Tại Diễn đàn trực tuyến Kết nối nông sản chủ đề “Kết nối cung cầu thực phẩm tươi sống cho TP.HCM” do Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 11-9, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết sau chợ Bình Điền, thành phố sẽ tiến tới mở cửa chợ đầu mối Hóc Môn và Thủ Đức để đảm bảo cung ứng hàng hóa.
Theo ông Hiệp, hiện chợ Bình Điền đã được mở trở lại, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kiểm tra. Chợ Hóc Môn chưa mở được vì đang trong thời gian thẩm định lại phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nếu đủ điều kiện thì mới triển khai.
Sau chợ đầu mối Bình Điền, TP sẽ tiếp tục mở lại các chợ đầu mối khác
Ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết đơn vị này đã xây dựng phương án bán hàng đảm bảo an toàn trong mùa COVID-19.
Cụ thể, phương án có 3 giai đoạn, ban đầu là tập kết, trung chuyển hàng hóa với 20 thương nhân. Giai đoạn 2 là 30% thương nhân trong chợ trong tổng số 1.800 tham gia. Giai đoạn 3 là mở lại bình thường sau khi dịch được kiểm soát.
Theo ông Tân, sau bốn ngày hoạt động, từ ban đầu là bảy ô vựa tham gia với rau quả, thịt... đến ngày 10-9 đã có 16 ô vựa tham gia với hơn 67 tấn hàng.
Điểm tập kết giữa thương lái và khách hàng có thỏa thuận, giao hẹn trước khi đến chợ. Biển số xe, hiệu xe, tên mặt hàng, thời gian giao hàng cũng được đăng ký trước.
Mô hình này đảm bảo không ùn tắc giao thông, tuân chủ chặt chẽ 5K. Người vào chợ phải có kết quả xét nghiệm âm tính, ba ngày xét nghiệm một lần. Sở Công thương hỗ trợ giấy đi đường cho thương nhân, người lao động do đặc thù chợ là hoạt động từ 18h đến 8h sáng hôm sau.
“Chợ phát hành thẻ cho người lao động vào chợ. Trước cổng chợ, đặt tổ kiểm tra y tế, xét nghiệm tại chỗ. Được CDC TP.HCM, Trung tâm Y tế quận 8 hỗ trợ. Kể cả phóng viên tới đưa tin cũng phải xét nghiệm” - ông Tân nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ 970 phía Nam cho biết vai trò của hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn là rất quan trọng. Vấn đề đầu mối cung ứng tại các tỉnh có dấu hiệu đứt gãy, do đó, cần đẩy nhanh tốc độ giao nhận hàng.
Tổ công tác 970 đề nghị các sở tiếp tục duy trì tổ phát triển thị trường hay tổ kết nối nông sản để gắn kết thông tin với bộ, doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nam đề nghị chợ Bình Điền ngay tuần tới phải có buổi kết nối theo hình thức họp trực tuyến giữa hợp tác xã ở các tỉnh với chợ.
“Tổ 970 sẽ tham gia hỗ trợ, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Bộ đang có dự án về nâng cao chất lượng nông sản với sự hỗ trợ của Canada.
Nếu chợ xây dựng được chuỗi liên kết tốt, chúng tôi sẽ thí điểm mô hình này tại Bình Điền, đề nghị BQL chợ nghiên cứu thực hiện” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Tổ công tác 970 đề nghị các sở tiếp tục duy trì tổ phát triển thị trường hay tổ kết nối nông sản để gắn kết thông tin với bộ và doanh nghiệp. Tư duy bán hàng phải cụ thể, rành mạch, hàng hóa ở đâu, cung cấp thế nào là phải nắm được.
Sau 15-9, TP.HCM có nhiều kế hoạch từng bước mở rộng thị trường, đảm bảo an toàn y tế. Vì vậy, sắp tới phải có diễn đàn trực tuyến để kết nối chợ Bình Điền với các địa phương.
Bình Dương tồn 2 triệu quả trứng gà mỗi ngày
Ông Phạm Văn Bông Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương cho biết, thông qua sáng kiến tiêu thụ combo nông sản của của Tổ công tác 970, tình hình tiêu thụ ở Bình Dương đã được cải thiện nhưng số lượng tiêu thụ chưa lớn. Bên cạnh đó, do sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản, nhiều mặt hàng ở Bình Dương đã rơi vào tình trạng dư thừa.
Trong chăn nuôi, theo ông Bông hiện nay khó khăn nhất vẫn là tiêu thụ sản phẩm gà lông trắng, ngoài ra các sản phẩm trứng nhu cầu giảm nên khả năng tiêu thụ cũng chững lại. Cụ thể, mỗi ngày Bình Dương đang tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút.
Với sản phẩm trồng trọt, hiện nay Bình Dương dư thừa khoảng 80 tấn dưa lưới, 70 tấn chuối và 30 tấn chanh không hạt. Đặc biệt, các sản phẩm rau ăn lá đang dư thừa nhiều và gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Sở NN&PTNT Bình Dương mong muốn Tổ công tác 970 tăng cường kết nối và TP.HCM hỗ trợ tiêu thụ hỗ trợ các sản phẩm nông sản đang tồn đọng ở tỉnh dựa trên danh sách trong báo cáo tỉnh gửi hàng tuần cho Tổ công tác 970.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cũng cho biết, hiện tỉnh có ba nhóm nông sản nguy cơ khó tiêu thụ.
Trái cây dư khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam, quýt, 800 tấn củ đậu. Rau củ quả dư khoảng 1.000 tấn. Hai là các sản phẩm chăn nuôi, gồm gà lông trắng dư thừa 200.000 con, vịt dư 80.000 con, dê dư 6.000 con, chim cút dư 300.000 con. Riêng thủy sản dư khoảng 1.000 tấn, trong đó có 800 tấn cá nước ngọt, 200 tấn tôm.
Ông Sinh đề nghị các tỉnh và TP.HCM tạo điều kiện để Đồng Nai sớm đưa những sản phẩm dư thừa trên vào chuỗi tiêu thụ.
|