Các nguồn tin của Đài Al Jazeera tiết lộ chính phủ lâm thời của Taliban sẽ là chính phủ đa đại diện, gồm tất cả lãnh đạo các sắc tộc và bộ lạc tại Afghanistan. Khoảng một chục cái tên đang được xem xét cho các vị trí trong chính quyền mới.

Taliban tổ chức chính quyền đa đại diện, gồm tất cả sắc tộc tại Afghanistan - Ảnh 1.
Phó thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar (giữa) và các lãnh đạo khác của lực lượng này đang có mặt tại Kabul để định hình chính phủ mới - Ảnh: REUTERS

Sự đa dạng sắc tộc của Afghanistan là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới xung đột chính trị tại nước này. Do không có nhóm dân tộc nào chiếm đa số, việc xây dựng chính quyền đa đại diện được xem là giải pháp hợp lý để giữ ổn định chính trị.

Theo Đài Al Jazeera, một hội đồng các lãnh đạo tối cao đã được triệu tập để định hình chính phủ tương lai và lựa chọn các đề cử cho ghế bộ trưởng. Hiện có khoảng một chục cái tên đang được xem xét.

Các bộ chủ chốt sẽ có bộ trưởng trước tiên là tư pháp, an ninh nội địa, quốc phòng, đối ngoại, tài chính, thông tin. Cũng theo nguồn tin của Al Jazeera, sẽ có một vị trí đặc biệt phụ trách các vấn đề của thủ đô Kabul.

Nguồn tin của Al Jazeera tiết lộ sẽ có những gương mặt mới vào chính phủ, bao gồm cả con trai của các thủ lĩnh người Tajik và người Uzbek.

Mỹ đã kiên quyết đưa một số thành viên của các chính phủ Afghanistan trước đây vào chính phủ mới. Những người này bao gồm cả cựu tổng thống Hamid Karzai và người đứng đầu Hội đồng cấp cao về hòa giải quốc gia của Afghanistan Abdullah Abdullah.

Về quyền của phụ nữ, nguồn tin Al Jazeera cho biết phụ nữ sẽ được phép làm việc trong các cơ quan chính phủ mới như họ đã làm trong các chính phủ trước đây, chủ yếu trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

Các tòa án đặc biệt sẽ được thành lập ở cấp địa phương để chống tham nhũng và sẽ xử lý nghiêm những người nhũng nhiễu, vơ vét của dân. Taliban sẽ dỡ bỏ các chốt kiểm soát "không cần thiết" trong các thành phố và yêu cầu các binh sĩ tiếp tục "nhã nhặn, lịch sự" với người dân.

Các tay súng Taliban bắt đầu tấn công vào các thành phố trọng yếu khi Mỹ vẫn chưa hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanistan. Ngày 15-8, lực lượng này tiến vào thủ đô Kabul mà không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào.

Mỹ và các nước phương Tây lập tức tổ chức chiến dịch di tản từ sân bay Hamid Karzai của Kabul. Tuy nhiên tình trạng hỗn loạn đã diễn ra và khiến nhiều người thương vong khi nhiều người đổ về đây, tìm cách thoát khỏi Afghanistan.