Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đánh giá dịch bệnh Covid-19 đã trong cộng đồng lâu nay, đặc biệt, dễ lây lan khi có các sự kiện tập trung đông người, không chỉ riêng ở TP.HCM.

TP.HCM đang nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn đà lây nhiễm Covid-19, chuyển hóa vùng đỏ Covid-19 sang vùng xanh - vùng không có ca nhiễm /// ĐÌNH PHÚ
TP.HCM đang nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn đà lây nhiễm Covid-19, chuyển hóa vùng đỏ Covid-19 sang vùng xanh - vùng không có ca nhiễm
ĐÌNH PHÚ
Trao đổi với PV Thanh Niên vào chiều 30.8, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng dịch bệnh Covid-19 đã "ngấm sâu" trong cộng đồng lâu nay, nên nếu chúng ta lấy mẫu xét nghiệm nhiều thì thấy ca mắc Covid-19 mới tăng nhiều, xét nghiệm ít thì phát hiện ít. Khi dịch đã rộng trong cộng đồng ở TP.HCM thì chú trọng tập trung điều trị, giảm tử vong là quan trọng.
 
Cùng với tập trung điều trị ca có triệu chứng, nặng ở các bệnh viện, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga đánh giá cao việc TP.HCM lập các trạm y tế lưu động. Đây là mô hình tăng cơ hội để tiếp cận sớm nhất, hỗ trợ kịp thời cho các F0, giảm thấp nhất các ca chuyển nặng và các ca nặng được hỗ trợ chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Khi số đông có miễn dịch thì F0 sẽ giảm

Theo ông Nga, lần này TP.HCM tăng cường siết chặt giãn cách xã hội, nếu thực sự làm nghiêm thì sẽ dần cắt lây lan rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn có thể lây lan trong gia đình. Vì vậy, ngay cả khi giãn cách thì trong gia đình cần lưu ý phòng lây nhiễm, đặc biệt quan tâm, ngăn lây nhiễm cho người từ 40 tuổi có bệnh nền, những người từ trên 65 tuổi, vì đó là những người nguy cơ rất cao chuyển nặng khi mắc Covid-19.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga: Có thể TP.HCM đang đỉnh dịch Covid-19 - ảnh 1

Trong tổng cộng 1.677.154 mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng của 7 ngày, từ 23 - 29.8, phát hiện 64.299 mẫu dương tính, chiếm 3,8% số mẫu xét nghiệm (bình quân khoảng 9.185 mẫu dương tính/ngày)

ĐÌNH PHÚ

Với người cao tuổi, nếu đủ điều kiện, nên được ở phòng riêng, ăn uống riêng, không tiếp xúc gần với các thành viên khác trong gia đình, vì có thể người cao tuổi bị lây bệnh từ những người trẻ trong gia đình, từ những người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng. Cũng có những ca nặng là người trẻ, thậm chí tử vong, tuy nhiên đa số vẫn là những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao nêu trên.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga cho rằng khi đã xác định mầm bệnh đã lây lan rộng trong cộng đồng, nếu xét nghiệm, nên chú trọng thêm về xét nghiệm kháng thể, là xét nghiệm đánh giá những người đã từng nhiễm bệnh và khỏi bệnh, chưa từng tiêm vắc xin Covid-19, để đánh giá mức độ dịch trong cộng đồng, từ đó có chiến lược chống dịch phù hợp cũng như triển khai tiêm vắc xin.
Chia sẻ thêm về diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM, ông Nga cho rằng với diễn biến như vừa qua, đến thời điểm này, TP.HCM có thể đang ở đỉnh dịch Covid-19. Khó có thể nói là cụ thể 1 hay 2 tuần số ca mắc mới tại TP.HCM sẽ giảm nhưng diễn biến chung là khi cắt nguồn lây nhờ thực hiện nghiêm ngặt giãn cách, các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm, thì sẽ giảm dần lây nhiễm mầm bệnh trong cộng đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga: Có thể TP.HCM đang đỉnh dịch Covid-19 - ảnh 2

TP.HCM với sự chi viện y tế tổng lực của cả nước, công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 đang tập trung rất tích cực, kéo giảm số ca tử vong

NGỌC DƯƠNG

"Những ca nào đã nhiễm từ trước thì sau đó bình phục và có miễn dịch. Ngoài ra, những người đã tiêm vắc xin Covid-19 cũng có miễn dịch. Như vậy, dần theo thời gian, khi số đông có miễn dịch thì ca mắc mới sẽ giảm", tiến sĩ Nguyễn Huy Nga nói.

