Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 1-9 đã nêu quan điểm trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi.
Ngày 1-9, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Bà Hằng nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS.
Trong khuôn khổ của Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-9, Trung Quốc yêu cầu hàng loạt tàu thuyền "khai báo thông tin" khi đi qua nơi Bắc Kinh xem là "lãnh thổ hàng hải" của họ.
Ngay khi đạo luật trên có hiệu lực, theo Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc, "người điều khiển tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở lượng lớn dầu mỏ, hóa chất, khí hóa lỏng cùng những chất độc hại khác phải khai báo thông tin chi tiết trước khi đi qua lãnh thổ hàng hải của Trung Quốc".
Luật mới còn yêu cầu mọi tàu thuyền bị xem là "mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc" khai báo thông tin liên quan đến tên, tín hiệu gọi, vị trí, thời điểm cập cảng dự kiến, hàng hóa…
Luật an toàn giao thông hàng hải cho phép giới chức Trung Quốc "từ chối quyền tiếp cận vùng biển của Trung Quốc đối với tàu thuyền bị xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Trung Quốc".
Theo giới chuyên gia, những quy định nêu trên nhiều khả năng khiến căng thẳng leo thang nếu Trung Quốc thực thi chúng ở biển Đông và eo biển Đài Loan, nơi Mỹ và đồng minh thường xuyên tiến hành các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền hàng hải phi lý của Bắc Kinh.
Trong khi đó, chuyên gia Aristyo Rizka Darmawan của Trường ĐH Indonesia nhấn mạnh bộ luật được Bắc Kinh ban bố một cách vội vàng, mơ hồ có thể xâm phạm quyền "qua lại vô hại" được quy định trong UNCLOS 1982 - một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của luật biển hiện đại.
UNCLOS 1982 khẳng định tàu thuyền quốc tế được di chuyển "xuyên suốt và nhanh chóng", miễn không làm tổn hại hòa bình, trật tự và an ninh của quốc gia mà nó đi qua.
Theo chuyên gia Darmawan, yếu tố then chốt ở đây là hành động gây hại phải xảy ra bên trong "lãnh hải" của một nước trong khi sự mơ hồ của Trung Quốc vốn xuất hiện trong nhiều tuyên bố chủ quyền hàng hải.
Điều 2 của Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp Trung Quốc 1992 khẳng định: "Lãnh hải Trung Quốc là vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc. Lãnh thổ Trung Quốc bao gồm đất liền và các đảo ngoài khơi xa, Đài Loan cùng các quần đảo như Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa". Tây Sa, Nam Sa chính là cách Trung Quốc ngang nghiên gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam một cách trái phép.
Khẳng định Luật An toàn giao thông hàng hải mới của Trung Quốc "không có cơ sở trong luật hàng hải quốc tế", nhà phân tích an ninh quốc gia người Mỹ Tom Rogan nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Joe Biden cần yêu cầu tàu thuyền Mỹ phớt lờ những quy định này để tiếp tục di chuyển tự do trong vùng biển quốc tế. Việc nhượng bộ những quy tắc phi lý của Trung Quốc có thể làm suy yếu nguyên tắc cơ bản của luật an ninh hàng hải quốc tế, đồng thời tiếp tay cho Bắc Kinh "bắt nạt tàu thuyền nước ngoài và ép buộc các nước trong khu vực làm theo ý mình".