TTO - 'Giãn cách xã hội đặt ra tới đâu chứ không phải cả nước giãn cách. Nhưng một vài địa phương vì quá nóng vội đã giãn cách xã hội. Hoan nghênh TP.HCM, Hà Nội đã dừng lại một số ngành dịch vụ, giải trí nhưng vẫn giữ các ngành sản xuất'.

Thủ tướng: TP.HCM chưa nên giãn cách xã hội, đồng ý đưa 400 người kẹt ở Đà Nẵng về địa phương - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự cuộc họp tại đầu cầu Hà Nội - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Thủ tướng nhấn mạnh như vậy khi chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19 chiều 2-8.

Kiên quyết ngăn dịch, khoanh vùng giãn cách xã hội ở khu vực cụ thể

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao ngành y tế đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó tăng cường các chuyên gia từ Hà Nội, TP.HCM vào cùng Đà Nẵng, Quảng Nam ngăn ngừa dịch.

Thủ tướng đề nghị các địa phương kiên quyết ngăn chặn dịch và khoanh vùng giãn cách xã hội ở khu vực cụ thể khi có dịch để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

"Như vậy giãn cách xã hội đặt ra tới đâu chứ không phải cả nước giãn cách. Nhưng một vài địa phương vì quá nóng vội đã giãn cách xã hội. Hoan nghênh TP.HCM, Hà Nội đã dừng lại một số ngành dịch vụ, giải trí nhưng vẫn giữ các ngành sản xuất" - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng bày tỏ sự cảm động trước tinh thần tương thân, tương ái trong thời gian vừa qua như việc Tập đoàn Vingroup hỗ trợ máy thở cho Đà Nẵng, nhiều đơn vị khác hỗ trợ, ủng hộ vùng có dịch. Đây là truyền thống cần phát huy trong những ngày tới.

"Có một số mặt trái như người nước ngoài nhập cảnh trái phép, khâu cách ly chưa nghiêm túc..., Thủ tướng sẽ chỉ đạo các bộ trưởng giải quyết triệt để.

Trước đây, chúng ta nói chống dịch như chống giặc, bây giờ chúng ta nói mỗi gia đình trong vùng dịch là một pháo đài, một người dân trong gia đình là một chiến sĩ trong việc chống dịch" - Thủ tướng lưu ý.

Khả năng đang có một số ổ dịch trong cộng đồng

Báo cáo tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay Việt Nam đã ghi nhận 590 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó có 5 người tử vong. Đặc biệt từ 25-7, đã có thêm 175 ca nhiễm mới, trong đó có 144 ca tại cộng đồng thuộc 7 tỉnh, thành phố.

Ông Long nhận định sau khi dịch quay lại Đà Nẵng, số ca nhiễm gia tăng nhanh, lây nhiễm trong cộng đồng nhiều, tốc độ gia tăng lây nhiễm rất cao so với tháng 4-2020.

Do dịch tại Đà Nẵng đã xuất hiện từ đầu tháng 7-2020 và qua nhiều chu kỳ, lây cả bệnh viện và cộng đồng nên người đứng đầu Bộ Y tế nhận định khả năng truy tìm F0 là khó khăn. Ông lưu ý có 6 trường hợp phát hiện trong cộng đồng không có liên quan tới bệnh viện nên dự đoán có một số ổ dịch trong cộng đồng đang tồn tại và tiếp tục lây nhiễm.

"Hiện tại có thể nhận định nguồn lây nhiễm chính là ở Bệnh viện Đà Nẵng với hệ số lây nhiễm cao từ 6-10, cao hơn hệ số lây nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai trước đó. Kết hợp với sự xuất hiện của chủng virus chưa có ở Việt Nam nên dự báo có thể lây lan tại nhiều địa phương". Ông Long cho biết thêm nhiều người nhiễm COVID-19 có các bệnh lý nặng nên nhiều bác sĩ, giáo sư đã hết lòng nhưng không cứu chữa được.

Ông Long kiến nghị Thủ tướng ban hành văn bản mới về tăng cường nâng cao phòng chống COVID-19 như: yêu cầu người dân hạn chế đi lại khu vực đông người, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay thường xuyên; tạm dừng các lễ hội, hoạt động tập trung đông người; dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như vui chơi giải trí...

