Ngày 16-9, lãnh đạo 3 nước Mỹ, Anh và Australia thông báo thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tên gọi là AUKUS.

Chia sẻ khả năng quốc phòng

Phát biểu về AUKUS, Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ: Tất cả chúng tôi đều nhận thấy sự cấp thiết của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong dài hạn. Các nước sẽ cập nhật và nâng cao khả năng chung để đối phó với các mối đe dọa an ninh của thế kỷ 21, giống như những gì chúng ta đã làm trong thế kỷ 20. Liên minh an ninh mới giúp ba bên có thể chia sẻ khả năng quốc phòng cùng nhau.

Theo cơ chế hợp tác mới này, Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân nhưng không được trang bị vũ khí hạt nhân, giúp nước này cải thiện năng lực tác chiến trong khu vực. Thỏa thuận đưa Australia trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có tàu ngầm hạt nhân.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết các tàu ngầm sẽ được đóng tại Adelaide với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh, đồng thời khẳng định Australia sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi đây là một quyết định quan trọng đối với Australia vì có cơ hội sở hữu công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân, vốn là một trong những dự án phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất trên thế giới.

Tuyên bố chung của 3 nhà lãnh đạo đều khẳng định, việc thành lập liên minh không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. AUKUS sẽ đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin và công nghệ, hợp tác trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, không gian mạng, cũng như thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng. 

Xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ 

Theo giới quan sát, đây là quyết định mang tính lịch sử, phản ánh quyết tâm của chính phủ Tổng thống Joe Biden trong việc xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn để duy trì hòa bình và ổn định trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mối quan hệ hợp tác mới cũng diễn ra vào thời điểm thích hợp đối với ông Joe Biden.

 Liên minh AUKUS: Đối phó với các mối đe dọa an ninh ảnh 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden, tại buổi thông báo lập AUKUS

Việc Tổng thống Joe Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan và sự sụp đổ sau đó của chính phủ nước này đã khiến nhiều đồng minh lo ngại về độ tin cậy của Mỹ. Trên lý thuyết, việc rút quân là một phần trong quá trình tái định hướng các nguồn lực ngoại giao và quân sự của Mỹ sang châu Á, nhưng thực tế, nhiều đồng minh đã tỏ ra nghi ngờ.

Ông Ashley Townshend, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ (USSC) tại Đại học Sydney, nhận định, việc ông Joe Biden sẵn sàng chia sẻ công nghệ quốc phòng tiên tiến, điều Mỹ hiếm khi làm, tuy khá bất ngờ nhưng lại đáng hoan nghênh vì đây là cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn đối với phòng thủ tập thể.

Được thành lập trong bối cảnh căng thẳng leo thang, nhất là về vấn đề Biển Đông, nên cũng có ý kiến cho rằng, AUKUS ra đời nhằm đối phó các động thái mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. 

Ngay sau khi AUKUS được công bố, Thủ tướng Australia Morrison xác nhận sẽ chấm dứt thỏa thuận tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD với Pháp. Nhà thầu quốc phòng Naval Group của Pháp đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định trên của Australia bởi tuyên bố của Thủ tướng Morrison có nguy cơ làm tiêu tan hợp đồng trị giá hàng tỷ EUR của Naval Group với Australia về việc đóng mới 12 tàu ngầm tối tân thuộc lớp Attack.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian lấy làm tiếc vì quyết định trên, đồng thời cho rằng việc Mỹ quyết định gạt một đối tác và là đồng minh châu Âu như Pháp ra khỏi quan hệ đối tác với Australia tại thời điểm có nhiều thách thức như hiện nay là chưa có trong tiền lệ, cho thấy sự thiếu chặt chẽ trong việc hợp tác giữa các bên.