Khi đợt dịch thứ tư bùng phát dữ dội tại TP.HCM, các bệnh viện (BV), cơ sở y tế tư nhân hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế, của TP.HCM và xuất phát từ trái tim người thầy thuốc đã tham gia công cuộc chống dịch đầy trách nhiệm.
Cho đến nay, đã có 11 BV tư tham gia chống dịch và đã điều trị thành công cho hàng ngàn ca F0; các bác sĩ và nhân viên đã tham gia các đội tiêm vắc xin, tầm soát dịch trong cộng đồng và tư vấn điều trị tại nhà.
Để làm được điều đó, các BV tư phải chuyển đổi cấu trúc, công năng và công tác tổ chức, cũng như điều hành từ BV đa khoa sang điều trị Covid-19 chuyên sâu. Các BV phải mua các thiết bị máy móc hiện đại như máy thở oxy dòng cao (HFNC), máy ECMO, mua thêm xe cấp cứu, trang bị cho nhân viên đồ phòng hộ cấp 4, khẩu trang N95, hóa chất khử khuẩn, các loại thuốc đặc trị, giường bệnh, các loại thiết bị, vật tư đặc dụng. Ngoài ra, các BV còn phải huy động thêm nhân lực từ bên ngoài và trả lương cho bác sĩ, nhân viên làm ngoài giờ, huấn luyện kỹ năng cho nhân viên, cộng tác viên...
Nếu ở BV công, tất cả những chi phí đó là từ ngân sách nhà nước thì các BV tư là từ nguồn quỹ vốn không dồi dào của chính mình, chưa kể có nhiều BV phải vay ngân hàng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội. Thực sự, để giành giật sự sống cho một ca F0 nặng là vô cùng tốn kém về công sức và chi phí có khi lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng thời gian qua các BV tư nhân đã không nề hà tính toán, bởi đó không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn tình nghĩa đồng bào.
Song quả thực, sau hơn 3 tháng gồng mình hoạt động như các BV công, các BV tư nhân đã thấm mệt và đuối sức. Đã có đề xuất lấy ngân sách nhà nước chi trả cho các BV tư theo mức chi của BV công lập, nhưng như thế thì các cơ sở y tế tư nhân không duy trì được vì các BV công hoạt động theo cơ chế khác.
Thực tế cũng cho thấy phần đông người bị nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại nhà, khi bắt đầu có dấu hiệu nặng mới đưa vào các BV chữa trị. Đó là quy trình thông thường, nhưng cũng có những người không muốn đi theo quy trình đó mà muốn được theo dõi, chăm sóc ngay từ đầu, từ khi mới phát hiện bệnh, thậm chí muốn được điều trị theo yêu cầu tốt nhất (máy móc thiết bị, thuốc men, điều kiện phòng ốc, bác sĩ điều trị).
Họ là những người có điều kiện kinh tế, kể cả những người không khá giả mấy nhưng vẫn chấp nhận mọi tốn kém để được điều trị theo yêu cầu. Lúc này, chỉ có BV tư nhân mới có khả năng đáp ứng được những nhu cầu đó. Chúng ta phải chấp nhận quy luật "cầu - cung" này, bởi y tế cũng là một phần của thị trường dịch vụ.
Trong bối cảnh như thế, UBND TP.HCM đã có công văn gửi đến các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho phép các BV tư được thu phí cũng là điều hợp lý. Khi được thu viện phí, các BV tư sẽ có điều kiện mở rộng quy mô điều trị, tăng thêm giường bệnh, mua sắm trang thiết bị... để "chia lửa" với các BV công và bổ sung nguồn lực cho trận chiến lâu dài này.