"Đà Nẵng có hơn 1 triệu người nhưng số bình quân người nhiễm trên đầu người rất cao, do đó phải tính đến năng lực cách ly. TP.HCM có kinh nghiệm 1 người F0 thì phải cách ly 280 người. Đà Nẵng có 100 người nhiễm thì cần 28.000 chỗ cách ly, bệnh viện dã chiến quá nhỏ so với nhu cầu này. Chỉ có cách ly ở gia đình, toàn bộ gia đình không đi lại mới chứa hết toàn bộ số đó" - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.

Đà Nẵng lên phương án xây bệnh viện dã chiến thứ hai

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết đến trưa 2-8 Đà Nẵng đã có 121 ca dương tính với COVID-19, trong đó 5 ca tử vong - đều là người có bệnh nền nặng từ nhiều năm. Có 6 ca nhiễm chưa xác định được có liên quan đến các ca đã phát hiện hay không nên thành phố và Bộ Y tế rất lo ngại còn có những ổ dịch chưa truy tìm được.

Vì vậy, chiến dịch của Đà Nẵng là xét nghiệm, cách ly, truy vết, phong tỏa nhanh chóng để ngăn dịch đã lây ra trong cộng đồng.

Đà Nẵng đã cách ly xã hội và tăng cường thêm cường độ, tính chất theo tinh thần chỉ thị 16 của Thủ tướng. Các tổ giám sát cộng đồng tăng cường thực hiện giám sát nghiêm ngặt. 

Đà Nẵng yêu cầu mọi người ở nhà, chỉ ra ngoài khi có việc khẩn cấp, thiết yếu. Trưa 2-8 đã phong tỏa Bệnh viện Cẩm Lệ là nơi phát hiện ra bệnh nhân, đồng thời phong tỏa thêm 1 khu dân cư.

Hiện nay đã lấy mẫu xét nghiệm 100% nhân viên y tế các bệnh viện và hi vọng con số lây nhiễm trong nhân viên y tế sẽ dừng lại.

Do số ca nhiễm tăng nhanh, nếu tỉ lệ 1 F0 có 280 F1 như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định thì Đà Nẵng sẽ có hàng chục ngàn F1, nên Đà Nẵng đã huy động các cơ sở công cộng, cơ quan, trường học, doanh trại quân đội để lắp đặt giường, trang thiết bị cho việc cách ly. Nếu số ca nhiễm tăng nhanh theo cấp số trên và nguy cơ lây nhiễm chéo cao thì cách ly tại nhà.

Hiện nay một số bệnh viện, trung tâm y tế của Đà Nẵng như Trung tâm y tế Hòa Vang sẽ được điều chỉnh thành nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 bên cạnh bệnh viện dã chiến. Đồng thời đang lên phương án xây dựng bệnh viện dã chiến thứ hai.

"Hiện tại chúng tôi làm giỏi lắm cũng xét nghiệm kiểm soát được 90%, còn 10% ngoài cộng đồng vẫn có nguy cơ nhân lên. Đề nghị Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương tiếp tục hỗ trợ Đà Nẵng về nhân lực, chuyên môn, máy thở, hóa chất, thiết bị y tế. 

Đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực xét nghiệm, nếu được 20.000 xét nghiệm/ngày thì sẽ tăng được tốc độ kiểm soát dịch. Dịch đã xuất hiện trong cộng đồng rất nhiều nên không dựa trên test nhanh vì cái này chỉ xét nghiệm kháng thể, mà người mới nhiễm chưa có kháng thể nên cần xét nghiệm tìm kháng nguyên để chính xác hơn" - ông Thơ cho biết.

Ông cũng cho hay Đà Nẵng còn hơn 400 khách du lịch bị kẹt, chủ yếu người Hà Nội và TP.HCM, cần sự hỗ trợ của các địa phương đưa về vì không biết dịch ở Đà Nẵng còn bao lâu.

Hà Nội đề nghị Bộ Y tế giúp đỡ mua đủ lượng test nhanh

Thủ tướng: TP.HCM chưa nên giãn cách xã hội, đồng ý đưa 400 người kẹt ở Đà Nẵng về địa phương - Ảnh 3.

Người dân ở Hà Nội được đo nhiệt độ và hướng dẫn rửa tay sát khuẩn trước khi vào lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 - Ảnh: MAI THƯƠNG

Phát biểu tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết đến 12h ngày 2-8, toàn thành phố đã ghi nhận 83.937 người về từ Đà Nẵng từ ngày 8-7 đến nay, tăng thêm 11.662 người so với số rà soát của ngày 1-8. 

