Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai trả lời VnExpress về chiến lược dập dịch, an sinh xã hội khi số ca nhiễm đã vượt qua Long An, đứng thứ ba cả nước.

Ông Lĩnh làm Bí thư Đồng Nai từ ngày 7/8 thay ông Nguyễn Phú Cường, người được Quốc hội bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Mười ngày sau, ông được Ban thường vụ Tỉnh ủy phân công làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh thay Chủ tịch UBND Đồng Nai Cao Tiến Dũng.

- Với số ca nhiễm tăng 20.471, xếp sau TP HCM và Bình Dương, Đồng Nai đang làm gì để khống chế Covid-19, thưa ông?

- Đồng Nai phát hiện ca nhiễm đầu tiên ngày 3/5, đến nay toàn tỉnh ghi nhận gần 21.000 ca nhiễm, tập trung ở TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch... Nguyên nhân khiến dịch lan nhanh là các khu vực này có mật độ dân cư đông, đặc biệt tập trung nhiều khu trọ công nhân.

Ngoài các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ ngày 9/7), Đồng Nai đang thực hiện chiến lược xét nghiệm trên diện rộng với khoảng 2,1 triệu người - chiếm 57% dân số toàn tỉnh, trong 14 ngày. Việc này tập trung vào các "vùng đỏ", khu vực nguy cơ với 3 lượt lấy mẫu, kể cả test nhanh và PCR. Qua 10 ngày xét nghiệm sàng lọc đã phát hiện 2.400 ca dương tính.

Với chiến lược như vậy, hy vọng đến đầu tháng 9 sẽ cơ bản tách hết F0 ra khỏi cộng đồng. Khi đó, các "vùng đỏ" sẽ dần chuyển hóa "vùng vàng" rồi "vùng xanh". Khi đạt được "vùng xanh" thì sẽ quyết giữ không cho F0 xâm nhập vào trở lại nhằm tạo không gian sạch.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo công tác Phòng chống Covid-19 tỉnh Đồng Nai sáng 23/8. Ảnh: Phước Tuấn

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Đồng Nai chỉ đạo công tác phòng chống Covid-19 trên địa tỉnh sáng 23/8. Ảnh: Phước Tuấn

- Nếu đến ngày 1/9 Đồng Nai chưa tách hết các F0 ra khỏi cộng đồng thì tỉnh thực hiện phương án gì tiếp theo?

- Mục tiêu đề ra là như vậy, song dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, phải đến ngày 28 hay 29/8, chúng tôi mới đánh giá lại chiến lược thực hiện đến đâu, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp mới, có giãn cách tiếp tục hay không. Tuy nhiên, toàn hệ thống chính trị tỉnh đang vào cuộc mạnh mẽ để cố gắng hoàn thành mục tiêu.

Chính phủ giao Đồng Nai đến 31/8 phải đạt yêu cầu phục hồi, kết thúc giãn cách. Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh đang cố gắng, nếu đạt được mục tiêu thì tỉnh sẽ nới lỏng giãn cách, nếu không đạt thì phải kéo dài giãn cách. Mục tiêu chính vẫn là phục hồi xã hội không còn F0, nếu còn F0 thì không thể dừng giãn cách được bởi vì dịch sẽ bùng phát trở lại.

Lo lắng của tỉnh hiện nay chính là kế hoạch xét nghiệm sàng lọc ở một số địa phương vẫn còn chậm, làm chưa đúng tiến độ, có thể ảnh hưởng mục tiêu. Chúng tôi đang điều phối nhân lực, tháo gỡ các khó khăn để giúp các địa phương hoàn thành xét nghiệm sàng lọc trong tuần cuối.

Khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay vẫn là lực lượng y tế còn quá mỏng. Họ vừa xét nghiệm sàng lọc, vừa tiêm vaccine, vừa phục vụ truy vết, cách ly, điều trị bệnh nhân, chia mỏng lực lượng ra rất nhiều.

Từ trước đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 800 y bác sĩ, tình nguyện viên các tỉnh thành đến hỗ trợ, song so với 3,7 triệu dân ở Đồng Nai thì số lượng này vẫn còn khá khiêm tốn, nên tỉnh phải huy động thêm giáo viên và các nguồn lực khác cùng vào cuộc hỗ trợ ngành y tế.

Việc giãn cách kéo dài là vấn đề chúng tôi lo nhất, khi ấy đội ngũ tuyến đầu sẽ mệt mỏi, người dân mệt mỏi, nguồn lực càng cạn kiệt, vì vậy tỉnh đang nỗ lực dập dịch quyết liệt, không để dây dưa kéo dài. Địa phương tính đến chuyện tạm dừng một số dự án chưa cần thiết để dồn toàn lực chống dịch, giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường mới.

- Số ca tăng nhanh gây áp lực cho công tác điều trị của tỉnh ra sao?

- Trong số ca nhiễm tỉnh đã ghi nhận, 157 bệnh nhân đã tử vong. Tuy nhiên đã có 8.000 ca khỏi bệnh và xuất viện, chỉ còn khoảng 12.000 ca đang được thu dung, điều trị tại 3 tầng theo phác đồ của Bộ Y tế. Trong đó, tầng 3 hiện có 500 giường ICU điều trị các bệnh nhân có ca diễn tiến nặng, nguy kịch.

