Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề xuất giai đoạn tới, cần tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật trong các lĩnh vực phòng chống Covid-19 và khắc phục hậu quả đại dịch; chú trọng tháo gỡ những điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ số; tiếp tục hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy nhà nước.
Quảng Ninh nêu một số kinh nghiệm vận dụng thể chế pháp luật để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, như Quảng Ninh đã thuê tư vấn nước ngoài lập các quy hoạch chiến lược trên tinh thần có quy hoạch tốt thì sẽ có dự án tốt, nhà đầu tư tốt, đây là yếu tố đột phá để thu hút các nguồn lực; chủ động đề xuất với các cơ quan Trung ương các cơ chế thí điểm đột phá thông qua các đề án lớn; xây dựng và vận dụng sáng tạo các hình thức hợp tác công tư trong đầu tư hạ tầng. Nhờ đó những năm gần đây, Quảng Ninh đã huy động nguồn vốn khoảng 47.000 tỷ đồng, trong đó cứ 1 đồng ngân sách đầu bỏ ra có thể huy động được 8 đến 9 đồng ngoài ngân sách…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, từ Đại hội XI của Đảng, xây dựng và hoàn thiện thể chế đã được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Do đó, các bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh thành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát, giải quyết các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong rà soát, xây dựng thể chế. Mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, phải quan tâm lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, người dân và doanh nghiệp phải được tham gia.
Bên cạnh đó, trong tổ chức thi hành pháp luật, phải quán triệt tận cơ sở, tới người dân, doanh nghiệp, tới đối tượng điều chỉnh. Tổ chức thực hiện phải quan tâm tới cơ sở, nơi gần dân nhất, sát dân nhất, biết dân nhất, sống với dân, cùng làm với dân, tiếp xúc trực tiếp nhất, nhiều nhất với dân. Đơn cử như vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế có ngay hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, rõ ràng về công tác xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19 tới tận xã phường, tránh tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu.
Thủ tướng nêu rõ, không có quy định luật pháp nào phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Có những quy định vừa ban hành hôm trước là đúng nhưng hôm sau không còn phù hợp do tình hình thay đổi, trong khi quy trình sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật không thể làm ngay. Do đó, trong tổ chức thực thi pháp luật phải nắm chắc nguyên lý cơ bản, vận dụng sáng tạo, linh hoạt để vừa không vi phạm, vừa phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế, trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân là trên hết, trước hết, nếu vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì phải xử lý.