Thành phố hiện có 80.000 test nhanh và đã chuyển cho các trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã 69.000 test, trong đó đã xét nghiệm được cho 67.746 người. Kết quả test nhanh Hà Nội đã ghi nhận 11 trường hợp dương tính nhưng khi xét nghiệm lại bằng kỹ thuật PCR thì 10 trường hợp âm tính, còn 1 trường hợp đang chờ kết quả. 

Bên cạnh đó, thành phố đã xét nghiệm PCR cho 491 trường hợp, kết quả có 465/491 mẫu âm tính, 1 mẫu dương tính là bệnh nhân 447, còn lại 25 mẫu chưa có kết quả. Ngoài ra, thành phố đã rà soát được 127 trường hợp F1 liên quan đến hai ca bệnh mới, tất cả đều cho kết quả âm tính.

Hiện Hà Nội còn 992 người đang cách ly tại các khu cách ly tập trung; 496 trường hợp F2 đang được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Hà Nội yêu cầu Sở Công thương phải bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, lương thực thực phẩm cho nhân dân, không được để tình trạng tăng giá, thiếu hàng hóa.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết trong giai đoạn 1 và 2 phòng chống dịch, Hà Nội có thể xét nghiệm được 4.000 - 5.000 mẫu PCR/ngày nhưng giai đoạn đó Hà Nội chủ yếu mượn máy chuyên dụng của các đơn vị. Vì thế, Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn Hà Nội có cơ chế đặt hàng các bệnh viện của Trung ương và tư nhân có thể xét nghiệm PCR cho những trường hợp sốt, ho, khó thở và các bệnh nhân có nhu cầu để giảm tải cho Hà Nội trong công tác xét nghiệm. 

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Y tế giúp đỡ trong việc mua đủ lượng test nhanh, bởi hiện nay số lượng test của Hà Nội không đủ cung cấp cho số lượng người đăng ký đông.

"Hà Nội đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch từ cấp thành phố đến cơ sở trên tinh thần khoa học nhất nhưng không chủ quan, lơ là để thực hiện tốt mục tiêu "kép" là vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm duy trì sản xuất, phát triển kinh tế. Nếu đến ngày 12-8, Hà Nội không phát hiện thêm ca nhiễm nào thì có thể nói thành phố đã tương tối an toàn", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận định.

Đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cách ly tại gia đình là cách ly cả nhà

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định: "Chúng ta đang đứng trước tình thế đặc biệt khi dịch COVID-19 trong nước bùng phát và trên toàn cầu chưa có dấu hiệu giảm, các nước như Nhật Bản, Úc, Hong Kong có số người nhiễm dịch trong bệnh viện cao hơn đợt dịch thứ nhất.

Tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới sau khi kết thúc làn sóng thứ nhất.

Theo kinh nghiệm của WHO trong làn sóng dịch thứ nhất, cứ bình quân 1 triệu người dân có 10 người nhiễm.

"Từ đồ thị của đất nước, chúng tôi dự báo từ 23 đến 30-8 có nguy cơ cao nếu không có biện pháp quyết liệt ta sẽ đạt ngưỡng 10 người nhiễm/1 triệu dân, tức là cả có sẽ có khoảng 970 người phải điều trị trong bệnh viện".

 Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương rất có nguy cơ vì có số lượng lớn người từ Đà Nẵng trở về.

Về tổng thể, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP.HCM, Huế, Quảng Ngãi, Đắk Lắk cần có biện pháp kiểm soát đặt biệt để ngăn dịch lan tỏa.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, Đà Nẵng có hơn 100 người nhiễm COVID-19 trong khi Đà Nẵng có 1 triệu dân, bình quân 1 triệu người Đà Nẵng có hơn 100 người nhiễm, gấp 10 lần chỉ số 1 quốc gia có thể coi là có dịch mà WHO công bố. Do đó cần xác định Đà Nẵng là một trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm. 

Bộ Y tế nói dịch đã diễn ra ở Đà Nẵng 2-2,5 chu kỳ thì đã nằm ở Đà Nẵng 2 tháng rồi, đến nay mới phát hiện ra số ca nằm trong cộng đồng. Do vậy cần kiểm soát ở mức cao nhất không cho dịch ở Đà Nẵng lan ra. Ở Vũ Hán khi áp dụng mức cao nhất tất cả gia đình ở nhà, 1 người chỉ được phát phiếu đi chợ 1 lần/ ngày, sau đó họ cấm hẳn và phát thực phẩm tại nhà.

