Việc EU hỗ trợ hồi phục Covid-19 cho Việt Nam, đối tác thương mại lớn nhất ở Đông Nam Á, cũng đảm bảo lợi ích cho khối.
Đức, Italy và Romani là những cái tên mới nhất trong danh sách thành viên Liên minh châu Âu (EU) gửi vaccine Covid-19 hỗ trợ Việt Nam ứng phó đại dịch. Trước đó, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary và Pháp đã có động thái tương tự.
Nếu tính thêm lô 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca được Đức công bố viện trợ Việt Nam ngày 3/9, tổng lượng vaccine cam kết cung cấp hoặc trao tặng từ các nước EU cho Việt Nam là khoảng 5,1 triệu liều. Ngoài ra, Việt Nam còn nhận hỗ trợ từ quỹ vaccine COVAX, cơ chế có 1/3 vốn hoạt động từ EU.
Theo một số chuyên gia, các nước châu Âu phần nào muốn đáp lại hỗ trợ từ Việt Nam khi Covid-19 bùng phát nghiêm trọng ở các quốc gia châu Âu năm 2020 và vaccine chưa được nghiên cứu phát triển.
Nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) Lê Thu Hương, lưu ý Việt Nam đã hỗ trợ thiết bị bảo hộ y tế và khẩu trang cho nhiều nước "trong những ngày đầu đại dịch khi châu Âu ở tình thế nghiêm trọng hơn".
Tháng 4/2020, Việt Nam hỗ trợ hơn 550.000 khẩu trang cho Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh. Nhiều hội hữu nghị Việt Nam và người Việt tại châu Âu tích cực tham gia gây quỹ cứu trợ và quyên tặng trang thiết bị y tế ở các nước. Cộng đồng người Việt hoạt động rất mạnh ở Cộng hòa Czech, Pháp, Đức và Ba Lan. Cả 4 nước đã viện trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng hành động của các nước châu Âu không chỉ xuất phát từ tinh thần thiện nguyện. "Nhiều yếu tố thúc đẩy các quốc gia châu Âu, trong đó có lợi ích quốc gia lẫn tinh thần nhân ái. Viện trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam là phản ứng lý trí", chuyên gia Australia Carl Thayer nhận định.
EU sẽ đảm bảo được lợi ích kinh tế nếu Việt Nam hồi phục nhanh chóng và viễn cảnh này không thể thiếu độ bao phủ vaccine Covid-19. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của EU và lớn nhất tại Đông Nam Á. Các nước châu Âu đã thể hiện rõ mong muốn gia tăng lợi ích kinh tế lẫn địa chính trị tại khu vực này.
EU đã ký kết hai thỏa thuận tự do thương mại ở Đông Nam Á với Việt Nam và Singapore. Thỏa thuận Tự do Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) vừa chính thức có hiệu lực từ giữa năm 2020. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang vận động chính phủ các nước viện trợ vaccine, qua đó giảm tác động tiêu cực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam còn giữ vị thế then chốt với cục diện địa chính trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các nước châu Âu thời gian qua đang gia tăng nỗ lực cải thiện chỗ đứng trong các vấn đề khu vực, không chỉ dừng với lợi ích kinh tế. Bằng chứng là Pháp và Đức vừa qua đã diễn tập tự do hàng hải ở Biển Đông. EU dự kiến công bố sách trắng về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tháng 9. Giữ quan hệ vững mạnh và lâu dài với Việt Nam là chìa khóa cho các kỳ vọng của EU tại khu vực.