Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) ở TP HCM thực hiện mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến" nhằm thực hiện 2 mục tiêu cốt lõi: thực hiện hợp đồng đơn hàng để không bị mất khách hàng, thị trường; tạo thu nhập cho cán bộ, nhân viên.
Năng động nhưng dễ suy sụp khi bị ngắt mạch
Có thể nói, cộng đồng DN ở TP HCM mạnh, năng động, linh hoạt hơn ở địa phương khác; sáng tạo, kinh doanh nhanh với hiệu quả cao. Nhưng nhược điểm là gánh nặng chi phí rất lớn, nếu không vận hành thường xuyên, chỉ cần tắc nghẽn một thời gian là dễ "chết".
Đa số DN trên địa bàn TP HCM là nhỏ và vừa, trong đó phần lớn là lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Các DN dịch vụ, thương mại trao đổi hàng hóa, sản phẩm, tạo ra hệ sinh thái rất lớn. Thế nhưng, dịch bệnh tác động nặng nề đến ngành dịch vụ, thương mại; đợt dịch bùng phát từ tháng 5-2021 đến nay khiến khoảng 50% DN nhỏ và vừa gặp khó khăn, khoảng 90% DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại tê liệt. Với DN nhỏ và vừa, dòng tiền dự trữ rất mỏng, các nguồn tài chính huy động để cầm cự chỉ trong khoảng 2-3 tháng… Gồng gánh 3 tháng nay, nguồn huy động "tiếp máu" cũng sử dụng hết. Ngân hàng khó có thể cho vay tín chấp khi các công ty chưa được kinh doanh, không có nguồn thu trả nợ. Vì vậy, rất nhiều DN đã chết lâm sàng.
DN trong lĩnh vực xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng lớn dù có tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, sản xuất "3 tại chỗ" khiến năng suất lao động sụt giảm, rủi ro đứt gãy nguồn cung ứng và các dịch vụ hỗ trợ trong chuỗi sản xuất khiến không đáp ứng các đơn hàng. Việc trễ hẹn hợp đồng trước mắt bị phạt hợp đồng thiệt hại tài chính nhưng nguy hơn là các đơn hàng tiếp theo có thể bị hủy; trường hợp nặng, khách hàng sẽ chuyển qua các nước trong khu vực đang mở cửa trở lại.
Đây là lúc TP HCM cần có chính sách hỗ trợ đúng mức, khả thi và kịp thời để giúp DN duy trì được sản xuất, kinh doanh và tiếp tục phát triển trong bối cảnh đại dịch. Giải pháp hiệu quả nhất mà nhiều nước đang ứng xử thành công là kết hợp phòng chống dịch bệnh với duy trình hoạt động của nền kinh tế. Chậm nhất từ tháng 10, TP HCM nên nghiên cứu thực thi lộ trình mở cửa kết hợp với giải pháp hợp lý, khả thi giữa chống dịch và hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, DN xuất khẩu.
Lộ trình mở cửa rõ ràng, cụ thể
Trong 4 tháng qua, các quy định của TP HCM đều có tính ngắn hạn, công bố trước lúc thực hiện chỉ 1-2 ngày. Có thể hiểu diễn biến dịch bệnh, phải ra các quyết sách thay đổi nhanh để phù hợp tình hình. Đối với DN, các quy định đó khiến bị động, không thể xây dựng được các kế hoạch thích ứng.
Do vậy, trước khi nói đến việc hỗ trợ DN, TP HCM phải có lộ trình mở cửa rõ ràng, cụ thể. Lộ trình nên dựa trên chủ trương của Chính phủ "sống chung với dịch lâu dài", từng bước theo 2 hoặc 3 giai đoạn với thời gian khoảng 3 tháng dựa trên tỉ lệ tiêm vắc-xin lần 2 của người dân thành phố đạt đến 80%. Giai đoạn 1 trong tháng 10 ưu tiên khôi phục chuỗi cung ứng hàng hóa, vật dụng cho đời sống và sản xuất hàng xuất khẩu; giai đoạn 2 mở cửa hoạt động thương mại, dịch vụ ban ngày và kết nối một phần với các địa phương; giai đoạn 3 mở cửa đầy đủ hoạt động sản xuất kinh doanh của TP HCM kết nối với các địa phương.
Lộ trình mở cửa có thời gian rõ ràng, quy định cụ thể và không thay đổi để DN theo từng loại hình có sự chuẩn bị thích hợp.
Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn - KCN Tân Tạo thực hiện “3 tại chỗ” trong dịch Covid-19 Ảnh: Hồng Đào
Giải pháp hỗ trợ DN ưu tiên
DN nào cũng cần hỗ trợ nhưng các biện pháp phải tương thích với lộ trình mở cửa (bảo đảm mục tiêu kép chống dịch - kinh tế an sinh). Do vậy, phải ưu tiên theo trình tự và nên từ nhóm DN xuất khẩu, kế tiếp là DN nhỏ và vừa.
Theo đó, các giải pháp có tính khả thi, bao quát cạnh tranh thị trường, để bảo đảm việc thực hiện công bằng, không theo cơ chế xin - cho. Việc triển khai không chỉ hỗ trợ mà có tính sàng lọc cạnh tranh thị trường. DN nào không chủ động thích ứng, quản lý sản xuất kinh doanh yếu kém phải chấp nhận bị thay thế.
Trong giai đoạn tháng 10, DN xuất khẩu, có thể ưu tiên triển khai sản xuất gần như bình thường; DN nhỏ và vừa, các công ty kinh doanh thực phẩm và phân phối cũng phải được ưu tiên triển khai kinh doanh gần như bình thường, bao gồm: tập trung tiêm 2 mũi vắc-xin cho cán bộ nhân viên, đi lại thuận lợi, hỗ trợ kết nối nguồn cung ứng từ địa phương khác. Những DN trong 2 nhóm lĩnh vực này cần được xem xét hỗ trợ vay vốn lưu động thực hiện đơn hàng xuất khẩu; vay trả lương cho người lao động đầy đủ trong ít nhất 3 tháng; xem xét hỗ trợ một phần lãi suất vay từ nguồn ngân sách thành phố.
Đối với các DN lĩnh vực còn lại sẽ cho phép từ tháng 11-12 theo lộ trình mở cửa của TP HCM.
Phân tầng để phòng chống dịch
Phòng chống dịch cũng phải phân tầng để giải phóng bệnh viện đầu ngành chuyên môn điều trị các bệnh nặng (ngoài Covid-19) của người dân. Giao việc phòng chống dịch của từng quận huyện theo mạng lưới bệnh viện quận là trung tâm kết nối với trạm y tế phường, trạm y tế phường kết nối với lực lượng y - bác sĩ ngụ tại địa phương làm cộng tác viên và lực lượng công an, phường đội, dân phòng. Như vậy sẽ đưa các nguồn lực về đúng chuyên môn, kết hợp tốt mạng lưới và việc tự điều trị F0 tại nhà.