Giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 đang áp dụng chung với tất cả các nhóm đối tượng, trong đó có nhóm đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Theo ông Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nên có hình thức riêng cho người tiêm đủ mũi.
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Nga cho rằng người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn nhiều lần so với người chưa tiêm, nếu có mắc thì tải lượng virus cũng thấp hơn và tình trạng lâm sàng cũng nhẹ hơn, nguy cơ làm lây lan cho người khác cũng thấp hơn.
"Nhưng các tỉnh thành đang áp dụng giãn cách xã hội thì áp dụng tất cả như nhau, người tiêm đủ mũi rồi cũng vẫn phải ngồi nhà nếu không có giấy đi đường, lịch trực... Theo tôi, người đã tiêm đủ mũi vắc xin và áp dụng 5K có thể đi làm/buôn bán/học tập trở lại" - ông Nga đề xuất.
Đến ngày 2-9 có trên 20,58 triệu liều vắc xin đã được sử dụng, trong số này có trên 2,73 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Con số này sẽ tăng lên nhanh chóng khi Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị các tỉnh thành triển khai tiêm mũi 2 cho người dân đã tiêm mũi 1 và đến lịch tiêm chủng.
Hiện nay mới có một số cơ sở tiêm chủng ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật thông tin người tiêm chủng trên sổ sức khỏe điện tử, còn nhiều cơ sở chỉ cấp chứng nhận đã hoàn thành tiêm chủng.
"Nếu thông tin hoàn thành tiêm chủng có trên sổ sức khỏe điện tử thì có thể kiểm tra dễ dàng, còn nếu mới có chứng nhận thì người đã tiêm đủ mũi có thể cầm theo giấy chứng nhận khi tham gia giao thông" - ông Nga đề xuất.
Với người đã tiêm 1 mũi, ông Nga cho rằng cơ hội được bảo vệ là 40-50%, thời điểm hiện nay các tỉnh thành đang đẩy nhanh lịch tiêm mũi 2. "Đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn với nhóm đã tiêm đủ 2 mũi, như là một "hộ chiếu vắc xin" sớm trước khi đạt tiêm chủng toàn dân" - ông Nga nói.