Ca nhiễm có còn tăng khi xét nghiệm sàng lọc ?

Giãn cách xã hội là để ngăn chặn đà lây nhiễm cộng đồng. Tuy nhiên, như một số chuyên gia dịch tễ nhận định, do mầm bệnh đã “ngấm sâu” trong cộng đồng nên nếu xét nghiệm diện rộng, thì số ca nhiễm sẽ tăng, dù có giãn cách liên tục ở các cấp độ khác nhau.
Nhận định này đúng với thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM, nhất là trong đợt dịch thứ 4.
Đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 29.4 (phát hiện ca nhiễm đầu tiên) đến ngày 30.8, tổng ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận ở TP.HCM là 215.810 ca. Dù đã trải qua nhiều cấp độ giãn cách nhưng số ca nhiễm tăng lên hàng trăm ca nhiễm/ngày trong tháng 6 và hàng ngàn ca nhiễm/ngày trong tháng 7, tháng 8.2021. Ngày có số ca nhiễm cao nhất trong thời gian từ 29.4 đến 23.8 (mốc siết chặt giãn cách) là ngày 27.7 với 6.318 ca nhiễm.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga: Có thể TP.HCM đang đỉnh dịch Covid-19 - ảnh 3

Số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại TP.HCM đang có xu hướng giảm. Tổng số tử vong cộng dồn từ 1.1.2021 đến nay là 8.869 bệnh nhân, chủ yếu trong đợt dịch thứ 4

BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TP.HCM

Từ ngày 23.8 đến 30.8, số ca nhiễm mà TP.HCM công bố thấp nhất là 3.934 ca (ngày 26.8), cao nhất là ngày 30.8 với 5.889 ca nhiễm.
Ngoài ra, từ ngày 23.8 đến 29.8 (riêng ngày 30.8 chưa công bố kết quả mẫu dương tính từ xét nghiệm sàng lọc vùng đỏ, vùng cam - vùng nguy cơ cao về Covid-19) thì trong tổng cộng 1.677.154 mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 diện rộng, phát hiện 64.299 mẫu dương tính, chiếm 3,8% số mẫu xét nghiệm (bình quân khoảng 9.185 mẫu dương tính/ngày).
Con số bình quân khoảng 9.185 mẫu dương tính/ngày của giai đoạn 7 ngày (từ ngày 23 - 29.8), tăng gấp khoảng 1,5 lần so với ngày có số ca nhiễm cao nhất/ngày của giai đoạn trước đó trong đợt dịch 4 (ngày 27.7, với 6.318 ca).
Như vậy, nếu theo đúng như tính toán của Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch Covid-19 TP.HCM đối với vùng nguy cơ cao về Covid-19 (vùng đỏ, vùng cam), qua xét nghiệm sẽ phát hiện nhiều ca dương tính hơn vùng xanh (vùng an toàn) thì con số khoảng 9.185 mẫu dương tính/ngày của giai đoạn 7 ngày (từ 23 - 29.8), sẽ giảm dần trong những ngày tới. Lý do, TP.HCM trong 7 ngày qua đã cơ bản sàng lọc hết vùng nguy cơ cao về Covid-19.
Theo đó, nhận định của tiến sĩ Nguyễn Huy Nga về việc có thể TP.HCM đang đỉnh dịch Covid-19, là có cơ sở.

Bao giờ TP.HCM phủ sóng vắc xin?

Theo ý kiến của một số chuyên gia về dịch tễ, vắc xin phòng Covid-19 được xem là “cứu cánh” cho TP.HCM trong bối cảnh hiện nay, để ngăn đà lây nhiễm cộng đồng, hạn chế số ca chuyển nặng, tử vong.
Theo tính toán của TP.HCM, thành phố cần tiêm vắc xin cho khoảng 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Tính đến ngày 30.8, TP.HCM đã tiêm hơn 6,1 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân. Trong đó, có gần 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 332.000 người đã tiêm mũi 2.
Như vậy, TP.HCM vẫn còn cần tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho khoảng 1,1 triệu người, khoảng 6,9 triệu người cần tiêm mũi 2. Kế hoạch của TP.HCM là đến ngày 15.9 sẽ tiêm mũi 1 đạt 90% và mũi 2 đạt khoảng 15% (1 triệu liều).