Beheshta Arghand, nữ nhà báo của TOLO, rời Afghanistan sau cuộc phỏng vấn gây tiếng vang với một đại diện cấp cao của Taliban.
Cuộc phỏng vấn của Arghand với phát ngôn viên của Taliban hồi đầu tháng thu hút chú ý của khắp thế giới. Hai ngày sau, cô tiếp tục gây ấn tượng bằng bài phỏng vấn Malala Yousafzai, nhà hoạt động sống sót sau vụ ám sát của Taliban. TOLO mô tả đây là lần đầu Yousafzai được phỏng vấn trên truyền hình Afghanistan.
Arghand là người tiên phong, nhưng công việc sau đó của cô bị đóng băng. Cô quyết định rời Afghanistan bởi e ngại những nguy hiểm mà nhiều nhà báo và dân thường Afghanistan phải đối mặt. Arghand đã kể lại trải nghiệm hai tuần qua với CNN.
"Tôi rời đất nước bởi giống hàng triệu người khác, tôi rất sợ Taliban", cô nói.
Saad Mohseni, chủ sở hữu của TOLO, hãng tin tư nhân ở Afghanistan, cho hay hoàn cảnh của Arghand đại diện cho tình hình hiện nay ở Afghanistan.
"Đa số phóng viên và nhà báo nổi tiếng đều đã rời đi", Mohseni nói hôm 29/8. "Chúng tôi đang làm việc cật lực để đào tạo người mới thay thế. Chúng tôi gặp hai thách thức cùng lúc là đưa mọi người rời đi và giữ công việc tiếp tục hoạt động".
Arghand, 24 tuổi, quyết định trở thành nhà báo năm lớp 9 sau khi một giáo viên gọi cô lên bảng đọc mẩu tin "giống như tôi là người dẫn chương trình trên TV", nữ nhà báo nhớ lại.
Cô học báo chí ở đại học Kabul trong 4 năm, làm việc tại một số hãng thông tấn và đài phát thành trong thời gian ngắn, sau đó gia nhập TOLO trong vai trò người dẫn chương trình hồi đầu năm. "Tôi làm việc ở đó một tháng 20 ngày, rồi Taliban đến", Arghand nói.
Buổi phỏng vấn hôm 17/8 với Taliban là "lần đầu tiên trong lịch sử Afghanistan một đại diện Taliban xuất hiện trực tiếp trong một trường quay truyền hình, đối diện với người dẫn chương trình là nữ", Mohseni nói, khẳng định Taliban đang cố "thể hiện bộ mặt ôn hòa với thế giới".
Arghand cho hay buổi phỏng vấn đã vô cùng khó khăn, "nhưng tôi vẫn làm vì phụ nữ Afghanistan".
"Tôi cho rằng 'phải có người trong chúng tôi bắt đầu... Nếu chúng tôi cứ ở nhà, không tới chỗ làm, họ sẽ nói rằng phụ nữ không muốn đi làm'. Tôi tự nhủ 'hãy bắt đầu làm việc nào'", Arghand kể. "Sau đó tôi nói với thành viên Taliban rằng 'chúng tôi muốn quyền phụ nữ được thực thi. Chúng tôi muốn làm việc. Chúng tôi muốn, chúng tôi phải, được hiện diện trong xã hội. Đây là quyền của chúng tôi".
Mỗi ngày trôi qua lại có thêm tin mới về Taliban đe dọa giới truyền thông. Hai ngày sau buổi phỏng vấn Yousafzai, Arghand tìm tới cô nhờ giúp đỡ. Cuối cùng, nữ nhà báo lên chuyến bay sơ tán của không quân Qatar cùng người nhà ngày 24/8. Arghand hy vọng sẽ có ngày trở lại đất nước.
"Nếu Taliban làm đúng những gì đã nói, đã hứa và tình hình tốt hơn, tôi cảm thấy mình an toàn và không còn bị đe dọa, tôi sẽ trở lại quê hương, làm việc cho đất nước, cho người dân quê tôi", Arghand nói.