Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch cho học sinh, sinh viên và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường; xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp.
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.
Chỉ thị cho biết, dự báo dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, để tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình, chất lượng và tiếp tục thực hiện mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau.
Xây dựng phương án cụ thể tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch cho học sinh, sinh viên và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường; xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (đối tượng dưới 18 tuổi).
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh một cách phù hợp trong một số trường hợp đặc thù; có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bổ sung dinh dưỡng bữa ăn bán trú để phát triển thể chất tốt hơn cho trẻ em, học sinh.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường truyền thông, tuyển sinh trực tuyến; đẩy mạnh đào tạo trực tuyến ở những ngành nghề phù hợp.
Tổ chức triển khai việc hỗ trợ giáo viên, nhân viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định.
Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục. Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội phải có kế hoạch khống chế dịch cụ thể, nhanh nhất, sớm nhất để triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 hiệu quả.
Địa phương không có dịch COVID-19, chủ động phương án cho học sinh tựu trường và thường xuyên sàng lọc, tầm soát nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm COVID-19; kiểm tra, việc chấp hành các quy định phòng chống dịch phù hợp tại cơ sở giáo dục, đào tạo, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tạo điều kiện tiêm vaccine cho lưu học sinh diện Hiệp định đang học tập ở các cơ sở giáo dục đại học tại địa phương.
Địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Trước mắt, tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới. Bảo đảm điều kiện để dạy học trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục; đổi mới phương thức dạy học giúp trẻ em, học sinh vừa học vừa chơi, hứng thú học tập, chấp hành giãn cách, giảm căng thẳng trong thời gian giãn cách xã hội.
Khẩn trương thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm không học sinh nào không được đến trường sau dịch COVID-19 vì khó khăn, giảm bớt khó khăn cho giáo viên bị ảnh hưởng do trường học bị đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục mầm non.
Ưu tiên bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Có giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh, giáo viên các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.
Tạo điều kiện tiếp nhận, chuyển trường thuận lợi cho học sinh trong trường hợp gia đình thay đổi địa bàn sinh sống do tác động của dịch COVID-19; nghiên cứu tăng cường số lượng, chất lượng hệ thống trường bán trú dân nuôi để duy trì, phát triển mô hình này phù hợp với điều kiện địa phương.