Chuyến công du của bà Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, đã cho thế giới thấy rằng Mỹ có thể vừa xử trí được khủng hoảng đang diễn ra ở Kabul vừa theo đuổi được các cơ hội.
Đã có nhiều người bày tỏ ý kiến về tên gọi của mối quan hệ đối tác Mỹ - Việt. Tôi nghĩ điều quan trọng không phải là chúng ta gọi mối quan hệ này bằng danh xưng nào. Điều quan trọng là những gì hai quốc gia cùng làm với nhau, trong những vấn đề có ý nghĩa với cả hai nước, cả khu vực và quốc tế.
Chính quyền Biden - Harris rõ ràng coi quan hệ đối tác với Việt Nam là quan trọng, thể hiện qua việc Phó tổng thống Kamala Harris thăm Việt Nam chỉ vài tuần sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Kinh tế phụ thuộc nhau
Trước khi phó tổng thống công du Singapore và Việt Nam, một số người tin rằng chuyến thăm này sẽ chỉ về vấn đề Trung Quốc. Tuy nhiên, Phó tổng thống Harris đã nói rất rõ trong tất cả các cuộc tiếp xúc ở Hà Nội rằng mối quan hệ của Mỹ với Việt Nam có tầm quan trọng tự thân của nó.
Nền kinh tế của hai nước hiện đang phụ thuộc nhau hơn bao giờ hết: Thương mại Mỹ - Việt đã tăng từ mức gần như không có gì khi tôi bắt đầu đến Việt Nam làm việc năm 1996 lên 90 tỉ USD vào năm ngoái.
Ngày nay, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và là điểm đến số 1 cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đối với Mỹ, quốc gia đang tìm kiếm các chuỗi cung ứng có sức chống chịu cao với các cú sốc, Việt Nam đóng vai trò quan trọng vì là một trung tâm lớn của ngành sản xuất chất bán dẫn, chẳng hạn như của Intel, công ty có nhà máy lớn nhất đặt gần TP.HCM.
Cả Việt Nam và Mỹ đều đang tập trung vào việc ứng phó với COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong chuyến thăm Việt Nam, Phó tổng thống Harris đã thông báo tặng thêm 1 triệu liều vắc xin Pfizer cho Việt Nam, nâng tổng số liều đã hỗ trợ lên 6 triệu và cam kết cung cấp 77 tủ đông âm sâu để hỗ trợ nỗ lực phân phối vắc xin tại tất cả 63 tỉnh thành.
Sự hỗ trợ này được xây dựng dựa trên một lịch sử hợp tác lâu dài về y tế, bắt đầu từ khi xảy ra dịch SARS và HIV/AIDS và dần dần được củng cố trong đại dịch COVID-19 khi Bộ Y tế Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chia sẻ dữ liệu dịch tễ học theo thời gian thực.
Trong nhiều thập kỷ, các cơ quan y tế công cộng của hai nước chúng ta đã trở thành đối tác tin cậy, đây cũng là điều mà phó tổng thống nhấn mạnh khi khai trương văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.
Phó tổng thống cũng tập trung vào khía cạnh quan trọng khác trong nỗ lực chính sách đối ngoại toàn cầu của Tổng thống Joe Biden: biến đổi khí hậu. Bà Harris đã khởi động một dự án trị giá 36 triệu USD nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một hệ thống năng lượng sạch, an toàn và theo cơ chế thị trường.
Một bộ chỉ số xanh (Green Index) mới sẽ giúp các công ty nước ngoài đầu tư vào các tỉnh đang tích cực phát triển xanh. Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng coi trọng phát triển bền vững, điều cũng đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của các ngành công nghiệp Mỹ.
Với hơn 65 công ty thành viên tham gia, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN hiện đang đi tiên phong trong sáng kiến phát triển bền vững lớn nhất ở Đông Nam Á do khu vực tư nhân khởi xướng.
Tiếp nối xây dựng niềm tin
Phó tổng thống Harris cũng thúc đẩy nỗ lực bảo tồn môi trường sinh sống ven bờ của các loài ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cuộc sống của 20 triệu cư dân phụ thuộc vào nguồn nước và các loài thủy sản ở hệ thống sông hùng vĩ này.
Hàng triệu người khác trong khu vực phụ thuộc vào nguồn cung lúa gạo, nông sản và thủy sản do những người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long làm ra.
Bà Harris cũng chứng kiến lễ ký hợp đồng thuê đất xây dựng trụ sở đại sứ quán mới tại Hà Nội có thời hạn 99 năm, một vấn đề mà Mỹ đã quan tâm từ lâu.
Mối quan hệ an ninh tiếp tục tiến triển với tốc độ chậm nhưng ổn định. Phó tổng thống Harris khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Nam và các nước láng giềng ASEAN về tự do hàng hải ở Biển Đông khi tuyên bố: "Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác của mình khi đối mặt với các mối đe dọa".
Bà cũng nhắc đến khả năng Mỹ chuyển giao chiếc tàu tuần duyên hạng nặng thứ ba đến Việt Nam nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn và cam kết phối hợp hơn nữa trong lĩnh vực an ninh mạng.
Những yếu tố gây cản trở thương mại vẫn còn dù đã có nhiều tiến bộ trong việc tạo thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ sang thị trường Việt Nam.
Việt Nam có khát vọng cao đối với nền kinh tế kỹ thuật số và Mỹ có thể tạo ra sự thúc đẩy lớn cho các doanh nghiệp ở cả hai bờ Thái Bình Dương bằng cách đàm phán một hiệp định thương mại kỹ thuật số với Việt Nam cũng như các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khác, để từ đó tạo ra các quy tắc chung cho khu vực năng động nhất trong nền kinh tế toàn cầu.
Trên tất cả, chuyến thăm của Phó tổng thống Harris là sự tiếp nối một tiến trình dài lâu thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và cùng xây dựng niềm tin, hòa giải giữa hai quốc gia cựu thù mà ngày nay đã là bạn tốt của nhau.
Tăng cường giao lưu nhân dân
Giao lưu nhân dân Việt - Mỹ cũng là một chủ đề nổi bật trong chuyến thăm Việt Nam của phó tổng thống.
Theo thông báo của bà Harris, các tình nguyện viên của Đoàn Thanh niên hòa bình (Peace Corps) sẽ bắt đầu đến Việt Nam, một tín hiệu cho thấy sự tin cậy ngày càng sâu sắc giữa Hà Nội và Washington.
Một số người cho rằng điều này sẽ không bao giờ diễn ra, nhưng như nguyên đại sứ Mỹ Pete Peterson từng nói, không có gì là không thể trong quan hệ Mỹ - Việt.
Việc cử các thanh niên Mỹ sang dạy tiếng Anh tại Việt Nam sẽ giúp người Mỹ hiểu hơn về đất nước này.
Ở chiều ngược lại, giới trẻ Việt Nam cũng háo hức muốn tìm hiểu về Mỹ, với 30.000 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập mỗi năm, đóng góp gần 1 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ.
Ông Ted Osius hiện là chủ tịch và giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. Ông là đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2014 - 2017 và là tác giả của cuốn sách Không gì là không thể: Hòa giải của Mỹ với Việt Nam (Nhà xuất bản Đại Học Rutgers, dự kiến phát hành bản tiếng Anh tháng 10-2021).