Mục tiêu của Việt Nam là hoàn thành tiêm 150 triệu liều vaccine trong năm 2021. Nhưng với tốc độ hiện nay, mục tiêu này rất khó đạt được.\
Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, tính đến hết ngày 30.8.2021, trên toàn quốc đã thực hiện 20.033.094 mũi tiêm.
Đặc biệt trong tháng 8, tốc độ tiêm vaccine đã được đẩy nhanh nhưng lại không đồng đều. Cao nhất là ngày 9.8 tiêm hơn 1,4 triệu mũi nhưng những ngày cuối tháng 8, mỗi ngày chỉ tiêm khoảng 270.000 đến 290.000 mũi. Riêng ngày 30.8, số mũi tiêm xuống còn 237.757 mũi.
Nếu với tốc độ hiện tại, thì 4 tháng cuối năm, chỉ có thêm trên 30 triệu mũi, tổng cộng có 50 triệu mũi tiêm, chỉ đạt 33% mục tiêu là 150 triệu mũi.
TP. Hà Nội dự kiến sẽ được phân bổ 11.376.541 liều cho trên 5,7 triệu dân (đối tượng trên 18 tuổi) nhưng cho đến nay mới tiêm được 2,9 triệu mũi, trong đó người tiêm đủ 2 mũi chưa đến 300.000 người. Khả năng thiếu vaccine mũi 2 khi đến thời hạn phải tiêm là rất lớn.
TP.Hồ Chí Minh dự kiến được phân bổ 13.794.299 liều nhưng mới tiêm được khoảng 6 triệu liều. Tỉ lệ dân số tiêm ít nhất 1 mũi chiếm 85,7%. TP.Hồ Chí Minh là địa phương có tỉ lệ cao nhất do được phân bổ lượng vaccine lớn. Từ nay đến cuối năm, TP.Hồ Chí Minh cần 8,1 triệu liều vaccine các loại để phủ mũi 2 cho toàn bộ 7,2 triệu người hơn 18 tuổi trên địa bàn.
Theo Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TP.Hồ Chí Minh vừa được UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành, việc tiêm vaccine cho người dân chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 (29.8 – 5.9), thành phố cần hơn 2,7 triệu liều để tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người để đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên.
Trong khi đó, độ phủ vaccine ở nhiều địa phương còn rất thấp. Ví dụ Thanh Hoá mới chỉ đạt 3,35% tỉ lệ đã phân bổ trên sân số và tỉ lệ đã tiêm mũi 1 đạt 5,7%; Nghệ An đạt 4,1 tỉ lệ phân bổ trên dân số và 7% tỉ lệ đã tiêm mũi 1.
Đáng chú ý hơn 73.000 người ở Cần Thơ được tiêm vaccine COVID-19 mũi 1, và đang sắp tới hạn để tiêm mũi 2, nhưng thành phố chưa có nguồn vaccine để tiêm; dẫn tới nguy cơ không phát huy được hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng…
Tình hình thiếu mũi 2 đang khá phổ biến.
Tại thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp hôm 29.8 mục tiêu tổng quát là “Phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài”. Trong phòng dịch thì vaccine là quan trọng nhất. Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu tuyên truyền “vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất”; tổ chức tiêm vaccine khoa học, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, chú ý tiêm vaccine, xét nghiệm cho người làm dịch vụ vận chuyển, công nhân; Tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước nhưng phải tuân thủ hướng dẫn, quy định, quy trình của cơ quan chuyên môn và hội đồng khoa học; Tiếp tục thực hiện hiệu quả biện pháp 5K và các giải pháp công nghệ khác.
Việc thiếu vaccine hiện nay là do nguồn vaccine về chậm, trong đó trên 30 triệu liệu Pfizer khả năng về trong quý IV năm nay. Ngoài ra, việc phân bổ vaccine hiện nay tập trung với tuyến đầu.
Nguồn vaccine từ mua và viện trợ là rất quan trọng nhưng để chủ động, phải là nguồn vaccine tự sản xuất. Hiện có hai loại vaccine đang xin cấp phép là Nano Covax và vaccine ARCT-154 (chuyển giao công nghệ từ Mỹ).
Hiện Vaccine Nano Covax chưa được cấp phép khẩn cấp vì phải bổ sung dữ liệu, còn ARCT-154 tiếp tục tìm tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng.
Công suất dự kiến của Nano Covax là 8-10 triệu liều/tháng. Nếu sớm hoàn thành các yêu cầu của Hội đồng Đạo đức y khoa thì đây sẽ là nguồn bổ sung lớn để chủ động tiêm vaccine.
Đáng chú ý, theo chỉ đạo của Chính phủ về việc xem xét tiêm vaccine cho học sinh (đây là đối tượng chưa được tính đến khi phân bổ) bởi vậy cần hàng triệu liều vaccine (hiện nay chỉ có Pfizer là được phép tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi ở một số nước).