Sau một tuần UBND TP.HCM cho phép dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại theo hình thức bán mang đi. Thế nhưng, nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ và ngay cả các “ông lớn” trong ngành dịch vụ ăn uống vẫn “án binh bất động”.

Ngày 7/9, UBND TP.HCM đã cho phép dịch vụ ăn uống, có giấy phép kinh doanh được hoạt động trở lại từ 6h - 18h hằng ngày, theo hình thức bán hàng mang đi.

Sau 1 tuần quyết định này được ban hành, nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, và ngay cả các “ông lớn” trong ngành dịch vụ ăn uống vẫn “án binh bất động”, nhiều cơ sở vẫn chưa mở cửa trở lại.

Cơ sở kinh doanh nhỏ kêu chi phí đầu vào, phí vận chuyển quá cao

Theo ghi nhận, hiện tại, một số cửa hàng ăn uống đã hoạt động trở lại theo hình thức bán mang đi. Tuy nhiên, giá bán của các suất ăn uống đã tăng thêm 1,5 - 2 lần.

du cho phep hoat dong nhieu co so kinh doanh an uong van nghi choi hinh 1

Nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, và ngay cả các “ông lớn” trong ngành dịch vụ ăn uống vẫn “áng binh bất động”.

Đơn cử, một cửa hàng cơm tấm khá có tiếng tại quận Gò Vấp thông báo, suất cơm sườn miếng đã tăng từ 30.000 đồng/suất lên 50.000 đồng/suất; suất cơm sườn non trứng ốp la, sườn chả tăng từ 50.000 đồng/suất lên 90.000 đồng/suất;...

Tương tự, một cửa hàng phở Bắc tại quận 8 cũng tăng giá 35.000 đồng/suất lên 50.000 đồng/suất. Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Cao Tâm, chủ cửa hàng phở Bắc này cho biết: Hiện nay, nguyên liệu đầu vào, bao gồm như bánh phở, thịt bò, xương ống, đặc biệt là các mặt hàng rau xanh vừa khan hiếm vừa đắt.

Nếu so sánh với giá bán tại thời điểm trước khi giãn cách đã tăng 40% - 80%, tùy loại. Do đó, bắt buộc cửa hàng phải tăng giá bán sản phẩm để có lời.

Ngoài giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, phí vận chuyển hàng hóa, thiếu shipper cũng làm cho các cơ sở kinh doanh “toát mồ hôi hột”, lo sợ mất khách hàng. Ví dụ, tại cửa hàng phở của anh Tâm, một bát phở có giá 50.000 đồng, thế nhưng phí vận chuyển tới khách hàng trong cùng quận, đã lên tới 55.000 đồng.

“Tiền vận chuyển còn cao hơn suất ăn, nên nhiều khi chỉ có khách đặt 1 lần, số lượng nhiều, và rất ít khách đặt lẻ”, ông Tâm nói.

Theo quy định của UBND TP.HCM, dịch vụ ăn uống được mở lại và chỉ bán mang đi thông qua shipper công nghệ. Các cửa hàng phải có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh, hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", người lao động phải tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19.

du cho phep hoat dong nhieu co so kinh doanh an uong van nghi choi hinh 2

Giá bán của các suất ăn uống đã tăng thêm 1,5 - 2 lần.

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện nguyên tắc "4 tự": Tự xây dựng kế hoạch, tự thực hiện, tự xét nghiệm và tự kiểm tra đối với nhân viên của mình. Việc lấy mẫu xét nghiệm được tiến hành với tần suất 3 ngày/lần. Các quy định khá nghiêm ngặt này đã khiến nhiều chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ “nản” và có dự tính tiếp tục “nghỉ ngơi” chờ giai đoạn bình thường mới.

“Ông lớn” trong ngành ẩm thực cũng kêu khó

Trong khi đó, nhiều “ông lớn” trong ngành dịch vụ ăn uống, bán lẻ, khách sạn tại TP.HCM cũng đã có ý kiến gửi tới UBND TP.HCM, trình bày những khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải, tại thời điểm này.

Thứ nhất là giấy đi đường khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng, gây khó khăn và tốn nhiều thời gian.

Thứ hai, các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống đang bị thiếu nguyên vật liệu để sản xuất, kinh doanh, nhà cung cấp không thể giao hàng liên quận, liên tỉnh. Thời gian cho phép bán hàng quá ngắn (đến 18h) trong khi phần lớn nhu cầu ăn uống đa số là vào buổi tối.

Dù không có doanh thu nhưng các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bán lẻ vẫn phải chi trả chi phí mặt bằng, kho bãi, nhân sự, bảo hiểm xã hội

Thứ ba, rất nhiều người lao động đã về chống dịch, nên lực lượng lao động trong ngành đã giảm sút, không đủ đảm bảo cho quá trình vận hành.

Với những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp kiến nghị với lãnh đạo TP.HCM ưu tiên tiêm vắc-xin cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Người lao động được tiêm ít nhất một mũi vaccine có thể đi làm bình thường. 

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đề nghị được chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho nhân viên (tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19) đảm bảo tuân thủ 5K. Doanh nghiệp trong ngành ăn uống mong muốn được tự đi giao hàng và không bị phụ thuộc vào nhân viên giao hàng (shipper) của các ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng ăn uống cũng kiến nghị hàng hóa không nằm trong danh mục cấm lưu thông thì được di chuyển bình thường và cho phép các đơn vị vận tải, nhà xe cung ứng hàng hóa được giao hàng liên tỉnh, liên quận. 

Đồng thời, doanh nghiệp cũng kiến nghị thành phố không hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất để có đủ nguồn cung nguyên vật liệu, kể cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ như bao bì, tem nhãn…