Trong cuộc chiến với “giặc” COVID-19, bên cạnh các “chiến sĩ áo trắng” đang căng mình nơi tuyến đầu chống dịch, còn nhiều cán bộ cơ sở cũng đang ngày đêm vất vả để làm nhiệm vụ vừa chống dịch vừa chăm lo an sinh cho người dân tại TP Hồ Chí Minh.
Công việc của các cán bộ cơ sở đa phần bắt đầu từ sáng sớm đến đêm muộn, hết tiếp nhận hàng hóa, đến phân chia rau củ quả, bốc vác hàng hóa… để kịp chuẩn bị các suất quà an sinh, hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo chu toàn nhất có thể cho lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.
Khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, nhiều cán bộ cơ sở tại TP Hồ Chí Minh cũng đành xa gia đình để vào cơ quan, đơn vị, tập trung “3 tại chỗ”, không có ngày nghỉ, thậm chí giờ nghỉ, nhiều lúc quên ăn quên ngủ để hoàn thành công việc của mình. Nhiều cán bộ văn phòng chân yếu tay mềm, ít làm việc nặng, thì sau thời gian ở lại cơ quan đã thành những người khỏe mạnh, chuyên đi bốc vác, vận chuyển hàng hóa, nhặt rau, lựa củ, chia quà...
Tất bật "đi chợ hộ"
20 giờ tối của một ngày đầu tháng 9, ngoài trời đang mưa rất to, nhưng chị Phạm Thị Mỹ Linh, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 8, quận Tân Bình, vẫn đội mưa cùng tổ hậu cần đến từng nhà trao trả đơn hàng cho người dân đã đặt đơn "đi chợ hộ" trong ngày.
Cô Nguyễn Thị Hạnh, ngụ ở Phường 8 cho biết: "Buổi tối, ngoài trời mưa tầm tã, tôi chứng kiến cảnh những cán bộ phường, trong đó có chị Phạm Thị Mỹ Linh, tay cầm bịch thực phẩm đang đi dưới mưa gọi cửa từng nhà để trả đơn hàng, hình ảnh này khiến tôi rất xúc động. Khi cầm túi thực phẩm, tôi chỉ biết nói lời cảm ơn và động viên cán bộ cơ sơ cố gắng giữ gìn sức khỏe để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ giúp dân trong mùa dịch”.
Chị Phạm Thị Mỹ Linh cho biết, công việc “đi chợ hộ” được phường triển khai từ đầu tháng 8. Khi Thành phố thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", chị Phạm Thị Mỹ Linh trở thành cán bộ chủ chốt trong công tác “đi chợ hộ” tại phường. Không chỉ chịu trách nhiệm “đi chợ hộ” cho các gia đình đang là F0, chị Linh cùng các đồng nghiệp còn có nhiệm vụ "đi chợ hộ" cho cả ngàn hộ dân tại địa phương.
“Cũng vì thường xuyên "đi chợ hộ", tôi bị các nhân viên siêu thị hiểu lầm và từ chối bán hàng do tưởng tôi là người dân đi gom hàng về bán trong mùa dịch. Tuy nhiên, sau khi nghe tôi trình bày mình là cán bộ cơ sở đang “đi chợ hộ” cho người dân thì các nhân viên siêu thị đều ưu tiên cho tôi được chọn mua thực phẩm trước. Thậm chí, nhiều nhân viên còn giúp tôi soạn đơn hàng cho nhanh để tôi có thể thuận lợi giao hàng sớm nhất cho người dân”, chị Phạm Thị Mỹ Linh tâm sự.
Cũng là một nhân viên văn phòng, nhưng từ khi dịch bệnh xuất hiện, công việc chính của chị Chu Thị Thư, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Phường 6, quận Tân Bình, cũng chuyển thành ... chuyên “đi chợ hộ” cho người dân.
Chị Chu Thị Thư cho biết, từ ngày nhận việc “đi chợ hộ” cho người dân, thường phải hơn 22 giờ đêm chị mới hoàn thành xong việc trao trả đơn hàng. Mặc dù còn rất mệt sau khi mất cả ngày trả hàng, nhưng trên đường về tới cơ quan chị Thư cũng tranh thủ thu thập thêm thông tin người dân gửi "đi chợ hộ" để phân loại, sắp xếp các danh mục cho ngày hôm sau.
Sau khi hoàn thành các đơn hàng, chị Thư sẽ nhờ đội hậu cần của địa bàn đóng thùng và phụ giúp vận chuyển giao đến trao tận nhà cho người dân.
Chị Chu Thị Thư tâm sự: "Công việc tuy vất vả vì làm việc xuyên suốt từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm, nhiều lúc còn quên ăn, quên ngủ, nhưng tôi vẫn thấy rất vui vì mình đã giúp được nhiều người dân đang gặp khó khăn. Mỗi lần trao hàng cho người dân và nghe được những lời cảm ơn chân thành, tôi càng có thêm động lực để cố gắng vượt qua mọi khó khăn, vất vả trong công việc. Bởi khi cán bộ chăm lo tốt nhất cho người dân thì người dân cũng sẽ yên tâm ở trong nhà trong thời gian Thành phố siết chặt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Điều này cũng là góp phần cùng chính quyền chung tay chống dịch bệnh COVID-19”.
