TTO - Cần rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III, cả năm 2020 và 2021; tính toán cụ thể việc hỗ trợ nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động theo yêu cầu của Thủ tướng.
Ngày 2-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về số liệu thống kê và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020 ngay sau chuyến đi công tác các địa phương đồng bằng sông Cửu Long.
Tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng nhấn mạnh sự bình tĩnh, quyết tâm chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt 2 mục tiêu kiểm soát dịch và không để đứt gãy nền kinh tế, không để tăng trưởng âm trong bối cảnh những đối tác lớn bị ảnh hưởng nặng nề.
Đặc biệt, động viên toàn quân, toàn dân cũng như ngành y tế, các cấp chính quyền không để dịch bệnh lây lan, bùng phát diện rộng, không được để vỡ trận.
Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tăng trưởng ở mức có thể, Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân. Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chính sách, đảm bảo chủ động, tích cực, hiệu quả với 3 mục tiêu: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu để kích thích tổng cầu.
Theo đó, cần phải làm tốt hơn nữa chính sách tiền tệ, tài khóa, đó là tiếp tục nới lỏng có kiểm soát, thúc đẩy mạnh mẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển.
Với các FTA mới như EVFTA, CPTPP, cần tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu, làm tốt dịch vụ logistics, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh tổng cầu nội địa với giải pháp đa dạng; không để thiếu thốn hàng hóa nhu yếu phẩm đối với mọi vùng miền, nhất là nơi có dịch.
Thủ tướng yêu cầu các bộ chức năng đều phải có kịch bản tăng trưởng phù hợp và phải chuẩn bị phương án kinh tế thời gian tới. Phải phối hợp tốt hơn nữa trong công tác thống kê, tính toán đầy đủ các yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế để làm sao con số thực của nền kinh tế được phản ánh.
Rà soát kịch bản tăng trưởng, hỗ trợ các ngành
Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Tổng cục Thống kê cho hay tháng 7 tốt hơn tháng trước, các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tháng 7-2020 ước tính đạt 45.700 tỉ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ; Tính chung 7 tháng năm 2020, đạt 203.000 tỉ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thương mại, vận tải và du lịch nội địa tháng 7 có xu hướng tăng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 431.900 tỉ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính tháng 7-2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 23 tỉ USD, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thị trường Hoa Kỳ tăng 15% nhưng thị trường EU giảm 5,9%, các thị trường Nhật Bản, ASEAN, Hàn Quốc cũng giảm...
Ước tính tháng 7-2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 22 tỉ USD, tăng 6,2% so với tháng trước và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tháng 7 ước tính xuất siêu 1 tỉ USD. Tính chung 7 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,5 tỉ USD.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu cần rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III, cả năm 2020 và 2021. Tính toán cụ thể việc hỗ trợ nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động.
Các ngành chức năng như nông nghiệp, công thương, đặc biệt là kế hoạch và đầu tư, tài chính đều phải có các giải pháp huy động nguồn lực, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Có giải pháp mạnh hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại chính sách tiền tệ để phối hợp tốt với chính sách tài khóa.
Chấn chỉnh lại tình trang chênh lệch số liệu thống kê trong các ngành Tại cuộc họp, một số tỉnh, thành phố cũng phản ánh về con số thống kê, nhất là giữa con số ước tính và con số thực hiện. Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết cơ quan thống kê trong báo cáo hằng tháng có cập nhật lại số liệu tháng trước. Ví dụ như về số liệu xuất nhập khẩu tháng 7 thì đến 10-8, hải quan mới chốt số liệu tháng trước nên số liệu của những ngày cuối tháng thường là ước tính. Về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng đây là kênh quan trọng đối với tăng trưởng, là một trong "cỗ xe tam mã" kéo nền kinh tế. Trong khi đó, số liệu xuất nhập khẩu thường chậm, nhiều trường hợp chênh lệch số liệu xuất khẩu đến hàng tỉ USD do nguyên nhân là ước số liệu 10-15 ngày cuối tháng. Sự phối hợp trong vấn đề này chưa tốt. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê phải rà soát lại, làm việc trực tiếp với nhau vào thời điểm cuối tháng để thống nhất số liệu trước khi công bố, không để chênh lệch quá lớn như hiện nay. Về số liệu tiền tệ tín dụng và ngân sách nhà nước, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo bổ sung, cập nhật số liệu. Hoặc với số liệu phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành, lĩnh vực, nhiều trường hợp chưa phản ánh sát thực tế từng ngành, từng lĩnh vực. Do đó, Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa giữa các cấp, các ngành và ngành thống kê cũng cần chủ động hơn để có bộ số liệu chính xác, kịp thời. "Phải cập nhật thường xuyên, khách quan, chính xác, không tô hồng nhưng không được bôi đen, không được bỏ sót, làm đúng theo quy định của pháp luật" - Thủ tướng nhấn mạnh. Trước khi Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố, bộ cũng như Tổng cục Thống kê phải làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan để rà soát kỹ từng số liệu, phương pháp thống kê, thời điểm cung cấp số liệu, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân có liên quan. |
NGỌC AN