SGGPO - Ngày 2-8, tại Bộ Y tế, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo sở y tế 63 tỉnh thành trong cả nước và sự tham gia của lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2

Lấy mẫu xét nghiệm cho người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2

Quyết liệt và nhanh hơn nữa

Tại buổi giao ban, GS-TS Nguyễn Thanh Long nêu rõ, tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp, nhất là tại Đà Nẵng, khi có một lượng người đi đến rất lớn: Trong một tháng qua (từ ngày 1 tới 29-7), có khoảng 1,4 triệu người tới Đà Nẵng, trong đó khoảng 800.000 người từng đến 3 bệnh viện trên địa bàn. Bộ Y tế đã cử một lực lượng rất lớn vào hỗ trợ Đà Nẵng dập dịch ngay khi phát hiện ra ca bệnh đầu tiên. Đồng thời gửi một loạt công điện chỉ đạo gửi các địa phương, đề nghị tăng tốc truy vết tất cả người đã đến Đà Nẵng và xét nghiệm những người từng đến những điểm Bộ Y tế đã khuyến cáo, nhằm giám sát chặt chẽ. 

Hiện nay, Hà Nội, TPHCM và một số địa phương đang giám sát gắt gao, khẩn trương những người về từ Đà Nẵng. “Nhưng dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước nên các địa phương phải tăng tốc hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt và nhanh hơn nữa” - ông Long nhấn mạnh và đề nghị các địa phương, kể cả chưa có ca nghi nhiễm, hay ca nhiễm, phải chuẩn bị đồng bộ, kỹ lưỡng, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch, để làm sao khi có ca bệnh, phải triển khai ứng phó một cách nhanh nhất, không bị lúng túng.

Liên quan tới công tác xét nghiệm, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, số lượng xét nghiệm đã cao hơn cả thời gian cao điểm nhất trong tháng 4 (thời điểm có lượng xét nghiệm rất lớn) nhưng vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ này vì cần “phải huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất”. Bộ Y tế đã phối hợp Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành hướng dẫn về mặt xét nghiệm, nhằm mong muốn mở rộng xét nghiệm cho các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT). Chúng ta phát hiện ổ dịch sớm chừng nào thì khống chế kiểm soát tốt chừng đó. 

BHYT thanh toán xét nghiệm Covid-19

Cũng liên quan tới công tác xét nghiệm, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết, hướng dẫn mới nhất về thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 đã nêu cụ thể các trường hợp thuộc diện được BHYT thanh toán cụ thể là: người bệnh thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và người nhiễm Covid-19 đang khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị Covid-19 cũng sẽ được bảo hiểm thanh toán. Về giá xét nghiệm, liên bộ đã quy định thực hiện xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng bằng phương pháp Real-time PCR có mức giá là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm. Còn thực hiện xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng bằng phương pháp test nhanh mức giá thanh toán sẽ là 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, Hà Nội có khoảng 72.000 người từ Đà Nẵng về và đã test nhanh hơn 50.000 người. Thống kê bước đầu trong số 600 cơ sở ký hợp đồng với BHXH, có 10 đơn vị có khả năng làm được xét nghiệm PCR, trong đó có 3 bệnh viện tư nhân. Công suất tối đa của tất cả đơn vị trên địa bàn là 3.000 xét nghiệm/ngày. Đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để sàng lọc tiếp những trường hợp trở về từ Đà Nẵng và thông báo danh sách các đơn vị có khả năng cung cấp sinh phẩm xét nghiệm, giá thành, tránh tình trạng mỗi địa phương một giá để các đơn vị tham khảo khi mua sắm.

Trước những kiến nghị của Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chủ động tập huấn về an toàn sinh học cho tất cả đơn vị trên địa bàn, không đợi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, Trung ương không cấp test nhanh mà khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả đơn vị có ký hợp đồng với BHXH trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này. Về vấn đề giá, Hà Nội tự hướng dẫn các đơn vị mua sắm sinh phẩm để xét nghiệm, không mua tập trung. Đối với các địa phương khác cần chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi nhưng phải phực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về vấn đề xét nghiệm, thanh toán chi phí.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đề nghị các địa phương cần thống kê ngay các cơ sở y tế có đủ năng lực xét nghiệm cả PCR và test nhanh để thông báo cho cơ quan BHXH địa phương và cơ quan BHXH nắm được, từ đó chủ động trong việc phối hợp thực hiện.

NGUYỄN QUỐC