Hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố. Số ca mắc mới vẫn tăng cao khiến các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ công an... ở các bệnh viện, khu cách ly, khu dân cư... phải căng mình chống dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương quên mình trên tuyến đầu thì vẫn còn một số đối tượng có hành vi chống lại lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch.
Thời gian gần đây, trong khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 đã liên tiếp xảy ra các vụ chống đối, hành hung cán bộ tại chốt kiểm soát y tế. Mức độ vi phạm của các đối tượng ngày càng tăng, thể hiện rõ tính chất côn đồ, liều lĩnh và bất chấp hậu quả xảy ra... Nguyên nhân của những hành vi này do một bộ phận người dân thiếu hiểu biết pháp luật, dễ bị kích động bởi tâm lý đám đông. Các quy định về xử phạt đối với tội phạm chống người thi hành công vụ chưa thật sự nghiêm khắc. Bên cạnh đó, tác phong khi giao tiếp với nhân dân của một số ít cán bộ tại chốt kiểm soát còn thiếu sự linh hoạt trong xử lý các tình huống...
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Phước (Tiền Giang) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam Trần Văn Tiền, ở xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) để điều tra về hành vi “chống người thi hành công vụ”. Trước đó, Tiền chở mẹ bằng xe máy, khi đến chốt kiểm soát PCD Covid-19 tại cổng chào xã Tân Hòa Thành, thì cán bộ trực chốt yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ theo quy định. Do phiếu đi chợ của Tiền không hợp lệ cho nên các cán bộ làm nhiệm vụ không cho Tiền qua chốt và yêu cầu chờ giải quyết. Bất ngờ, Tiền phóng xe vượt qua chốt. Các cán bộ trực chốt bố trí phương tiện đuổi theo, chặn xe Tiền. Bức xúc vì bị chặn xe, Tiền dùng mũ bảo hiểm và đoạn cây ven đường đánh cán bộ trực chốt bị thương. Trước hành vi côn đồ, hung hãn của Tiền, các cán bộ tổ công tác đã buộc phải khống chế và bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý. Xác định đây là vụ án trọng điểm, cần sớm đưa ra xét xử để răn đe các đối tượng có hành vi vi phạm các quy định về PCD cho nên các cơ quan tố tụng của huyện đang điều tra, truy tố theo thủ tục rút gọn.
Trước đó, TAND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) mở phiên lưu động xét xử sơ thẩm vụ án chống người thi hành công vụ tại chốt PCD Covid-19. Theo tài liệu điều tra, sau khi đã uống bia, Nguyễn Văn Đ. (SN 1984) và Phạm Văn Vinh (SN 1983) cùng trú tại thị xã Đông Triều sang thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương để lấy xe máy. Không lấy được xe máy, nên họ đành quay về. Khi đến chốt kiểm soát PCD cầu Đá Vách, Vinh không khai báo y tế mà còn to tiếng, đấm vào mặt anh Sáu (cán bộ trực chốt)... Với hành vi phạm tội này, bị cáo Vinh bị tuyên phạt 15 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)...
Theo GS, TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, để giảm các hành vi lệch chuẩn, nhất là hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát PCD Covid-19, các ban, ngành, đoàn thể các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đối với từng cá nhân, từng gia đình về ý thức tự giác chấp hành giãn cách xã hội theo quy định. Tăng cường nhiều hoạt động chia sẻ, động viên, khích lệ lẫn nhau để người dân vượt qua sự thiếu thốn về tinh thần, vật chất. Các cơ quan thông tin, tuyên truyền chú trọng thông tin về phương pháp, kỹ năng chống dịch Covid-19 ngắn gọn, dễ hiểu nhằm tạo ra ý thức tự giác, tuân thủ của người dân. Các kênh truyền hình nên phát nhiều chương trình giải trí hấp dẫn, lôi cuốn để giúp người dân nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong dịch bệnh... Qua đó, mỗi cá nhân sẽ tự giác giữ khoảng cách, “ai ở đâu, ở yên đấy” trong khoảng thời gian nhất định; hình thành nề nếp, lối sống của xã hội trong giai đoạn cao điểm chống dịch. Ngoài ra, cần phát huy tinh thần tự giác của mỗi cá nhân, gia đình giám sát gia đình, khu dân cư, tổ dân phố giám sát lẫn nhau thì việc giãn cách xã hội sẽ được thực hiện hiệu quả, nghiêm túc.
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Vũ Hữu Quý (Công ty Luật Gia Vũ, Quảng Ninh) cho rằng, đối với người không chấp hành quy định PCD Covid-19 và có hành vi chống người thi hành công vụ thì căn cứ hành vi, tính chất và mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự. Về xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan chức năng có thể căn cứ theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, nếu người vi phạm có các hành vi gây rối trật tự công cộng; chống người thi hành công vụ; cố ý gây thương tích cho các cán bộ trực chốt kiểm soát thì căn cứ các Điều 134, 318, 330 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý hình sự. Tuy nhiên, hiện nay mức xử phạt về hình sự đối với hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra tại các chốt kiểm soát PCD Covid-19 vẫn chưa thích đáng, khiến người vi phạm có biểu hiện “nhờn luật”...
Đại tá Phạm Kim Đĩnh, Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Công an tỉnh đã ban hành 29 văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp PCD Covid-19... Hiện lực lượng Công an Tuyên Quang đang tham gia thực hiện nhiệm vụ tại 57 chốt kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, đường huyện, liên huyện, liên xã giáp ranh với các tỉnh lân cận; và 11 khu cách ly tập trung của tỉnh. Công an tỉnh đã tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm định hướng giúp người dân xử sự đúng pháp luật trong các công việc liên quan tới lực lượng trực chốt. Công an các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về quy trình công tác cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng phối hợp làm nhiệm vụ trực chốt. Tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản nắm người, nắm hộ theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Rà soát phân loại và tập trung vào những đối tượng có biểu hiện côn đồ, thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định PCD. Yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ công an trong quá trình phối hợp các lực lượng trực tại các chốt PCD phải có tư thế, lễ tiết, tác phong đúng mực khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân. Khi giải quyết các vụ việc phức tạp như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ tại các chốt này phải khéo léo, linh hoạt để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân.