Khó cầm cự
Phản ánh của các DN cho thấy khó khăn mà họ đang gặp phải là chi phí tăng cao do những phát sinh như xét nghiệm 3 ngày/lần; ăn ở cho người lao động khi thực hiện "3 tại chỗ". Ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Long Sài Gòn, cho rằng hầu hết DN sản xuất có tham gia 3 tại chỗ đều đặt mục đích bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân cao hơn lợi nhuận hoặc việc duy trì thị phần ở một vài thị trường chính. Bởi vì, để duy trì "3 tại chỗ", DN phải đánh đổi rất nhiều lợi ích, trong khi chưa nhận được sự hỗ trợ ngược trở lại tương xứng.
"Như DN của tôi hiện nay càng làm càng lỗ, nếu đóng cửa nghỉ thì khỏe hơn. Chi phí cho 1 người "3 tại chỗ" tính toán ra cũng bằng quỹ lương, bao gồm sinh hoạt, ăn ở, chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần... Trong khi đó, dù đã đăng ký nhưng toàn bộ công nhân viên của chúng tôi vẫn chưa được tiêm vắc-xin theo diện hỗ trợ tiêm cho DN thực phẩm, chúng tôi phải tìm cách khác để có thể bảo đảm tiêm mũi 1 cho công nhân yên tâm ở lại sản xuất" - ông Châu phản ánh và mong có chính sách tiếp cận vắc-xin công bằng cho DN ở ngoài KCX-KCN - nơi được hỗ trợ phủ vắc-xin sớm và nhanh.
Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc hiện tại của DN không hẳn do dịch bệnh căng thẳng, TP HCM siết chặt các biện pháp phòng chống dịch mà còn đến từ cơ chế chung của cả nước. Dịch lan rộng tại nhiều tỉnh thành, địa phương nào cũng kiên quyết bảo vệ "thành trì" chống dịch dẫn đến ách tắc chung.
Trong lĩnh vực lương thực thực phẩm nói chung, đối tượng hoạt động tích cực nhất để luân chuyển hàng hóa là các thương lái thì hầu hết đã tạm ngưng hoạt động vì điều kiện đi lại, vận chuyển không thuận lợi. Ví dụ, ở lĩnh vực chế biến thủy sản, khá nhiều nhà máy không đủ điều kiện tổ chức "3 tại chỗ" phải ngưng hoạt động, số đủ điều kiện thì địa phương không cho làm; những DN còn lại nỗ lực "3 tại chỗ" để duy trì chuỗi cung ứng lại gặp khó khăn trong việc thu mua, vận chuyển nguyên liệu về nhà máy lẫn đưa thành phẩm ra thị trường tiêu thụ hoặc xuất khẩu.
"Vậy nên có hiện tượng cá, tôm, cua đầy đồng nhưng không xuất khẩu được, DN đối diện nguy cơ vi phạm hợp đồng với nước ngoài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nỗ lực kết nối tháo gỡ khó khăn, tạo đầu ra cho nông sản nhưng thật sự rất khó. Nhà máy sản xuất không thể tự liên hệ với vùng nguyên liệu để mua từng cọng hành, con cá, con tôm mà phải thông qua các đối tác cung ứng tuyển chọn, sơ chế sẵn theo yêu cầu đặt hàng, DN thu mua và đưa vào sản xuất theo đúng tiêu chuẩn" - bà Chi thẳng thắn.
Theo bà Chi, câu chuyện TP Cần Thơ "ngăn sông cấm chợ" đến nỗi các bộ, ngành phải trực tiếp lên tiếng nhắc nhở, cùng với đó là Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo địa phương nào để xảy ra dịch thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm khiến các tỉnh càng tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch, đồng nghĩa với siết chặt điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa vào địa bàn. "Theo tôi, cần phải có sự điều hành thống nhất trên quy mô toàn quốc" - bà Chi nêu ý kiến.
Còn tại TP HCM, Hội Lương thực Thực phẩm nhận được rất nhiều ý kiến bức xúc của DN hội viên liên quan đến giấy đi đường. Đến nay, rất nhiều DN chưa được cấp giấy đi đường hoặc chỉ được cấp 3-4 giấy trong khi nhu cầu đi lại để duy trì các hoạt động thu mua nguyên liệu, làm chứng từ, bán hàng trong nước lẫn xuất khẩu là rất lớn, càng chậm trễ DN càng thiệt hại nặng nề hơn.
Nhiều doanh nghiệp gỗ có nguy cơ không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu vì sản xuất bị đình trệ do dịch. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Các giải pháp cấp bách
Trước những khó khăn đó, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, cho rằng để tồn tại được qua dịch, các DN, đặc biệt là nhóm DN nhỏ và vừa, rất cần được vay vốn tín dụng để tiếp tục xoay xở. Dòng tiền từ ngân hàng sẽ giúp DN trả tiền mặt bằng, chu cấp cho nhân viên trong giai đoạn dịch bệnh.