TP.HCM có kinh nghiệm 1 người F0 thì phải cách ly 280 người. Nếu áp dụng cho Đà Nẵng có 100 người nhiễm thì cần 28.000 chỗ cách ly tại các cấp từ gia đình đến quận, huyện, thành phố. Do vậy không thể bố trí chỗ cách ly của thành phố cho 28.000 người. Phải coi cách ly ở gia đình là cách ly quan trọng nhất mới chứa nổi. 

Đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cách ly tại gia đình là cách ly cả nhà. Làm sao cách ly ở nhà thực sự là giám sát lẫn nhau. TP.HCM có 140.000 người đi Đà Nẵng trở về nên đồng ý với Thủ tướng mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch, chính quyền cần giám sát chặt chẽ.

Sau phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.TPHCM, Thủ tướng cho biết ngày 1-8 đã gọi điện trao đổi Chủ tịch UBND TP.HCM dừng hoạt động karaoke là đúng nhưng chưa nên giãn cách xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết từ Tổng bí thư đến Chủ tịch Quốc hội đều quán triệt không được chủ quan nên các biện pháp của Việt Nam cao hơn một mức so với thế giới. “Chúng ta rất quyết liệt nhưng bình tĩnh, đã xác định Đà Nẵng là tâm điểm và chỉ đạo tập trung cao độ chi viện cho Đà Nẵng để dập dịch trong thời gian sớm nhất. Đến giờ chỉ đạo của Thủ tướng và ngành y tế cơ bản là đúng. Tình hình chúng ta vẫn đang kiểm soát được nên không quá chủ quan và cũng không hốt hoảng”, ông Đam nói.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh phải theo dõi chặt chẽ số người đi về, đi qua Đà Nẵng, thực hiện nghiêm quản lý khám chữa bệnh, quản lý nghiêm người cao tuổi có bệnh nền trong xã hội; phải tăng cường biện pháp phòng dịch trong cộng đồng như bến xe, bến tàu, phương tiện giao thông.

Sẽ cấp phương tiện đưa 400 người kẹt ở Đà Nẵng về địa phương

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương cố gắng của ngành y tế, Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều địa phương trong khoanh vùng, triển khai biện pháp chống dịch mạnh mẽ. 

Với đợt dịch này, hiện đã xác định trung tâm dịch ở Đà Nẵng và có liên quan đến Quảng Nam, trong đó tập trung vào các bệnh viện. Tuy nhiên, dự báo dịch COVID-19 sẽ phức tạp và lan rộng nếu không khoanh vùng dập dịch quyết liệt.

Các địa phương, bộ ngành không được lơ là chủ quan, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chống dịch.

Các bệnh viện có biện pháp phòng chống dịch, hạn chế người tử vong do dịch. Tranh thủ từng giờ phút truy vết, xét nghiệm y tế diện rộng những trường hợp về từ Quảng Nam, Đà Nẵng, hướng dẫn người dân chủ động khai báo y tế.

"Yêu cầu các lãnh đạo bình tĩnh chủ động ngăn chặn kiên quyết và hiệu quả làn sóng COVID-19 thứ hai, tinh thần là không để lây lan trên diện rộng, không để những ổ dịch mới mà phát hiện muộn, không được ngăn chặn" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tập trung đông người.

Lưu ý không để xảy ra ổ dịch ở bệnh viện, cơ sở y tế và bảo vệ nhân viên y tế ở mức tốt nhất.

Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý những người tung thông tin giả, tin đồn, gây hoang mang dư luận.

"Không làm thái quá ngăn sông cấm chợ, tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có phương án cụ thể, chưa có ổ dịch. Cần tính toán giãn cách, cách ly xã hội với quy mô hợp lý", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, với những ổ dịch cụ thể thì phải làm kiên quyết trong phạm vi thôn, xóm, còn không phải ổ dịch thì mở cửa hoạt động bình thường - trừ những ổ dịch lớn như ở Đà Nẵng, Quảng Nam.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát trường hợp nhập cảnh trái phép, cơ sở lưu trú. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp khởi tố tất cả trường hợp nhập cảnh, lưu trú trái phép, đặc biệt các đường dây đưa người vào Việt Nam trái pháp luật.

Liên quan đến việc mua thiết bị y tế phòng chống dịch, Thủ tướng đề nghị trước hết tạm ứng để mua thiết bị, lấy thiết bị về phục vụ, sau đó sẽ tính toán sau miễn là không được tham ô, tham nhũng.

Thủ tướng đồng ý cấp phương tiện để 400 người mắc kẹt ở Đà Nẵng về các địa phương, cách ly nếu cần thiết.

TUẤN PHÙNG