Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các phường, xã tại TP HCM rút kinh nghiệm, cung cấp đầy đủ số điện thoại để người dân gọi khi thiếu ăn, cần cấp cứu.
Yêu cầu trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 nói tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo TP HCM cùng 312 phường xã về tình hình tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, chiều 26/8. Cuộc họp được tổ chức sau khi lãnh đạo Chính phủ kiểm tra thực tế một số điểm an sinh, khu nhà trọ sáng cùng ngày.
Thủ tướng kể lại, sáng nay khi xuống kiểm tra ở phường, ông hỏi người dân lúc hết cái ăn, cần cấp cứu, tiếp cận y tế thì gọi ai, mọi người còn lúng túng. "Cái này phải rút kinh nghiệm, phải dán ngay số điện thoại ở từng khu trọ, từng nhà để khi đói, khi bệnh, cần hỗ trợ người dân biết nơi liên hệ. Gọi đây là gọi phường, không phải gọi tổng đài 1022. Bởi khi tổng đài 1022 còn ách tắc tức là công việc ở xã, phường chưa tốt nên mới tập trung lên thành phố", Thủ tướng nói.
Trước đó, trong buổi sáng, người đứng đầu Chính phủ dành nhiều thời gian tới thăm hỏi, động viên người dân tại khu nhà trọ hẻm 966, đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức. Ông đến tận nơi, kiểm tra mọi điều kiện cần thiết nhất để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân đang thực hiện giãn cách và phòng chống dịch.
Thủ tướng cũng đề nghị người dân tại đây gọi điện các số điện thoại khẩn cấp về y tế, an sinh xã hội để có thể tận mắt chứng kiến việc đáp ứng các nhu cầu của người dân tại cơ sở. Tuy nhiên, khi người dân gọi Tổng đài 1022 đều quá tải, không có người nghe máy.
Tại buổi làm việc chiều nay, Thủ tướng nhấn mạnh phương châm lấy 312 phường, xã ở TP HCM là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ". Việc này để thực hiện sự chỉ huy, lãnh đạo thống nhất tại địa phương, quản lý giãn cách đúng tinh thần Chỉ thị 16 "ai ở đâu yên đó"
"Muốn vậy, xã phường phải đảm bảo cho người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; vận động, thuyết phục thực hiện nghiêm việc giãn cách", Thủ tướng nói.
Ông cũng đề nghị địa phương vận động người dân thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi trong việc tuân thủ giãn cách xã hội. Nếu không quyết tâm làm thì càng kéo dài, người dân càng khổ, càng bức bách, càng mất mát. "Trong thời gian tăng cường giãn cách, phải đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh tại 312 xã, phường. Nếu kiểm soát được dịch bệnh tại các xã phường sẽ kiểm soát được dịch tại thành phố", Thủ tướng nói.
Thủ tướng lưu ý tổ chức xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên người cao tuổi, người có bệnh nền... Các xã phường phải tổ chức xét nghiệm an toàn, hiệu quả, đạt mục tiêu, đánh giá chính xác về dịch tễ trên địa bàn. Cùng với đó, giảm tử vong bằng nhiều biện pháp như xét nghiệm thần tốc, phân loại F0, chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, tăng cường điều trị cấp cứu và bệnh nặng...
Thủ tướng lưu ý có thể di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã thực hiện tại một số tỉnh phía Bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú... cho việc này.
"Thành phố, quận huyện phải tăng cường kiểm tra giám sát, hỗ trợ, giúp đỡ các xã phường thực hiện mục tiêu đã đề ra. Các lực lượng quân đội, công an, y tế phải đáp ứng các yêu cầu của thành phố, trên cơ sở các đề xuất, phương án, kịch bản sát thực tế, khả thi, khoa học, tiết kiệm", Thủ tướng yêu cầu.
Trước đó, báo cáo với đoàn công tác của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết sau 3 ngày thực hiện Công điện 1099 của Thủ tướng và Chỉ thị 11 của UBND thành phố, lưu lượng giao thông giảm 90% so với ngày thực hiện Chỉ thị 16 và 25% so với ngày 22/8.
Thành phố đã tích cực xét nghiệm diện rộng, tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao. Tổng số mẫu test nhanh tại các "vùng cam, vùng đỏ" đã thực hiện là 947.356 mẫu, ước đạt 45% kế hoạch. Tuy nhiên, còn một số địa bàn, quận huyện "vùng xanh", "vùng vàng" triển khai chậm, có nơi chưa đạt 50%.
Thành phố đã tiêm chủng cho hơn 5,6 triệu người; đang điều trị cho gần 38.000 ca F0; thành lập 401 trạm y tế lưu động, phát huy hiệu quả trong điều trị tại nhà, tại cộng đồng cùng với 312 trạm y tế ở cơ sở.
Đến 25/8, thành phố đã tổ chức cấp phát túi an sinh cho hơn 543.000 hộ dân khó khăn. Trong tuần này, Thành phố sẽ tổ chức cấp phát một triệu gói quà và chuẩn bị thêm một triệu gói quà cho đợt tiếp theo với phương châm không để hộ dân nào thiếu lương thực, thực phẩm.
Ông Mãi cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế tiếp tục tăng cường thuốc điều trị cho F0; trang thiết bị chuyên dụng điều trị Covid-19; tăng phân bổ vaccine để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đạt miễn dịch cộng đồng; hỗ trợ lực lượng, phương tiện trước ngày 15/9 để TP HCM triển khai hoạt động phòng, chống dịch trong giai đoạn cao điểm.
Đồng thời, thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các tỉnh, thành thống nhất trong việc lưu thông hàng hóa. Đến nay nhiều tỉnh, thành vẫn chưa tạo điều kiện cho tài xế dù đã có mã QR code và chứng nhận âm tính.