Du lịch TP.HCM sẽ bắt đầu quá trình phục hồi với điểm đến Cần Giờ theo mô hình tour khép kín, người dân TP du lịch tại chỗ, sau đó sẽ kết nối với những điểm đến nội ô khác và mở rộng tour đi Vũng Tàu.

Du lịch TP.HCM phác thảo kế hoạch phục hồi - Ảnh 1.
Các sản phẩm về Cần Giờ đang được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ hấp dẫn du khách trong nỗ lực khôi phục du lịch hậu dịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết cùng với Kế hoạch phục hồi kinh tế TP, ngành du lịch TP cũng đang hoàn thiện dự thảo phục hồi hoạt động ngành du lịch TP giai đoạn đến cuối năm 2021 và năm 2022.

Trước mắt, việc mở cửa trở lại của du lịch TP có thể được bắt đầu với điểm đến Cần Giờ, nơi đang kiểm soát dịch rất tốt và đang công tác cho việc đón du khách.

Tour du lịch Cần Giờ sẽ được thiết kế theo dạng tour một cung đường nhưng sẽ từ 2 hoặc 3 điểm đến, kết hợp với các hoạt động ngoài trời gắn với yếu tố truyền thống, khai thác văn hóa bản địa.

"Chúng tôi cũng đã làm việc với các chuyên gia xây dựng tour theo hướng tìm hiểu văn hóa truyền thống, về với thiên nhiên kết hợp yếu tố y học cổ truyền phục hồi sức khoẻ, nghỉ dưỡng trong hành trình tour", bà Hoa phác thảo các dòng tour sẽ được mở ngay sau dịch.

Trong quá trình khôi phục ngành du lịch, TP.HCM cũng xác định lộ trình, giải pháp từng bước đi cùng với Kế hoạch phục kinh tế của TP. Việc tổ chức tour sẽ được thực hiện theo quy trình tổ chức du lịch an toàn, mở dần từng điểm đến và các điểm đến này phải nằm trong "Vùng xanh" theo của Ban chỉ đạo chống dịch TP.

Dự kiến giai đoạn đầu sẽ cho phép loại hình dịch vụ lưu trú hoạt động trở lại trước kèm điều kiện, các loại hình dịch vụ lữ hành, hoạt động tại điểm tham quan du lịch tạm thời chưa đẩy mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng mở cửa cho khách nội địa với kế hoạch từng bước nhỏ, khoanh vùng địa lý, điều kiện cho người đi du lịch hoàn toàn khả thi. Hiện hiệp hội cũng ghi nhận được sự hưởng ứng, nóng lòng được sớm trở lại thị trường của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

"Nếu xuyên biên giới chúng ta có "Hộ chiều vắc xin" thì với thị trường nội địa "Chứng minh nhân dân vắc xin" cũng hoàn toàn phù hợp, cùng với các yếu tố 5K hay 5T", ông Thọ nói.

Theo Sở Du lịch TP tính tháng 7- 2021 đến ngày 30-8-2021, Sở đã phối hợp với Sở Y tế, UBND. TP Thủ Đức và các quận huyện vận động 270 cơ sở lưu trú với khoảng 9927 buồng/phòng để phục vụ đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Ngoài ra cơ quan này cũng đã vận động gần 500 khách sạn đăng ký làm điểm cách lý cho F1với gần 20.000 phòng, trong đó đã có 209 khách sạn với 11.350 phòng đã được thẩm định đủ điều kiện và đang triển khai hoạt động cách ly y tế. Theo ghi nhận công suất sử dụng phòng của các nhóm trên đạt khoảng 50%.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong tháng 8 đầu năm 2021, doanh thu của dịch vụ lưu trú và ăn uống đã giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 35.201 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 3.126 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch, lữ hành ước đạt 2.490 tỷ đồng, chiếm 0,4%, giảm 52,2% so với cùng kỳ năm trước. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đến thời điểm hiện nay thì dự báo các tháng cuối năm 2021, doanh thu của ngành vẫn ở mức rất thấp do với năm trước.

Ngành du lịch TP.HCM dự kiến 3 giai đoạn mở cửa - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ từng bước mở cửa du lịch sau ngày 15-9 - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngành du lịch TP.HCM dự kiến 3 giai đoạn mở cửa

Sở Du lịch TP.HCM vừa xây dựng xong dự thảo 3 giai đoạn khôi phục của ngành du lịch sau ngày 15-9: giai đoạn 1 từ ngày 16-9 đến 30-10, giai đoạn 2 từ ngày 31-10-2021 đến 15-1-2022 và giai đoạn sau ngày 15-1-2022.

Theo đó, TP.HCM sẽ mở dần các cơ sở lưu trú trong thời gian đầu với tiêu chí an toàn khi yêu cầu nhân viên và khách đều phải có "thẻ xanh" (đã tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19).

Tiếp đến sẽ mở cửa các điểm du lịch ngoài trời để phục vụ du khách có "thẻ xanh" và trẻ em có xét nghiệm âm tính. Việc mở cửa hoàn toàn dự kiến sẽ thực hiện sau ngày 15-1-2022. Các bước đi dự kiến trên cũng sẽ tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch thực tế của TP.

Bên cạnh đó, ngành du lịch TP.HCM cũng lên kế hoạch quảng bá, thiết kế nhiều sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình mới, kết hợp với các tỉnh đã kiểm soát dịch để đón khách, tăng cường các hoạt động trực tuyến để khuyến khích khách hàng tham quan, mua sắm…

Song song đó, Sở Du lịch xây dựng bộ tiêu chí an toàn cho từng loại hình cơ sở du lịch để hướng dẫn các cơ sở chuẩn bị hoạt động cho an toàn và phù hợp với tình hình mới.