Thành phố New York đã lên kế hoạch tái thiết khu Trung tâm Thương mại Thế giới với 5 tòa tháp, đài tưởng niệm, bảo tàng, nhà ga và trung tâm biểu diễn nghệ thuật sau vụ tấn công ngày 11.9.2001.
Hai tòa tháp đôi này do kiến trúc sư người Mỹ Minoru Yamasaki thiết kế. Với chiều cao 417 và 415 mét, các tòa tháp này đã vượt qua tòa nhà Empire State để trở thành tòa nhà cao nhất thế giới khi được hoàn thành vào năm 1973.
Hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới vào năm 2001, trước khi vụ tấn công xảy ra CHỤP MÀN HÌNH DEZEEN |
Kế hoạch tái thiết
Vụ khủng bố do al-Qaeda gây ra vào ngày 11.9.2001 đã gây hỏa hoạn lớn và khiến cả hai tòa tháp đôi sụp đổ trong vòng hai giờ. Khi sập xuống, hai tòa tháp này cũng phá hủy tòa nhà WTC 7 lân cận và làm hư hại nghiêm trọng nhiều tòa nhà xung quanh, theo Tạp chí Dezeen.
|
Quy hoạch tổng thể của ông Daniel Libeskind CHỤP MÀN HÌNH DEZEEN |
"Tôi muốn người dân New York trở thành tấm gương cho nước Mỹ và thế giới thấy rằng chủ nghĩa khủng bố không thể ngăn cản chúng ta", ông Giuliani nói thêm.
Tháng 11.2001, Thống đốc George Pataki của bang New York và ông Giuliani đã thành lập Tập đoàn Phát triển Hạ Manhattan (LMDC) để lên kế hoạch tái thiết khu vực và phân phối 10 tỉ USD trong quỹ tái thiết liên bang.
Để có thiết kế phù hợp cho công việc tái thiết WTC, thành phố New York đã tổ chức một cuộc thi. Trong số hơn 2.000 bản thiết kế mà ban tổ chức cuộc thi nhận được, bản phác thảo của Studio Daniel Libeskind, do kiến trúc sư Daniel Libeskind đứng đầu, đã được chọn làm quy hoạch tổng thể vào năm 2003. Theo kế hoạch, 5 tòa tháp sẽ xếp hình vòng cung xung quanh một đài tưởng niệm được xây trên nền móng của hai tòa tháp đôi ban đầu.
Những năm sau đó, quy hoạch tổng thể do ông Libeskind thiết kế đã bị thay đổi rất nhiều. Một số người đã kêu gọi xây dựng lại hai tòa tháp đôi như thiết kế ban đầu của kiến trúc sư Yamasaki.
Quy hoạch cuối cùng được thông qua bao gồm 5 tòa nhà chọc trời được thiết kế bởi Skidmore, Owings & Merrill (SOM), Richard Rogers, Fumihiko Maki và Norman Foster. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ có đài tưởng niệm, bảo tàng, trung tâm giao thông vận tải và trung tâm biểu diễn nghệ thuật.
Khu Trung tâm Thương mại Thế giới có gì?
Công trình đầu tiên trong quy hoạch được hoàn thành là tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới 7 (WTC 7). Tòa nhà 52 tầng, cao 226 m do SOM thiết kế này mở cửa vào ngày 23.5.2006. Theo Tạp chí Architectural Record, việc xây dựng tòa nhà này tiêu tốn 700 triệu USD.
Công trình tiếp theo là Đài tưởng niệm Quốc gia 11.9, mở cửa lần đầu cho gia đình, người thân nạn nhân vào ngày 11.9.2011, dịp kỷ niệm 10 năm sau vụ khủng bố. Ngày 12.9.2011, đài tưởng niệm bắt đầu mở cửa cho công chúng tham quan.
Khu phực hợp Trung tâm Thương mại Thế giới hiện nay CHỤP MÀN HÌNH DEZEEN |
Đây là công trình do hai kiến trúc sư Michael Arad và Peter Walker thiết kế. Đài tưởng niệm gồm 2 hồ nước bao quanh bởi bệ đá khắc tên các nạn nhân đánh dấu vị trí của hai tòa tháp đôi đã sụp đổ.
Bên dưới đài tưởng niệm là Bảo tàng Quốc gia 11.9 dưới lòng đất do studio Davis Brody Bond của Mỹ thiết kế. Lối vào bảo tàng là một công trình theo kiến trúc giải tỏa kết cấu do studio Snøhetta thiết kế.
Bảo tàng trưng bày 40.000 hình ảnh và 14.000 hiện vật từ vụ tấn công khủng bố. Công trình mở cửa đón khách từ ngày 21.5.2014.
Sau khi đài tưởng niệm khánh thành, các tòa tháp xung quanh cũng dần mọc lên.
Công trình tiếp theo là tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới 4 gồm 72 tầng và cao 298 m. Tòa nhà này do kiến trúc sư Maki thiết kế và hoàn thành vào năm 2013.
Ngày 3.11.2014, Trung tâm Thương mại Thế giới 1 (hay còn gọi là Tháp Tự do) mở cửa. Tòa nhà do SOM thiết kế này là công trình nổi bật nhất trong quy hoạch tái thiết.
Tòa nhà này cao 541 m và có 104 tầng. Khi đổi ra đơn vị feet, độ cao của tòa nhà trùng với năm nước Mỹ ra đời - 1776 feet. Tháp Tự do hiện là tòa nhà cao thứ 6 trên thế giới và cũng là tòa nhà cao nhất ở Tây bán cầu.
Đến năm 2018, tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới 3 do công ty Rogers Stirk Harbour + Partners thiết kế mở cửa. Tòa nhà gồm 80 tầng, cao 329 m.
Bên cạnh những công trình đã khánh thành, New York cũng lên kế hoạch xây dựng thêm hai tòa tháp trong khu vực. Một trong số đó là Trung tâm Thương mại Thế giới 2. Tòa nhà này gồm 82 tầng và cao 403 m. Hiện tại, phần nền của công trình này đã hoàn thành và phần tháp đang được xây dựng.
Ngoài các tòa tháp, một số công trình kiến trúc khác cũng được xây dựng tại khu vực này. Trong đó, Trung tâm Giao thông Vận tải Trung tâm Thương mại Thế giới do kiến trúc sư người Tây Ban Nha Santiago Calatrava thiết kế đã khai trương vào ngày 3.3.2016.
Trung tâm Giao thông Vận tải Trung tâm Thương mại Thế giới CHỤP MÀN HÌNH DEZEEN |
Ông Calatrava cũng thiết kế nhà thờ thay thế cho Nhà thờ Hy Lạp Chính thống Thánh Nicholas bị phá hủy trong vụ sụp đổ của hai tòa tháp đôi. Công trình khởi công xây dựng vào năm 2014 nhưng tạm dừng vào năm 2017 vì tổng giáo phận không thanh toán được phí xây dựng. Việc xây dựng được tái khởi động vào năm 2020 và tòa nhà dự kiến hoàn thành vào năm sau.
Công trình cuối cùng trong khu phức hợp là Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Ronald O. Perelman do Rex và Davis Brody Bond thiết kế. Tòa nhà này dự kiến mở cửa vào năm 2023.