Theo TS Nguyễn Đức Kiên, nếu Việt Nam không có vắc-xin, thì chi phí việc tắt - bật - tắt - bật nền kinh tế rất lớn, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Phải xác định sống chung với dịch bệnh

Hiện nay, trên thế giới có 2 quan điểm chống dịch và phục hồi kinh tế. Thứ nhất, một số quốc gia muốn chạy theo giá trị tuyệt đối, phải không có ca nhiễm bệnh, mới cửa trở lại. Ngược lại, một ca nhiễm bệnh là tiếp tục phong tỏa toàn quốc.

Thứ hai, xu hướng sống chung với dịch bệnh, song việc sản xuất và phục hồi kinh tế vẫn tiến hành dựa trên các tiêu chuẩn an toàn trong y tế.

phai xac dinh song chung voi dich benh khong the mai tat  bat  tat  bat nen kinh te hinh 1

Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân Y.

Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân Y cho rằng, Việt Nam sẽ khó lòng chấm dứt được dịch bệnh, do đó, PGS.TS Nguyễn Viết Lượng ủng hộ phương án thứ 2, khi sống chung với đại dịch.

“Dịch Covid-19 lây lan qua hô hấp, trong khi mọi người đều phải thở, nên virus vẫn có cơ hội tồn tại. Do đó, theo quan điểm của tôi,  trong một giai đoạn nào đó để chờ, trì hoãn để tìm một biện pháp an toàn hơn chứ không phải là biện pháp lâu dài”, PGS.TS Nguyễn Viết Lượng nói.

Theo ông Lượng, có 3 cách để doanh nghiệp, người dân sống sống bền vững, lâu dài với Covid-19.

Cách thứ nhất là vắc-xin. Tất cả các mầm bệnh mà lây lan thành dịch thì đều chịu tác động của vắc-xin. Cho dù con virus biến đổi để thích nghi, tồn tại nhưng không có nghĩa là vắc-xin không có hiệu quả với nó. 

Mặc dù tỷ lệ hiệu quả khác nhau nhưng vắc-xin vẫn được coi là vũ khí chiến lược, bền vững nhất.

Cách thứ hai là tăng cường cá nhân hóa trong phòng chống dịch. Hiện nay, Việt Nam đang làm chưa tốt lắm việc cá nhân hóa phòng chống dịch. 

Mỗi cá nhân, người lao động an toàn có nghĩa là doanh nghiệp an toàn, cộng đồng an toàn. Mỗi người phải biết cách tự bảo vệ mình. Họ phải có ý thức tiêm vaccine đủ và đúng như hướng dẫn. Chính bản thân họ phải thực hiện 5K thật tốt, tự giác.

Cách thứ ba là bảo vệ đối tượng yếu thế. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Lượng, Covid-19 không phải tấn công vào mọi đối tượng là giống nhau. 70% những người khỏe mạnh bình thường không có triệu chứng. 

Hiện nay đã có hơn 14.000 người tử vong và sắp tới sẽ vẫn còn tăng, tỷ lệ tử vong của Việt Nam thuộc vào nhóm có tỷ lệ tử vong cao. Do đó, Việt Nam ưu tiên những người yếu thế, như vậy chúng ta sẽ giảm được tỷ lệ tử vong. Đó là những người cao tuổi, người có bệnh nền.

PGS.TS Nguyễn Viết Lượng nhấn mạnh: Để sống chung lâu dài, chiến lược vắc-xin phải càng sớm càng tốt, càng nhanh càng tốt. 

“Không phải chỉ 2 mũi vắc-xin, mũi thứ 3 mới thật sự mang lại hiệu quả bảo vệ, giảm thiểu tỷ lệ bị nặng và tử vong. Tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo chưa nên tiêm mũi thứ 3 cách đây một thời gian, thì bây giờ cũng phải đồng ý với quan điểm trên”, ông Lượng chia sẻ thêm.

Không thể mãi “tắt - bật - tắt - bật nền kinh tế”

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Chính phủ cho rằng: Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2021, đặc biệt đối với nền kinh tế và doanh nghiệp là không để đứt gãy chuỗi cung ứng các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia.

phai xac dinh song chung voi dich benh khong the mai tat  bat  tat  bat nen kinh te hinh 2

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Chính phủ.

Thủ tướng đã chỉ đạo cố gắng hạn chế tối đa, không để giảm thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường truyền thống. Đây là một chỉ đạo rất quyết liệt. 

Ví dụ, trong ngành dệt may, nếu Việt Nam giao chậm hàng không kịp mùa noel của năm nay hoặc vụ xuân hè của sang năm thì thị trường Mỹ không thể ngồi đợi, đối tác sẽ đi đặt hàng ở chỗ khác.  Như vậy Việt Nam sẽ bị mất thị phần và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong năm 2022. 

“Chúng tôi cũng đã dự báo và báo cáo với Thủ tướng khó khăn về hợp đồng kinh tế xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ dừng lại ở quý IV/2021, mà chúng tôi dự báo hợp đồng thời vụ của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn ở quý I/2022”, ông Kiên nói.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, nếu Việt Nam có 150 triệu liều vắc-xin từ nay đến hết tháng 12/2021, thì đến hết quý I mới hết khó khăn. Nếu Việt Nam không có vắc-xin, thì chi phí việc tắt - bật - tắt - bật nền kinh tế rất lớn, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Theo số liệu mới nhất của Ban IV về kinh tế tư nhân báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 8/2021 có 10.000 doanh nghiệp trong khu vực phía Nam đã rời bỏ thị trường. Đây là con số rất đáng báo động. 

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu những biện pháp hỗ trợ cụ thể trình các cơ quan có thẩm quyền để trong 2 năm 2022-2023 chúng ta đạt được phục hồi kinh tế, đến cuối năm 2023 cùng nhịp với kinh tế thế giới hồi phục trở lại thời kỳ như tháng 12/2019. 

Tất cả kịch bản kinh tế như thế đều phải dựa trên chuyển từ “Zero Covid” sang “sống chung với Covid”, phải có các sở cứu khoa học, phương tiện để chuyển từ đại dịch thành bệnh dịch thông thường theo tiêu chuẩn của WHO. Vaccine sẽ là công cụ tốt nhất để hỗ trợ phát triển kinh tế. Không phải chúng ta không chủ động đặt vấn đề về vắc-xin.

 Từ tháng 5/2020 chúng ta đã tiến hành đàm phán, ký kết các Hiệp định về mua vắc-xin. Tuy nhiên điều kiện thời hạn giao hàng rất lỏng, nên họ không giao kịp chúng ta cũng không kiện và phạt họ được. 

Bởi vì tại thời điểm năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, theo đánh  giá Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam không phải là quốc gia nằm ở trong vùng dịch. Nên chúng ta không được ưu tiên. 

Khi đến tháng 6/2021, trình tự sản xuất vắc-xin nội không đáp ứng được theo dự kiến của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ vắc-xin để trực tiếp trong giai đoạn trước mắt, từ nay đến hết năm cố gắng bằng tất cả các nguồn ngoại giao nhân dân, ngoại giao chính phủ, qua doanh nghiệp để có thể tiếp cận các nguồn vaccine. 

“Nếu không có vắc-xin, Việt Nam không tự lực được, tất cả các kịch bản kinh tế chúng tôi tham mưu xây dựng nên đều có thể bị phá vỡ”, TS Nguyễn Đức Kiên nói.