Lãnh đạo thành bốc xếp
Đã hơn 2 giờ đêm ngày 2/9, nhưng anh Nguyễn Thành Danh, Bí thư Đảng ủy Phường 6, Quận Tân Bình, vẫn chưa ngủ, vì đang cùng các cán bộ khác trong phường họp bàn, phân công, sắp xếp công việc cho ngày mới.
Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, anh Nguyễn Thành Danh phải tạm biệt gia đình và dọn đồ đạc vào cơ quan để ở cùng các cán bộ khác theo phương án “3 tại chỗ”. Và người lãnh đạo cao nhất của địa phương này giờ còn kiêm nhiệm luôn vai trò bốc xếp hàng hóa, đi mua thực phẩm cho dân, ngồi chờ phân chia rau củ cho bà con, đi phun khử khuẩn, hỗ trợ công tác tiêm chủng, vận động người dân tiêm vaccine… Bất kể công việc gì, miễn người dân cần và giúp ích được cho người dân, thì ngày hay đêm, anh Nguyễn Thành Danh đều hăng hái tham gia hỗ trợ hết mình.
Anh Nguyễn Thành Danh cho biết: "Mới đây, một khu phố có ca F0 cần người lái xe đi phun khử khuẩn. Không chần chừ, tôi đã lấy xe chở mọi người đi ngay. Ngoài ra, tôi còn cùng tổ hậu cần nhận và giao hàng ngàn đơn “đi chợ hộ” cho người dân, tất cả hàng hóa khi giao đến tay người dân đều còn khá tươi ngon và giá cả phải chăng. Trong hai ngày 23 - 24/8, các địa phương khác đều quá tải vì đơn hàng "đi chợ hộ", nhưng do chúng tôi đã chuẩn bị khá kỹ việc này nên địa phương làm khá tốt, các đơn hàng đều được giao hoàn thiện và nhanh nhất. Trung bình mỗi ngày, tổ hậu cần của Phường 6 hoàn thành được gần 1.000 đơn hàng “đi chợ hộ” cho người dân".
“Cũng vì tốc độ giao hàng của lực lượng “đi chợ hộ” khá nhanh, nên người dân đều rất vui, không có tình trạng người dân đặt hàng nhưng không nhận bởi người dân rất đồng tình và cảm thông với công việc của cán bộ cơ sở”, anh Nguyễn Thành Danh chia sẻ thêm.
Tương tự, hơn 2 tháng qua, chị Bùi Thị Ánh Nguyệt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Phường 6, quận Tân Bình, cũng chưa một lần được về thăm gia đình. Việc liên hệ người thân chỉ được thực hiện qua điện thoại và vào khung giờ buổi tối, bởi ban ngày, chị guyệt đều đã kín lịch cho công việc của cơ sở. Hàng ngày, chị Bùi Thị Ánh Nguyệt cùng cán bộ địa phương phân chia hàng hóa, nhặt lựa rau củ, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, nhiều lúc còn phải trực tiếp đi các nơi nhận hàng hỗ trợ...
Chị Bùi Thị Ánh Nguyệt tâm sự: "Dù vất vả đến mấy chúng tôi cũng không ngại, chỉ mong sao có được nhiều hàng hóa để kịp hỗ trợ người dân khó khăn trong mùa dịch".
Tuy nhiên, theo chị Ánh Nguyệt, người dân cần hiểu rõ TP Hồ Chí Minh đang hỗ trợ những người thực sự khó khăn, trong đó nhóm đối tượng được hỗ trợ tiền, có đối tượng nhận hỗ trợ từ túi an sinh của Thành phố, có nhóm đối tượng nhận hỗ từ địa phương, từ các chủ nhà trọ… Đối với các gói hỗ trợ bằng tiền mặt, Thành phố vẫn đang giải ngân tùy theo địa bàn và danh sách địa phương đưa lên. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh chờ đợi, tránh việc gọi điện thoại thắc mắc liên tục, thậm chí chửi bới khiến cán bộ cơ sở phải "nuốt nước mắt" trong khi đang gồng mình lo cho người dân.
Chia sẻ những vất vả của cán bộ Mặt trận, đoàn thể, công đoàn tại cơ sở, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện các cán bộ cơ sở cũng đang phải làm ngày làm đêm để có thể lập danh sách, tìm cách hỗ trợ người dân khó khăn được nhanh nhất. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ cơ sở rất mỏng, một phường chỉ khoảng 20 - 25 cán bộ kiêm nhiệm rất nhiều công việc, vừa chuyên môn lẫn công việc chống dịch, chăm lo an sinh, kiểm tra chốt chặn, giám sát mặt trận ... Chưa kể, có địa bàn cán bộ cơ sở còn bị hao hụt vì trong thời gian đi làm bị dính F0, F1...
Ngoài ra, cũng vì lực lượng mỏng lại chăm lo an sinh cho cả hàng ngàn người dân đang gặp khó khăn nên công tác an sinh sẽ có một số thiếu sót. Tuy nhiên, tất cả cán bộ đều được quán triệt quan điểm của Thành phố là phải tận tụy vì dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch.