Nếu bạn không làm gì thì hãy đứng sang một bên, ở đâu ở yên đó, đừng biến mình thành những "con virus" buông lời bỉ bôi, soi mói bộ đội đang giúp dân chống dịch.
Giãn cách xã hội là biện pháp mà nhiều nước đã áp dụng để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. TP HCM - điểm nóng nhất về dịch Covid-19 ở nước ta hiện nay - đã thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, "ai ở đâu ở đó" từ ngày 23-8 đến nay.
Đến nay, hơn 15.000 nhân viên y tế cả nước được điều động chi viện cho TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch, đó là chưa kể lực lượng tình nguyện viên, dân quân, lực lượng y tế địa phương, nhưng TP vẫn thiếu nhân lực chống dịch. Trong tình hình đó, Chính phủ quyết định đưa quân đội tham gia chống dịch.
Chiến sĩ Lữ đoàn Tăng thiết giáp 26, quân khu 7 đi chợ giúp người dân phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM - Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phát biểu với đoàn công tác Học viện Quân y tại sân bay Nội Bài trước khi bay vào TP HCM chống dịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng "đây là trận chiến, không thắng không về" và nhấn mạnh: "Bộ Quốc phòng quyết tâm bằng mọi cách, mọi biện pháp, sử dụng mọi lực lượng, với khả năng của mình, thậm chí vượt cả khả năng của mình, để cùng với nhân dân TP HCM, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các địa bàn có dịch khắc phục triệt để dịch bệnh, để cuộc sống của người dân có thể trở lại bình thường… Quân đội sử dụng tất cả các lực lượng hiện có, kể cả không quân, vận tải bộ, vận tải thủy để hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho dân".
Đây là một quyết định kịp thời để quân đội cùng lực lượng y tế tham gia nhiều công đoạn chống dịch đang bị quá tải và có mặt tại hơn 400 trạm y tế lưu động, các bệnh viện...; đặc biệt trong công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu cho hơn 10 triệu dân đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Ngay lập tức, nhiều đơn vị đã điều quân tham gia chống dịch. Trưa 22-8, tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) tổ chức lễ xuất quân cho gần 1.000 cán bộ chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ phòng chống dịch tại TP HCM và Đồng Nai.
Tiếp theo là Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4), Sư đoàn 5 (Quân khu 7)… Đây là những đơn vị anh hùng, có thành tích lẫy lừng trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
Giờ đây, họ đối mặt với kẻ thù hết sức đặc biệt, kẻ thù vô hình, là virus SARS-CoV-2. Dù đa số quân nhân đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin nhưng vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm. Dù vậy, họ chấp nhận, thậm chí có thể hy sinh như một người chiến sĩ ngoài mặt trận.
Từ ngày 23-8, bộ đội đã có mặt trên từng địa bàn ở TP HCM và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, các chiến sĩ quân y đã có mặt tại hơn 400 trạm y tế lưu động ở TP HCM, bắt tay ngay vào công việc chăm sóc các F0 đang điều trị tại nhà, quản lý dịch tễ trên địa bàn từng phường, ứng phó các trường hợp cấp cứu khẩn cấp, cung cấp từng bình oxy, viên thuốc và cho đến nay, sau vài ngày đã cứu hàng ngàn bệnh nhân Covid-19. Chỉ tính riêng lực lượng quân y tại cơ sở đã giúp các bệnh viện tuyến trên giảm tải rất rõ rệt, đặc biệt đã cứu sống nhiều bệnh nhân trong trường hợp thập tử nhất sinh.
Một "mặt trận" khác mà trong những ngày qua các chú bộ đội mang quân hàm binh nhì, binh nhất, hạ sĩ quan đảm nhận, đó là "đi chợ hộ" cho dân, giúp người dân ai ở đâu ở đó để phòng chống dịch. Đây là một "mặt trận" hết sức lạ lẫm với những chú bộ đội 18 đôi mươi mà có thể họ chưa một lần đi siêu thị, chưa một lần thấy mặt hàng mà người dân yêu cầu mua hộ. Thế nhưng họ vẫn âm thầm hoàn thành nhiệm vụ được giao, len lỏi vào từng con hẻm đưa hàng hóa thiết yếu đến hàng vạn hộ dân.
Đừng nghĩ đó là nhiệm vụ dễ dàng, đơn giản. Trước hết, họ chấp nhận hy sinh như đang ở chiến trường khi sẵn sàng đối mặt nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nhưng họ là người lính, chấp nhận mệnh lệnh và phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hình ảnh những chú bộ đội trẻ măng như con cháu mình, ngồi vỉa hè ăn vội ly mì tôm, hộp cơm nguội ngắt, hay bánh lương khô dành cho lính trận ngay giữa thành phố lớn nhất nước này, sao không làm cho chúng ta chạnh lòng!
Vậy mà trên mạng xã hội râm ran với những hình ảnh, nội dung bỡn cợt rất phản cảm. Hãy tưởng tượng đó là con em của chính bạn. Có thể các em, các cháu còn rất trẻ, vụng về, luống cống nhưng thật dễ thương, dễ mến vì họ tận tâm, tận tình. Họ hiểu tình quân dân như cá với nước. Họ biết mình từ nhân dân mà ra, phải biết vì nhân dân quên mình, vì nhân dân chấp nhận hy sinh gian khổ.
Và trên hết họ được lòng dân, được nhân dân tin yêu.
Họ xứng đáng được yêu thương, được tôn trọng, được nhớ ơn.
Quân đội, hơn tất cả tính kỷ luật cực kỳ nghiêm minh, tính tổ chức rất cao và đặc biệt gần dân, được lòng tin yêu của nhân dân. Chắc chắn họ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chống dịch, một mặt trận không có tiếng súng nhưng có sự hy sinh, bởi họ không phải mình đồng da sắt, không miễm nhiễm với SARS-CoV-2. Họ cũng có gia đình, đang lo lắng cho họ…
Nếu bạn không làm gì thì hãy đứng sang một bên, ở đâu yên ở đó, để những người lính sẵn sàng chống dịch. Đừng biến mình thành những "con virus" buông lời bỉ bôi, soi mói những người lính đang giúp dân, chống dịch. Đó là những lời nói khó nghe của những "anh hùng bàn phím" và cũng chẳng ích lợi gì trong hoàn cảnh đại dịch đang tấn công tất cả chúng ta.