Đặc biệt, theo ông Hoàng Phương, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nề, do đó, nhà nước cần tổ chức khoanh vùng DN du lịch để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng cần thiết. Chính sách của nhà nước lúc này cần kịp thời, thiết thực đồng hành để giảm dòng chảy phá sản của đại đa số DN.
"Để hỗ trợ DN nhiều hơn, kiến nghị nhà nước giảm thuế GTGT từ 10% xuống 0% trong ít nhất 18 tháng sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát; miễn giảm hoàn toàn thuế TNDN nhằm kích thích phát triển du lịch sau dịch. Ngoài ra, những khoản như BHXH có thể hỗ trợ ở mức tối đa cho DN có điều kiện chăm lo cho người lao động" - ông Nguyễn Trần Hoàng Phương đề xuất.
Trong khi đó, do phải tốn kém rất nhiều chi phí để duy trì "3 tại chỗ", ông Nguyễn Xuân Châu kiến nghị bổ sung quy định cho phép đưa tất cả chi phí xét nghiệm, khám, điều trị… cho công nhân "3 tại chỗ" bị mắc Covid-19 vào chi phí của DN để được hạch toán. Thực tế, một số DN trong quá trình tổ chức 3 tại chỗ đã phát sinh tình huống nhiều công nhân trở thành F0.
Bản thân Công ty CP Việt Long Sài Gòn cũng đang phải tự chăm lo, điều trị cho 13 người lao động là F0 tại một khu vực dành riêng phục vụ cách ly tại công ty. Ngoài ra, ông Châu cũng đề xuất giảm 50% thuế GTGT, 50% thuế TNDN và tiền thuê đất trong giai đoạn 2 năm 2020-2021 để tháo gỡ khó khăn chung cho các DN.
Không chỉ các DN đơn lẻ mà mới đây, một loạt DN nhỏ và vừa đã có thư kiến nghị gửi Chính phủ đề xuất một số giải pháp cấp bách giúp họ vượt qua khó khăn, như kiến nghị gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009; có chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với DN phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài; khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2%-3% từ ngày 1-8 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các DN còn lại…
Ngành gỗ lâm nguy
Với ngành gỗ, sau năm 2020 thành công rực rỡ với kim ngạch xuất khẩu lên tới 12,3 tỉ USD, bất chấp những đợt bùng phát dịch thì nay, lần lượt công ty này đến nhà máy khác phải tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh lây lan quá nhanh. Ông Đặng Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Kim Bôi, cho biết cả hai nhà máy của công ty ông đều phải ngưng sản xuất, không có hàng để xuất khẩu.
"DN gần như kiệt quệ vì phải đóng lãi vay ngân hàng, trả lương công nhân. Không biết còn cầm cự được bao lâu" - ông Hùng lo lắng. Tương tự, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Saigon Sadaco, cho rằng nếu khó khăn tiếp tục kéo dài thì chỉ 1-2 tháng nữa thôi DN cũng sẽ "dẹp tiệm".
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho biết hội có khoảng 600 DN nhưng đến thời điểm này đã có hơn 70% DN phải tạm dừng sản xuất, tức có gần 500 DN không thể hoạt động do dịch bệnh, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ. Theo ông Phương, từ nay đến cuối năm là thời điểm mua sắm đồ gỗ trên thế giới mạnh nhất trong năm. Nếu các DN gỗ Việt Nam không đáp ứng được đơn hàng mà đối tác đã đặt trước đó thì nguy cơ khách hàng tìm kiếm nguồn cung ứng ở các nước khác sẽ rất cao.
Cần ngay các gói hỗ trợ
Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận định bên cạnh ưu tiên số một hiện nay là kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh chiến lược vắc-xin, Chính phủ cần triển khai các gói, giải pháp hỗ trợ cấp bách cho người dân và DN. Trong đó, ngoài gói hỗ trợ 20.000 tỉ đồng mà Bộ Tài chính đang đề xuất; cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho các DN.
Cụ thể là tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thanh khoản đối với DN nhỏ và vừa dưới dạng hỗ trợ lãi suất có trọng tâm, trọng điểm với gói tín dụng quy mô khoảng 60.000 tỉ đồng. Giá trị hỗ trợ lãi suất thực tế ước tính khoảng 2.500 tỉ đồng. Một số điều kiện cơ bản như lãi suất cho vay khoảng 4%/năm (tức là mức hỗ trợ lãi suất khoảng 4%/năm so với lãi suất thị trường). Gói hỗ trợ lãi suất này thực chất thuộc chính sách tài khóa vì nguồn tiền hỗ trợ phải là từ ngân sách nhà nước.
"Việc cho vay thực hiện qua ngân hàng thương mại và Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa (có thể cùng với bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa). Thời hạn cho vay khoảng 1 năm, nguồn vốn cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước, tập trung vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như vận tải, du lịch, lưu trú - ăn uống, y tế, giáo dục - đào tạo..." - TS Cấn Văn Lực phân tích.