Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh thành phố sẽ từng bước mở cửa, chắc tới đâu mở cửa tới đó để bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, không để lụn bại.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (hàng đầu, bên trái) trao đổi với lãnh đạo Q.7 về các biện pháp khôi phục kinh tế /// Sỹ Đông
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (hàng đầu, bên trái) trao đổi với lãnh đạo Q.7 về các biện pháp khôi phục kinh tế
SỸ ĐÔNG
Sáng 5.9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm việc với Q.7 – một trong hai địa phương đầu tiên ở thành phố công bố đã kiểm soát được dịch bệnh.
Bên lề buổi làm việc, trao đổi với PV Thanh Niên về kế hoạch phục hồi kinh tế, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố đang tính giao Q.7 và H.Củ Chi làm thí điểm trước khi nhân rộng ra thành phố bởi công tác chống dịch vừa qua chưa có tiền lệ, chưa có bài học nào cả, khi tình huống diễn ra buộc thành phố phải ứng phó.

Tập thói quen trong trạng thái bình thường mới

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, chúng ta không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi được vì không thể chịu nổi, chúng ta cũng không thể quét sạch F0. Muốn mở dần ra, chúng ta tập thói quen sống trong trạng thái bình thường mới là tình trạng có dịch.
Bí thư Thành ủy TP.HCM liên hệ với câu chuyện "sống chung với lũ" làm ví dụ. Muốn sống chung với lũ thì phải có nhà tôn cao, có ghe, có áo phao và phải biết bơi. Còn sống chung với dịch thì phải có vắc xin, thuốc, kiến thức, sẵn sàng tâm thế…. Đây là những điều kiện cần và đủ để “vũ trang” cho từng người dân có thể tự “chiến đấu” với dịch bệnh. Mọi người chú ý giữ được khoảng cách như khuyến cáo, sống chậm lại một chút, ý thức được dịch bệnh có thể lây lan bất cứ lúc nào.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Mở cửa dần để bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế - ảnh 1

Bí thư Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Quận ủy Q.7 sáng 5.9

SỸ ĐÔNG

Ông Nguyễn Văn Nên đặc biệt lưu tâm đến tâm thế mà người dân cần chuẩn bị, sẵn sàng thay đổi thói quen sống hằng ngày. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, bên cạnh với củng cố hệ thống y tế.
“Khi đủ điều kiện thì mới yên tâm sản xuất. Chúng ta không thể cứ lo chống dịch không mà không lo sản xuất. Cho nên phải bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, không để lụn bại”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đồng thời cho biết thành phố sẽ quay trở lại với mục tiêu kép, sản xuất an toàn.
TP.HCM đang xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế trên cơ sở khoa học, thực tiễn, học tập kinh nghiệm từ các nước đã đi trước. Trong đó, Q.7 được chọn làm thí điểm và sẽ được thành phố hỗ trợ như bổ sung vắc xin cao nhất có thể, thuốc điều trị, hệ thống y tế để từng bước mở dần ra.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết việc mở cửa nền kinh tế sẽ thực hiện từng bước chậm, chắc, mở tới đâu chắc tới đó bởi nếu không quản lý được thì sẽ lây nhiễm trở lại. Bởi nếu để dịch bệnh quay trở lại như những gì đã đi qua thì cực kỳ nguy hiểm, lúc đó TP.HCM sẽ không còn đủ sức để chống chọi với dịch bệnh nữa. Với đặc thù thành phố dịch vụ, việc đóng cửa dù ở mức nhỏ nhưng cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến cả chuỗi cung ứng.

Trăn trở về bài toán giãn dân

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết một số quận khác như: Q.7, Q.12, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh đã có đề nghị giãn dân ở những khu chật chội, lụp xụp. Có những gia đình 5-6 người sinh sống trong một căn nhà nhỏ. TP.HCM khi mở cửa thì phải tính đến những trường hợp này làm sao cho an toàn.
TP.HCM cũng đã tính đến kế hoạch di dân nhưng cái khó là nhu cầu quá lớn nhưng số lượng đáp ứng được lại rất nhỏ. “Có người hỏi Bí thư khi kiểm soát được dịch bệnh sẽ làm gì đầu tiên. Tôi trả lời chỉ làm một điều thôi đó là xây nhà ở xã hội”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói và cho biết đây là điều mà ông luôn trăn trở.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Mở cửa dần để bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế - ảnh 2

Người dân ở khu nhà lụp xụp được Q.Bình Thạnh chuyển đến khách sạn Công đoàn Thanh Đa lưu trú tạm

TRẦN TIẾN

Đối với đề xuất của Q.7 về việc cho doanh nghiệp mượn khu đất do nhà nước quản lý để xây nhà tạm cho công nhân, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá đây là đề xuất chính đáng mà thành phố sẽ xem xét trên cơ sở pháp luật.
Ở góc độ cá nhân, ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận trong giai đoạn này có thể vận dụng cho mượn để ứng phó trong tình huống dịch bệnh nguy hiểm. Hiện dịch bệnh đã rơi vào tình huống khẩn cấp nên có một số điểm vượt lên trên pháp lý, đề xuất của Q.7 thuộc thẩm quyền cấp nào thì cấp đó sẽ xem xét, xử lý.