Doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp vận hành nền tảng đa dịch vụ vừa đề xuất cung cấp miễn phí hạ tầng hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, giảm gánh nặng hiện nay.

Grab, Central Retail đề xuất cho mượn hạ tầng công nghệ để giúp Đi chợ hộ - Ảnh 1.

Lực lượng đi chợ hộ của các địa bàn hiện nay đã làm hết sức nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân - Ảnh: N.BÌNH

Công ty TNHH Grab Việt Nam vừa đề xuất cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt trong khu vực shipper không hoạt động. 

Theo đó, ứng dụng này sẽ hỗ trợ kết nối lực lượng đi chợ hộ với đơn vị cung ứng hàng hóa và người dân. Người dân sẽ tải ứng dụng Grab về điện thoại thông minh và tạo tài khoản người dùng trên ứng dụng. Sau đó, vào danh mục GrabMart trên ứng dụng Grab, nhập địa chỉ cư trú, lựa chọn các mặt hàng và số lượng cần mua. 

Người dùng sẽ chỉ đặt hàng được tại các đơn vị cung ứng hàng hóa trong khu vực sinh sống của mình và được khuyến khích lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng. Trường hợp người dùng chưa có thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán, ví điện tử, có thể lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt cho người đi chợ hộ khi nhận hàng.

Để kết nối với người dùng, các đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ tạo lập một gian hàng trực tuyến trên ứng dụng Grab. 

Gian hàng sẽ hiển thị đầy đủ các mặt hàng có sẵn cập nhật theo từng thời điểm. Hàng hóa sẽ được sắp xếp theo dạng đơn lẻ hoặc theo gói combo và giao khi người đi chợ hộ tới nhận. Nếu người dùng thanh toán bằng tiền mặt, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ nhận tiền mặt từ người đi chợ hộ.

Đối với lực lượng đi chợ thay, mỗi tổ công tác đặc biệt của phường/xã tạo lập một tài khoản người đi chợ thay, bao gồm tên (ví dụ Tổ công tác đặc biệt phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức), số điện thoại đầu mối liên hệ, email, tài khoản ngân hàng.

Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, cán bộ đi chợ thay sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Grab và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng, giao cho người đặt theo đúng địa chỉ. Mỗi cán bộ đi chợ thay có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến. 

Nếu người dân lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt, cán bộ đi chợ thay có thể tạm ứng tiền và sẽ thu lại của người dân theo biên lai hiện trên ứng dụng khi giao hàng. Về điểm này, Grab cho rằng sẽ điều chỉnh phù hợp với tình hình triển khai thực tế sau thảo luận. 

Theo đại diện Grab Việt Nam, phương thức này sẽ hỗ trợ cơ quan nhà nước, lực lượng chức năng tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn đảm bảo cung ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho 33% nhu cầu của người dùng của toàn thành phố. 

Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ có dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý như số lượng hàng hoá, tần suất giao dịch, truy vết... 

Hiện nay, khu vực đang hạn chế shipper hoạt động của TP.HCM gồm các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, TP Thủ Đức. Theo dữ liệu Grab, các khu vực này hiện có khoảng 1,9 triệu người dùng và hơn 3.500 đơn vị bán lẻ đang hoạt động trên ứng dụng Grab, trong đó siêu thị chiếm 4,3%, còn các cửa hàng có quy mô nhỏ chiếm 95,5%. 

Trong khi đó, đại diện Central Retail Việt Nam cũng cho biết sẵn sàng chia sẻ nền tảng nhận và xử lý đơn hàng của hệ thống để hỗ trợ lực lượng chức năng tiết kiệm thời gian trong việc đi chợ hộ. Theo đó, ứng dụng Bip Bip mà hệ thống này đang vận hành giúp người dùng có thể chọn được những điểm bán gần nhà nhất và đặt hàng, những người đi chợ hộ sẽ dựa trên thông tin này để nhận đơn hàng.

Theo Central Retail Việt Nam, hiện tượng ùn ứ đơn hàng hiện nay có phần nguyên nhân từ việc xử lý khâu đầu vào và nếu được giải quyết hợp lý thì số đơn hàng được giao trong ngày có thể nhiều hơn.