Theo ông Vương Đình Huệ, khi được trao cơ chế đặc thù, Thanh Hóa có thể đi đầu thí điểm đề án thuế nhà ở, sau này áp dụng cho Hà Nội, TP HCM.

Gợi ý này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra khi góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hoá, sáng 16/9.

Theo dự thảo nghị quyết, tỉnh Thanh Hoá được đề xuất hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công để đầu tư hạ tầng, kinh tế của tỉnh. Đề xuất này tương tự chính sách đang áp dụng với TP HCM.

Thường trực Ủy ban Tài chính khi thẩm tra đề nghị bổ sung quy định chỉ để lại 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chi phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc trình Quốc hội ban bành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn có đủ cơ sở chính trị và pháp lý. Ông cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo có thể rộng hơn, điều chỉnh cả về tổ chức bộ máy.

Thành phố Thanh Hoá. Ảnh: Lê Hoàng

Chẳng hạn, về tài chính, ông Huệ gợi ý Thanh Hoá nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản (thuế nhà ở) tại khu vực đô thị. Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ông Huệ cho rằng, thuế nhà chỉ phát huy tốt nếu áp dụng ở địa phương cụ thể, chứ không nên triển khai cả nước, vì số thu thuế không lớn (khoảng 2.500 tỷ đồng) nhưng chi phí để thu thuế rất tốn kém.

"Thuế nhà chỉ nên áp dụng thí điểm cho chính quyền đô thị lớn. Thanh Hoá nên nghiên cứu thí điểm chính sách này ở khu vực đô thị để có thêm nguồn thu", ông gợi ý.

Nếu Thanh Hoá thí điểm thành công áp dụng thuế nhà ở, sau này có thể nghiên cứu áp dụng cho Hà Nội, TP HCM.

Theo các chuyên gia, nếu áp dụng thuế tài sản sẽ là công cụ hữu hiệu để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, nhưng đòi hỏi dữ liệu thị trường phải thật chuẩn xác. Đây là loại thuế đánh trực tiếp lên người sở hữu bất động sản chứ không phải thuế chuyển nhượng bất động sản, nên sẽ hạn chế được đầu cơ vào thị trường này và lo ngại tăng giá bất động sản khi thêm thuế này khó xảy ra.

Năm 2017, Chính phủ từng đề xuất thí điểm thuế tài sản (nhà ở) tại TP HCM khi xin cơ chế đặc thù cho địa phương này, song vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, nên chính sách này không được thực hiện.

Năm 2018, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản trình Chính phủ với mục tiêu điều tiết nhóm có thu nhập cao, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất và chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công, nhà đất công. Tuy nhiên, chính sách này sau đó không được cấp thẩm quyền phê duyệt và đặc biệt, nhận được nhiều phản đối từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật này nếu ban hành, khó đạt mục tiêu điều tiết thu nhập của người nhiều nhà ở mà lại ảnh hưởng tới người nghèo, người chỉ có một căn nhà.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Tài chính ngân sách tiếp thu, cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới.