taliban và quân đội Mỹ.
Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc và quân đội Mỹ, ISIS-K hiện chủ yếu đóng tại các cơ sở ngầm trong hoặc gần các thành phố để tấn công khủng bố.
Mâu thuẫn với Taliban
Theo AFP, dù cả 2 đều là những người Hồi giáo dòng Sunni, ISIS-K và Taliban có mối quan hệ không hề hòa thuận. Những mâu thuẫn từng dẫn đến giao chiến đẫm máu và Taliban hầu hết giành lợi thế sau năm 2019, trong khi ISIS-K không giành được địa bàn riêng như IS từng làm ở Trung Đông. Sự bất hòa còn thể hiện ở việc các thông cáo của IS thường đề cập đến Taliban như “kẻ bội giáo”.