Cũng như các tỉnh thành phía Nam, Đồng Nai đang thiếu nhân lực y bác sĩ chuyên ngành điều trị các bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, trang thiết bị cũng hạn chế, thiếu thốn khá nhiều trong khâu chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên nhìn chung Đồng Nai đang cơ bản đáp ứng được, chưa đến mức quá tải phải điều trị F0 ở cấp phường, xã và tại nhà. Ngành y tế tỉnh nhà đang làm hết mình để hạn chế mức thấp nhất bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.

Nếu số ca nhiễm vượt quá 30.000 đến 40.000, tỉnh sẽ có phương án điều trị tại nhà, nhưng đó là phương án cuối. Chúng tôi vẫn kiềm chế ở mức này để không quá tải. Việc bắt đầu đưa thuốc kháng virus remdesivir vào điều trị F0 theo phác đồ của Bộ Y tế hy vọng các ca bệnh sẽ được phục hồi, giảm diễn tiến nặng, khi ấy sẽ giảm áp lực giường bệnh, y bác sĩ cũng đỡ vất vả hơn.

Ngoài điều trị, tỉnh đang cố gắng đẩy nhanh tiêm chủng, phủ vaccine trong dân. Đồng Nai đã tiếp nhận hơn 800.000 liều từ Bộ Y tế. Đến nay đã tiêm ngừa cho 529.295 người (chiếm 23,5% số người trên 18 tuổi), trong đó có 47.821 tiêm đủ liều. Ngoài các trường hợp ưu tiên theo quy định, tỉnh đang triển khai tiêm ở các vùng nguy cơ cao để bảo vệ "vùng xanh", chuyển hóa "vùng đỏ".

- Với số lượng khu công nghiệp thuộc tốp đầu cả nước, việc thực hiện "3 tại chỗ" - ăn, ở, sản xuất tại nhà máy trên địa bàn tỉnh thế nào?

- Đồng Nai có hơn 44.000 doanh nghiệp với 1,2 triệu lao động. Đến nay, 1.136 doanh nghiệp đăng ký sản xuất "3 tại chỗ" với 135.000 công nhân đi làm. Trong quá trình thực hiện, đã có 70 doanh nghiệp với 10.455 lao động ngừng hoạt động; 256 công ty giảm lao động với 6.574 công nhân.

Sau khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, vấn đề chúng tôi đặt lên hàng đầu là an toàn sản xuất, an toàn lao động và sức khỏe của người lao động trong các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp "3 tại chỗ" phải thực hiện đúng quy trình, an toàn chống dịch. Tỉnh thành lập nhiều đoàn kiểm tra thường xuyên, nếu không an toàn phải dừng sản xuất ngay. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động khi không đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, cơ bản các doanh nghiệp điều thực hiện nghiêm túc về vấn đề này, đó không chỉ là trách nhiệm thực thi pháp luật mà còn giữ sự phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp đó.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ở Chung cư A1, TP Biên Hòa sáng 26/8. Ảnh: Phước Tuấn

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ở Chung cư A1, TP Biên Hòa sáng 26/8. Ảnh: Phước Tuấn

- Ngoài công tác dập dịch, vấn đề an sinh xã hội được Đồng Nai triển khai ra sao?

- Ngoài người nghèo trên địa bàn, Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, tập trung hơn 1,2 triệu công nhân, nên vấn đề an sinh xã hội luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Quyết tâm không để người dân phải đói, lãnh đạo mỗi địa phương phải chịu trách nhiệm với Tỉnh ủy nếu xảy ra tình trạng người dân không có cái ăn, gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm trong quá trình "ở yên tại nhà" chống dịch.

Đến nay Đồng Nai đã chi trả 96% cho những người nằm trong diện hỗ trợ của Nghị định 68, số còn lại có thể đã rời khỏi địa phương hoặc có vấn đề gì đó. Chúng tôi đang chỉ đạo các cấp ủy địa phương đến tận nhà trao cho người dân. Ngoài khoản tiền của nhà nước, những người không nằm trong diện Nghị định 68 cũng được tỉnh rà soát hỗ trợ từ ngân sách địa phương, xã hội hóa.

Ba tháng qua, Đồng Nai đã huy động hơn 60 tỷ đồng từ xã hội, tuy nhiên số tiền này vẫn còn rất ít so với những trường hợp khó khăn do mất việc làm trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã vận động cán bộ công viên chức nhà nước ủng hộ 3 ngày lương (60 tỷ đồng) và các nguồn lực xã hội để chăm lo cho người dân một cách tốt nhất.

Đồng Nai lấy xã phường làm "pháo đài chống dịch", mọi nguồn lực sẽ được phân bổ, chuyển về xã, phường. Ở những địa phương này sẽ có các tổ Covid cộng đồng, tình nguyên, tổ phản ứng nhanh để rà soát từng xóm hẻm, nhà trọ... để không bỏ sót hoàn cảnh nào.

Để thực hiện tốt vấn đề này, Đồng Nai thành lập đường dây nóng như: tổng đài 1022 và số điện thoại các lãnh đạo cấp huyện, thị, thành, cán bộ phụ trách an sinh xã hội. Khi có cuộc gọi phản ánh về vấn đề y tế hay lương thực thực phẩm sẽ được tiếp nhận và chuyển về cho phường, xã ngay để kiểm tra, rà soát và "tiếp sức" kịp thời. Những xã, phường đều đã thành lập kho lương thực thực phẩm nhằm kịp thời phân phát cho người dân.

Việc an sinh xã hội lúc này là rất quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chống dịch của tỉnh, chính vì thế công tác phải minh bạch, kịp thời, không để xảy ra tiêu cực gây bức xúc người dân.