Yêu cầu lực lượng shipper tại TP.HCM phải xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày không chỉ đội chi phí cho doanh nghiệp rất lớn mà còn làm khó cho các tài xế.
Ảnh: Độc Lập
Chiều 28.8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM về việc bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Theo phương án được các đơn vị dự kiến triển khai, số lượng shipper được phép hoạt động sẽ được tăng lên với yêu cầu phải xét nghiệm Covid-19 (test Covid-19) mỗi ngày ở những vùng dịch bệnh đang phức tạp (vùng cam, vùng đỏ) và từ 2 - 3 lần/ngày đối với vùng xanh. Trước đó, Sở Công thương TP.HCM cũng đề xuất tăng cường huy động 25.000 shipper vận chuyển hàng hóa an toàn và chỉ cho phép shipper đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 từ ngày 13.8 trở về trước được tham gia lưu thông, cung ứng hàng hóa.
Chi phí quá lớn đè doanh nghiệp
Một ngày sau thông tin chính thức từ buổi họp, các hãng gọi xe công nghệ vẫn lúng túng chưa biết phải chuẩn bị như thế nào để đáp ứng theo đúng quy định mới. Đại diện ứng dụng gọi xe Be cho biết hiện nay, do các cơ quan chức năng vẫn chưa có văn bản quy định chính thức nên phía doanh nghiệp vẫn đang theo dõi chặt chẽ để tiến hành các bước triển khai tiếp theo. Tuy nhiên, yêu cầu các tài xế phải xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày 1 lần khó khả thi trong khâu quản lý. Lực lượng xét nghiệm là ai, ai thao tác cho các tài xế, cấp giấy chứng nhận như thế nào, hậu kiểm ra sao... một loạt vấn đề đặt ra chưa có lời đáp. Chưa kể hiện nay việc thống nhất giấy đi đường cho các tài xế giao hàng vẫn chưa "ngã ngũ", vô cùng khó khăn.
Theo ông Đặng Hoàng Linh, Giám đốc Chính sách công và Quan hệ Chính phủ của Gojek Việt Nam, phía doanh nghiệp rất hiểu chủ trương của thành phố là đảm bảo lực lượng tài xế lưu thông tuyệt đối an toàn, hạn chế việc lây lan Covid-19. Tuy nhiên những điều kiện đưa ra còn một số bất cập.
Thứ nhất, doanh nghiệp có thể đảm bảo tất cả các tài xế khi lưu hành đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19. Song, chi phí xét nghiệm hằng ngày cho các tài xế là rất lớn, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. TP.HCM yêu cầu shipper phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính, không chấp nhận kết quả test nhanh. Hiện, các bệnh viện, trạm y tế công đã quá tải vì đang trong quá trình đẩy nhanh xét nghiệm toàn dân thành phố, cơ sở y tế tư nhân được cấp phép xét nghiệm thì chi phí dao động từ 280.000 - 350.000 đồng/lần. Với tổng số lượng khoảng 1.000 tài xế Gojek, trung bình cứ 2 ngày test 1 lần, 1 tháng test 15 lần, nhân lên sẽ ra con số cực lớn.
Bên cạnh đó, Sở Công thương TP.HCM yêu cầu các hãng xe công nghệ không tăng giá cước, giữ nguyên cước phí như giai đoạn trước ngày 13.8. Đối với 1 cuốc xe, hãng chỉ nhận từ 15 - 20% doanh thu, 80% còn lại thuộc về đối tác tài xế. Doanh nghiệp hiện phải đóng thuế VAT, không được điều chỉnh giá cước, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài ít nhất trong 1 tháng tới, doanh nghiệp lo không thể gánh nổi khoản phí này.
Về phía tài xế, việc yêu cầu xét nghiệm mỗi ngày gây bất tiện rất nhiều. Tài xế chưa có giấy đi đường, di chuyển khó khăn, tới nơi xét nghiệm phải chờ ít nhất 30 phút mới tới lượt, chưa biết bao lâu mới được trả kết quả để được chạy. "Những tài xế phải hoạt động thời điểm này là những người cực chẳng đã, vì kinh tế quá khó khăn mới phải chấp nhận ra đường. Rủi ro cao, giá cước không được tăng, lại còn thêm bao nhiêu thủ tục, quy định bất tiện thì chúng tôi lo họ thà ở nhà còn hơn" - ông Linh nói.
Ám ảnh mỗi lần... chọc mũi
Trên diễn đàn các tài xế công nghệ tại TP.HCM, trước câu hỏi "Nếu thành phố kêu gọi, ngày nào cũng xét nghiệm thì các anh em có chạy không?", hàng ngàn tài xế bình luận khẳng định không chạy.
"Ra đường chạy vận chuyển cho bà con mà khổ quá. Giấy tờ, quy định thay đổi liên tục mà vẫn hên xui, chỗ cho qua, chỗ không. Giờ chạy không được bao nhiêu, đi xét nghiệm mà bị dính cái biên bản nữa thì quá tội" - mội tài xế tên Thành Phạm tham gia ý kiến.
Trong khi đó, một nữ tài xế tài khoản Thanh Hải chia sẻ về nỗi ám ảnh mỗi lần đi test Covid-19 của mình: "Nghĩ đến cái cây chọc mũi thôi là tôi nổi hết cả da gà. Cứ 3 ngày đi chọc 1 lần, về 1 tuần sau vẫn còn nhức lên tới tận đỉnh đầu. Tuần trước đi test về, tôi cảm tưởng đau phát sốt, cũng đúng đợt lùm xùm vụ giấy đi đường nên nghỉ tạm ở nhà luôn. Giờ bắt ngày nào cũng test chắc không chịu quá. Dịch thế này biết bao giờ mới hết, 1 - 2 tháng mà cứ ngày nào cũng chọc mũi thì cũng vì đau mà chết trước cả đói. Thôi nghỉ!".
Đồng cảm với những tâm tư của tài xế, đại diện Gojek đề xuất coi shipper là 1 phần của lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch để có những điều kiện, chính sách hợp lý hơn.
Cụ thể, tài xế đã tiêm 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19, đảm bảo đầy đủ điều kiện phòng, chống dịch thì có giao hàng nội quận hay liên quận thì cũng như nhau. Hiện nay, hầu hết các khu vực đều có chốt kiểm soát, shipper giao hàng tới để ở chốt rồi khách hàng ra nhận, rất ít tiếp xúc trực tiếp. Vì thế, không cần thiết giới hạn phạm vi hoạt động của các shipper.
"Lực lượng shipper thực tế cũng giống với lực lượng tình nguyện viên và quân đội tham gia phòng, chống dịch, thậm chí còn ít tiếp xúc trực tiếp hơn. Vậy mà các lực lượng kia cũng chỉ cần đảm bảo tiêm 1 mũi vắc xin, áp dụng triệt để 5K... mà không cần phải xét nghiệm hằng ngày. Nên áp dụng quy định chung cho shipper giống với các lực lượng tình nguyện viên đang tham gia "đi chợ hộ" trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho các tài xế như đối với lực lượng tuyến đầu, giảm bớt bất tiện, đảm bảo hoạt động của các shipper được diễn ra thuận lợi để không đứt gãy chuỗi vận chuyển hàng hóa thiết yếu" - phía Gojek kiến nghị.