Căn cứ vào báo cáo của Công ty Acecook Việt Nam, Bộ Công Thương đã có báo cáo, gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 6/9 về vụ việc mì Hảo Hảo có chất Etylen oxit.
Theo tin từ Bộ Công Thương ngày 12/9, vừa qua Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đã chủ động điều tra nguyên nhân nghi vấn chất Etylen oxit (EO) trong mì Hảo Hảo, và đã có báo cáo gửi Bộ này vào ngày 28/8 và 10/9.
Theo đó, Công ty này đã tiến hành rà soát toàn bộ quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào và lấy mẫu một số sản phẩm để tiến hành phân tích đối với chỉ tiêu EO tại đơn vị kiểm nghiệm là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Eurofins Sắc Ký Hải Đăng.
Ngoài ra, theo báo cáo của Công ty Acecook Việt Nam, bước đầu, công ty này đã phát hiện có nhà cung cấp sử dụng EO để khử khuẩn trong một số nguyên liệu và kết quả phân tích nguyên liệu của một số nhà cung cấp cũng phát hiện có chất 2-CE trong sản phẩm.
Tuy nhiên, để có thể xác minh đầy đủ, nghiên cứu triệt để nhằm làm rõ nguyên nhân, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đề nghị tiếp tục cần thêm thời gian.
Căn cứ trên kết quả báo cáo, Bộ Công Thương đã yêu cầu Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tiếp tục tập trung rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng; điều tra, đánh giá chi tiết về chủng loại, thành phần nguyên liệu, quá trình khử khuẩn, nguồn gốc và lượng EO dùng khử khuẩn và tăng cường các biện pháp kiểm soát tương ứng nhằm ngăn chặn việc phơi nhiễm EO của thực phẩm.
Theo Vụ Khoa và Công nghệ, Bộ Công Thương, sau khi có thông tin Ireland thu hồi mì Hảo Hảo vì có chất EO, đơn vị này đã rà soát lại các kết quả kiểm tra, hậu kiểm đã tiến hành từ giai đoạn 2019 đến nay đối với các sản phẩm tương tự của Acecook Việt Nam. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về An toàn thực phẩm. Ngay khi có kết quả, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 6/9.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh và kiểm soát chặt chẽ nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.
Đơn cử, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, rà soát, đánh giá một cách tổng thể, bài bản về những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người đối với những hóa chất mới, đa tính năng có khả năng xuất hiện trong thực phẩm để có biện pháp quản lý kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, triển khai lấy mẫu giám sát chủ động trên diện rộng các sản phẩm chế biến bột nói chung và các sản phẩm mì ăn liền nói riêng tại Việt Nam, bao gồm 3 nhóm chính: nhóm sản phẩm sản xuất trong nước; nhóm sản phẩm nhập khẩu và nhóm sản phẩm xuất khẩu để kiểm nghiệm, đánh giá tính an toàn.
Đồng thời, tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin nhằm đảm bảo hàng hóa đáp ứng yêu cầu trước khi xuất khẩu; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường và chuẩn hóa sản phẩm đầu ra theo yêu cầu từ phía các nước nhập khẩu.