Sau khi đạt thỏa thuận trao đổi vaccine đầu tiên trên thế giới, Hàn Quốc và Israel nhất trí đây có thể trở thành "mô hình hợp tác quốc tế".

Hồi đầu tháng 7, Israel chuyển 700.000 liều vaccine Covid-19 Pfizer chuẩn bị hết hạn vào cuối tháng đó cho Hàn Quốc, giữa lúc nước này đối mặt làn sóng đại dịch thứ tư nghiêm trọng vì biến chủng Delta. Theo thỏa thuận, Hàn Quốc sẽ trả lại số vaccine này cho Israel trong tháng 9 hoặc tháng 10.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Israel Naftali Bennett hôm 16/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết lô vaccine từ quốc gia Trung Đông sẽ là "chất xúc tác để tăng cường hơn nữa tình hữu nghị và sự tin cậy giữa hai nước", nói thêm rằng trong tình hình nguồn cung vaccine khác nhau giữa các quốc gia, thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Israel có thể trở thành "mô hình hợp tác quốc tế".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được tiêm vaccine Covid-19 tại thủ đô Seoul hôm 23/3. Ảnh: Reuters.

Giới chuyên gia cũng đánh giá sáng kiến trao đổi vaccine có khả năng sẽ được các chính phủ khác trên thế giới xem xét. Những thỏa thuận như vậy được cho là có thể giúp giải quyết vấn đề mất cân bằng nguồn cung vaccine Covid-19 toàn cầu, đồng thời đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Quốc gia được nhận vaccine sẽ có trước nguồn cung quan trọng mà họ đang phải chờ đợi, để giải quyết tình hình dịch bệnh căng thẳng trước mắt. Hồi giữa tháng 7, Israel đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 57% dân số, trong khi tỷ lệ này tại Hàn Quốc là 12,3%. Nước này cũng mới nhận 20% trong tổng cộng 192 triệu liều vaccine đặt hàng trước do tình trạng phân phối vaccine đình trệ trên toàn cầu, giữa lúc số ca nhiễm nCoV tăng mạnh.

Daniel Rhee, nhà khoa học tại Viện Vaccine Quốc tế ở Seoul, cho biết những quốc gia cho mượn trước vaccine cũng có lợi, khi số vaccine này được hoàn trả trong tương lai. Trong bối cảnh các biến chủng nCoV lây lan nhanh vẫn càn quét thế giới, một số nước có thể tiếp tục tiêm liều vaccine thứ ba để củng cố khả năng miễn dịch. Israel đã triển khai tiêm mũi tăng cường cho tất cả người trên 12 tuổi.

"Sáng kiến trao đổi giúp cân bằng nguy cơ giữa những nước cần vaccine ngay bây giờ và những nước muốn đổi số vaccine sắp hết hạn để lấy nguồn cung có thời hạn sử dụng dài hơn", Rhee lập luận.

"Đây là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi", Thủ tướng Bennett đề cập đến việc trao đổi vaccine với Hàn Quốc. Ông còn ca ngợi Hàn Quốc là "hình mẫu kiểm soát khủng hoảng Covid-19 từ sớm", bày tỏ mong muốn học hỏi thêm về kinh nghiệm chống dịch.

Australia, quốc gia vừa ghi nhận số ca nhiễm nCoV mới kỷ lục hôm 3/9, cũng đang theo đuổi sáng kiến này. Sau khi vay Singapore 500.000 liều vaccine Pfizer, Australia đạt thỏa thuận trao đổi 4 triệu liều vaccine cũng của hãng này với Anh, giúp tăng gấp đôi lượng vaccine hiện có. Anh sẽ nhận lại 4 triệu liều vào tháng 12, khi nước này dự kiến triển khai mũi tiêm tăng cường.

Các thỏa thuận trao đổi vaccine mà Australia đạt được với Anh, Singapore và Ba Lan, cùng cam kết chuyển 3 triệu liều trong quý IV năm nay từ hãng Pfizer, dự kiến giúp nước này tăng tốc tiêm chủng và đạt được những mục tiêu quan trọng để tái mở cửa sớm hơn vài tuần.

"Vaccine đã tạo nên bức tường phòng thủ vững chắc tại Anh. Chúng tôi muốn hỗ trợ các quốc gia trên thế giới phục hồi sau đại dịch và cải thiện khả năng tiếp cận vaccine. Thỏa thuận của chúng tôi với Australia giúp chia sẻ vaccine vào thời điểm tối ưu, thúc đẩy chương trình tiêm chủng ở cả hai nước", Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho hay.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định các thỏa thuận trao đổi vaccine có thể phải đi kèm với một số điều kiện về chính trị. Ngoài Israel, Hàn Quốc còn đàm phán trao đổi với một số nước khác bao gồm Mỹ, đồng minh lâu năm của họ, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa chấp thuận do đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng lên hàng đầu, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hồi tháng 4.

Theo một số chuyên gia, Mỹ cuối cùng sẽ đồng ý cung cấp vaccine cho Hàn Quốc nếu chính quyền Tổng thống Moon chứng tỏ được giá trị của họ với tư cách đồng minh chủ chốt, đáp lại sự ưu ái của Washington.

"Tôi nghĩ Hàn Quốc và Mỹ sẽ hợp tác vaccine trong bối cảnh liên minh của họ mạnh mẽ hơn", Shin Beom-chul, giám đốc Trung tâm Ngoại giao và An ninh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc, nhận định.

"Nếu Hàn Quốc tăng cường nỗ lực hướng tới liên minh mạnh mẽ hơn một cách toàn diện, dù là vấn đề liên quan đến Trung Quốc hay hợp tác kỹ thuật hiện đại, Mỹ có thể sẽ coi đây là tín hiệu tích cực và trao lợi ích cho Hàn Quốc", Shin nêu quan điểm.

Chuyên gia này lấy dẫn chứng là sau cuộc họp thượng đỉnh với Biden hồi tháng 4, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã điện đàm với giám đốc hãng Pfizer và đảm bảo đủ vaccine cho tất cả người Nhật từ 16 tuổi trở lên vào cuối tháng 9. Kể từ khi Biden nhậm chức, chính quyền Suga thể hiện ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Washington với Bắc Kinh, trong khi Hàn Quốc tỏ ra lưỡng lự vì quan hệ thương mại với Trung Quốc.

"Việc Mỹ có đồng ý trao đổi vaccine với Hàn Quốc hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định về ngoại giao của Hàn Quốc", Kim Yeoul-soo, chánh văn phòng Chiến lược An ninh tại Viện Các vấn đề Quân sự Hàn Quốc, đánh giá.