TTO - Người đứng ra điều phối gian chợ này là Đào Văn Vĩnh (28 tuổi) và cũng là chủ một quán cơm 2.000 đồng rất nổi tiếng tại TP Đà Nẵng.
Sinh viên các trường đại học bị kẹt lại tại TP Đà Nẵng đến phiên chợ miễn phí lựa thực phẩm theo khẩu vị - Ảnh: B.D.
Chưa bao giờ thấy sự san sẻ lớn như vậy
Lúc 8h sáng, trời mưa lớn nhưng con hẻm 49 Trần Văn Ơn vẫn chộn rộn người lẫn xe cộ chở hàng ra vào. Từng bạn sinh viên các trường ĐH còn kẹt lại tại TP Đà Nẵng sau mấy ngày ăn mì gói đã tập trung về gian chợ. Họ được đề nghị đứng cách nhau 2m, lần lượt vào chợ chọn đồ.
Mất gần 4 phút để lựa đầy một túi rau xanh, cà chua, thực phẩm… Nguyễn Duy Nhật - sinh viên năm 3 khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - cho biết đã mấy ngày rồi Nhật cùng một vài bạn trong xóm trọ không ra được chợ, chỉ ăn mì gói.
"Ngày 26-7 TP cách ly. Tôi gọi điện đặt xe không được nên buộc phải ở lại xóm trọ. Chừng này đồ ăn sẽ giúp tôi cầm cự ít nhất được một tuần" - Nhật giơ túi đồ rồi nói vui vẻ.
Gần 11h trưa, mọi người vẫn xếp hàng đợi thành dãy dài. Nhiều người dân ở quanh đó cũng qua xắn tay xếp rau, dọn dẹp đồ đạc. Ông Nguyễn Xuân Hùng - người dân ở hẻm 49 - nói mấy ngày nay gia đình ông cũng không được ra ngoài do lệnh cách ly.
Dù vậy, ông vẫn cảm thấy mình may mắn vì trong nhà còn có đồ dự trữ, thiếu thì có thể ra tiệm tạp hóa mua. "Thấy sinh viên đến xếp hàng mà tôi rớt nước mắt. Chưa bao giờ thấy cảnh khó khăn như lúc này, mà cũng không lúc nào thấy sự san sẻ, đùm bọc nhau lớn như vậy" - ông Hùng nói.
Nhiều sinh viên đến nhận đồ tiếp tế tại phiên chợ do Vĩnh mở ra cho biết lâu nay vừa đi học vừa đi làm thêm, ở trọ và sống tự lập, nay dịch đến mất việc nên không còn nguồn sống nào. "Mấy hôm nay em được chủ trọ cho ăn cơm cùng, nhưng khi nghe có phiên chợ này em đã rất vui vì cảm giác như mình được trợ giúp" - Nguyễn Thuận Thanh, sinh viên ĐH Duy Tân, nói.
Ra chợ mua rau, lên mạng kêu gọi tiếp đồ
"Một lượng rất lớn sinh viên đã chấp nhận ở lại TP Đà Nẵng, tuân thủ lệnh cách ly để giữ an toàn cho gia đình, hàng xóm ở quê. Bình thường các bạn có thể ra ngoài, đi làm thêm, nhưng nhiều ngày trong đại dịch khiến họ rơi vào tình thế rất khó khăn.
Anh em chúng tôi đã quyết định chuyển hướng, lên mạng kêu gọi góp kinh phí để cứu giúp những trường hợp này" - anh Đào Văn Vĩnh nói và cho biết thêm những cụ già neo đơn, những gia đình bán vé số, những xóm lao động nghèo cũng được Vĩnh cùng anh em tìm đến hỗ trợ.
Là người đã quen mặt với các tiểu thương, từ rạng sáng 29-7 Vĩnh chạy chiếc xe máy cùng 8 anh em trẻ trong nhóm thiện nguyện đi về chợ đầu mối, chợ Hòa Khánh và các khu chợ lớn đặt mua số lượng lớn rau củ quả, nhu yếu phẩm.
Dãy nhà trọ được chị gái nhượng lại ở hẻm 49 cũng được Vĩnh dọn dẹp lại đồ đạc, lấy gian phòng lớn nhất làm nơi tập kết đồ đạc. Suốt mấy ngày qua, các tình nguyện viên tập trung tại phòng trọ của Vĩnh chiết gạo ra từng túi nhỏ, soạn mì gói thành từng phần, gỡ trứng khỏi vỉ và đem ra sắp ngay ngắn ngay trước lối vào xóm trọ.
Đêm 30-7, Vĩnh đăng tin lên mạng loan báo: "Từ sáng 30-7 Vĩnh sẽ mở phiên chợ 0 đồng cho sinh viên còn kẹt lại, bạn nào cần cứ ghé tới 49/16 để được nhận đồ". Dòng tin ấy lan đi nhanh như một cơn bão và ngay từ rạng sáng, hàng trăm sinh viên đã đứng chật kín con hẻm nơi Vĩnh đang ở trọ.
Từ sáng 30-7, hàng dài những sinh viên đã xếp hàng trước con hẻm số 49 Trần Văn Ơn (Đà Nẵng) để vào một gian chợ đặc biệt: chợ tiếp tế đồ ăn, thực phẩm cho sinh viên kẹt lại vì đại dịch COVID-19.
Tiếp tế đến tận ký túc xá Ban giám hiệu ĐH Sư phạm Đà Nẵng mang đồ tiếp tế tới tận ký túc xá giúp sinh viên cầm cự qua dịch - Ảnh: B.D. Sáng 31-7, chuyến xe chở theo nhiều thùng mì gói, gạo, nước mắm, nhu yếu phẩm… đã được Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đưa về tận phòng trọ của khu ký túc xá tiếp tế cho sinh viên. Đích thân hiệu trưởng ĐH Sư phạm, các thành viên ban giám hiệu cùng nhiều thầy cô giáo đã xuống tận phòng trọ trực tiếp động viên, gửi hàng tiếp tế cho từng ngườ |
"Ai cần cứ lấy, ai ổn thì nhường phần người khác" Vĩnh cho biết dù không hạn chế số lượng, nhưng điều rất xúc động là tất cả những người đến chợ của anh đều chỉ lấy vừa đủ, mỗi người 3kg gạo, 5 gói mì gói, thịt, cá, rau xanh… làm sao dồn đủ vào một túi chứ không ai lấy thêm. Chứng kiến hình ảnh xúc động này, rất nhiều tiểu thương, bà con ở gần đó cùng những người biết Vĩnh đã đem gạo, thịt, cá, rau xanh đến quyên góp. |
LINH TRANG