Trong Công văn số 2850 ban hành tối 23.8 của UBND TP.HCM, việc lo trang bị và phân bố đồng phục nhận diện cho công chức trong những ngày tới theo Công văn 2976 vẫn được nhắc lại để triển khai.

Theo một số ý kiến, việc trang bị đồng phục nhận diện cho công chức thành phố lúc này là không cần thiết /// Ảnh: Ngọc Thắng
Theo một số ý kiến, việc trang bị đồng phục nhận diện cho công chức thành phố lúc này là không cần thiết
ẢNH: NGỌC THẮNG

Di chuyển phải mặc đồng phục

Cụ thể, tại mục 3 của Công văn 2850 về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký, có nêu: Việc trang bị và phân bổ áo nhận diện cho cơ quan, đơn vị có liên quan được thực hiện như sau: Đối với cấp thành phố, UBND TP giao cho Sở Công thương, Bộ tư lệnh TP chuẩn bị số lượng áo nhận diện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Công văn 2796 ngày 21.8.2021. Giao cho Sở Nội vụ chịu trách nhiệm phân bổ cho các cơ quan khối Đảng, Đoàn thể, các sở, ban ngành thành phố và các ban quản lý trực thuộc UBND TP; giao cho các sở ban ngành thành phố chịu trách nhiệm phân bổ cho các đơn vị trực thuộc.
Đối với cấp huyện, UBND TP.HCM giao cho UBND TP.Thủ Đức, các quận huyện chịu trách nhiệm trang bị và phân bổ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bao gồm cả khối Đảng, đoàn thể cấp huyện.
Trước đó, ngày 20.8, Sở Nội vụ TP.HCM đã có văn bản khẩn đề xuất UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo việc kiểm soát di chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo phương án “3 tại chỗ”. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc các cơ quan, đơn vị… theo đề xuất của Sở Nội vụ, khi di chuyển từ nhà đến nơi làm việc, ngoài các quy định kiểm soát hiện hành thì cần phải mặc đồng phục của thành phố (áo khoác/áo bib có logo nhận diện, màu xanh dương) trong suốt quá trình di chuyển.
Căn cứ vào số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bố trí làm việc trực tiếp tại trụ sở, các cơ quan, đơn vị đăng ký số lượng đồng phục với Sở Công thương. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP.HCM về vi phạm của công chức, viên chức, người lao động và việc cấp thẻ công chức, thẻ đi đường không đúng đối tượng. Đặc biệt, đề xuất của Sở Nội vụ yêu cầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết; không đeo thẻ công chức, thẻ ngành, thẻ đi đường, không mặc đồng phục của thành phố. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cũng đề xuất UBND TP.HCM giao Sở Công thương cung cấp đồng phục của thành phố là loại áo khoác/áo bib có logo, màu xanh dương theo số lượng đăng ký.

Doanh nghiệp đang quá tải

Một lãnh đạo của Sở Công thương từ chối trả lời vấn đề này và cho biết mọi nguồn lực của Sở đang tập trung giải quyết các vấn đề giấy phép đi đường cho nhân viên các doanh nghiệp logistics, hàng hóa thiết yếu... Được biết, nhiều sở, cơ quan, đơn vị hành chánh tại TP.HCM đang thực hiện làm việc 3 tại chỗ với lượng nhân sự còn ¼ do cách ly, phong tỏa, chữa bệnh… Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận nguồn lực để triển khai may đồng phục nhận diện cho công chức lúc này là vô cùng khó khăn.
Một số doanh nghiệp sản xuất trong ngành may mặc bổ sung, ngay cả khi có vải rồi cũng khó huy động các công ty sản xuất hàng loạt lúc này. Hiện các công ty đóng cửa, một số duy trì sản xuất “3 tại chỗ” với công suất chỉ đạt 1/3 ngày thường để làm các đơn hàng của họ còn không kịp, làm sao tổ chức để họ may đồng phục cho công chức lúc này được.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho rằng, nếu quy định buộc công chức ra đường trong thời gian này mặc đồng phục của chính cơ quan mình thì thích hợp hơn. Trong lúc này, mọi nguồn lực của TP.HCM đang tập trung cho việc cứu đói, dập dịch, phát triển kinh tế từ con người đến vật chất. Mấy hôm nay, quy định giấy đi đường thay đổi xoành xoạch đã khiến doanh nghiệp đau đầu. Thế nên, đề xuất may đồng phục cho công chức của thành phố lúc này nên gác lại.
“Thực tế, doanh nghiệp ngành may mặc của thành phố hiện không có điều kiện thích ứng cho việc triển khai các đơn hàng may trang phục nhận diện công chức cho toàn thành phố. Hiện những nhà máy đang duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” công suất giảm mạnh, chủ yếu tập trung hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội đã trễ đơn hàng, gia hạn, chịu phạt… Nên đơn hàng đồng phục cho công chức thành phố lúc này, nếu có được giao cũng không thể làm được”, vị này phân tích và nói thêm, hiện tại có giấy đi đường và thẻ công chức, ngành nghề, mặc đồng phục cơ quan… để ra đường là được rồi.
 
-----------------------------------------------------------

Các Hiệp hội ngành hàng ‘cầu cứu’ Thủ tướng về giấy đi đường tại TP.HCM

Thư cầu cứu của Các Hiệp hội ngành hàng gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng, bộ trưởng các bộ Công thương, GTVT, Chủ tịch UBND TP.HCM và Giám đốc Sở Công thương TP.HCM.
Ảnh chụp phần đầu và cuối văn bản kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng /// Ảnh: Ng.Nga
Ảnh chụp phần đầu và cuối văn bản kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng
ẢNH: NG.NGA

Mất nhiều thời gian để làm hồ sơ xin cấp giấy đi đường

Ngày 25.8, Các Hiệp hội ngành hàng gồm: Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Hiệp hội Gỗ Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã gửi kiến nghị cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp hội viên hiệp hội để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, theo quy định tại Công văn 2796, Công văn 2800 cùng ngày 21.8.2021 về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông; Công văn số 3996 phân công cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TP.HCM do Sở Công thương ban hành liên quan phân cấp việc cấp giấy đi đường cho nhân viên doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và làm dịch vụ logistics… Các Hiệp hội ngành hàng cho cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp đang “không biết phải đăng ký giấy đi đường ở đâu vì không xác định thuộc diện đối tượng nào và ai phụ trách”.
Theo đại diện Các Hiệp hội ngành hàng, các quy định về cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách nâng cao đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - xuất khẩu, gây đình trệ, tổn thất lớn về chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu sẽ bị giảm chất lượng, nguy cơ bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho các khách hàng quốc tế…
Ngoài ra, để hoàn thiện bộ hồ sơ xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phải đăng ký kiểm dịch thực vật tại Cục Kiểm dịch thực vật; đăng ký chứng nhận xuất xứ tại Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; hồ sơ phun trùng; hồ sơ giám định; thực hiện thủ tục hải quan tại cụm cảng Cát Lái/ICD; các nghiệp vụ liên quan vận đơn với các đơn vị hãng tàu; các nghiệp vụ liên quan ngân hàng (xuất trình chứng từ, LC, hồ sơ thanh toán, tài chính...); các nghiệp vụ khác liên quan gửi chuyển phát quốc tế chứng từ hàng xuất tại sân bay, chuyển mẫu kiểm nghiệm...
Hiện các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung nhiều nhà máy của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như gạo, gỗ, thủy sản, cao su, rau quả, điều, cà phê, hồ tiêu... Trong trường hợp các doanh nghiệp không được phê duyệt cấp giấy đi đường sớm để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.

Đề xuất Hiệp hội ngành hàng là đầu mối xin giấy đi đường để giảm tải

Chính vì vậy, Các Hiệp hội ngành hàng cùng thống nhất và xin đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành các vấn đề sau:
Sớm có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Tăng cường thêm số lượng người xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp. Cấp giấy đi đường bản mềm và gửi qua email cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát để Sở Công thương TP.HCM đóng dấu. Hiệp hội ngành hàng sẽ là đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách doanh nghiệp là hội viên có nhu cầu xin cấp giấy đi đường, gửi trực tiếp tới Sở Công thương, UBND các quận huyện nhằm giảm tải và bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19. Người đứng đầu các doanh nghiệp hội viên chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký và cam kết quản lý chặt chẽ danh sách người lao động được cấp giấy đi đường. Với các doanh nghiệp không phải là hội viên của Hiệp hội sẽ thực hiện thủ tục xin giấy đi đường tại Sở Công thương và địa phương.
Tối 25.8, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng xác nhận đơn thư “cầu cứu” của Các Hiệp hội ngành đã được gửi lên Thủ tướng và các bộ ban ngành. Các Hiệp hội ngành hàng rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Thủ tướng và các cơ quan liên quan xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động đi lại cấp thiết của doanh nghiệp hội viên trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, xuất khẩu trong thời điểm hiện nay.
Về tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính hết tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của 5 tỉnh thành: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước đạt 148,64 tỉ USD, chiếm 44,58% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo quy định tại Công văn 2850 của UBND TP.HCM về điều chỉnh nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội ngày 23.8, Công an TP.HCM là đơn vị in và ký cấp giấy (hoặc ủy quyền cho PC08, công an địa phương các cấp ký) cho 17 nhóm đối tượng đã được quy định tại Công văn 2800 và nhóm điều chỉnh bổ sung tại công văn 2850.