Để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, nông sản Việt cần phải có “visa” bảo chứng cho chất lượng và phải chính danh. Để làm được đòi hỏi doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi công nghệ không chỉ trong chế biến mà còn cả khâu canh tác.

Nhiều diện tích xoài ở Đồng Tháp trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng trồng. Ảnh: HUỲNH LỢI

Nhiều diện tích xoài ở Đồng Tháp trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng trồng. Ảnh: HUỲNH LỢI

Chất lượng đảm bảo, dễ thông quan

Bộ Công thương vừa phát đi thông báo khẩn đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu phải chuyển nhanh, mạnh hoạt động xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch tới thị trường Trung Quốc để được thông quan nhanh hơn. Lý giải cho quyết định này, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý cửa khẩu Trung Quốc và Việt Nam đều phải tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh. Dù cơ bản vẫn duy trì được tiến độ thông quan, nhưng khó đảm bảo được như trước đây. Vì thế, để tránh nguy cơ tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc, doanh nghiệp cần chuyển nhanh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang chính ngạch.

Cụ thể, doanh nghiệp mua bán theo hợp đồng, có người nhận và các điều kiện giao hàng rõ ràng. Hàng hóa đảm bảo quy cách chất lượng, bao bì theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Riêng với hàng hóa xuất khẩu là nông sản, phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng. Các điều kiện này giúp công tác thông quan nhanh hơn.

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, ông Lê Đức Huy, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, các mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu chính của nước ta rất đa dạng, như: tiêu xanh, đỏ, trắng đen, tiêu ngâm giấm… Hiện hồ tiêu Việt Nam đã có mặt tại 110 quốc gia trên thế giới. Riêng 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu ước đạt trên 197.000 tấn, trị giá 654,6 triệu USD, giảm 2,3% về lượng, nhưng tăng 47,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thị trường châu Mỹ chiếm 21%, châu Âu chiếm 20%, châu Á chiếm 50%, còn lại là thị trường khác. 

Tuy nhiên, để có thể tăng thị phần xuất khẩu cũng như giá trị hồ tiêu Việt Nam, cần chuẩn hóa quy trình trồng trọt theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và tăng cường chế biến, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như dầu tiêu...

Bên cạnh đó, tùy thị trường nhập khẩu sẽ có những quy định khác nhau, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động đáp ứng. Ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu LTP (Hà Lan) cho biết, kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu nói riêng và nông sản vào 23 nước tại thị trường châu Âu cho thấy, có đến 75% sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu đòi hỏi phải đạt GlobalGAP, 25% còn lại sẽ theo tiêu chuẩn riêng của các đối tác. Do vậy, để giảm rủi ro, doanh nghiệp cần bắt tay với nông hộ, hợp tác xã ngay từ khâu trồng trọt. Cao hơn, doanh nghiệp cần chuẩn hóa truy trình trồng trọt cho nông hộ, hợp tác xã và ký kết hợp đồng bao tiêu theo chuẩn của đối tác. Đây là giải pháp an toàn nhất trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu đang thắt chặt rào cản kỹ thuật.

Chính danh để đi đường dài

Để tăng khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam, ngoài chất lượng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, cần thiết phải xây dựng thương hiệu quốc gia có đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý. Điều này đã được minh chứng khá rõ nét thông qua hàng loạt nông sản như: nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang, xoài cát chu, vú sữa Hoàng Kim... Những nông sản trên hiện đang có giá bán khoảng 500.000 đồng/kg tại nhiều thị trường xuất khẩu khó tính như Anh, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore… (mức giá rất cao so với sản phẩm trồng không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không có thương hiệu).

Ông Phạm Văn Hiển thông tin, hiện LTP đang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hồ tiêu nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng liên quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Còn ở khía cạnh giao dịch thương mại, ông Trần Trọng Kim, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ả-rập Xê-út chia sẻ thêm, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị lừa. Phổ biến nhất là xuất khẩu xong nhưng không tìm được đối tác để thu hồi công nợ, mất tiền do làm việc qua công ty môi giới xuất khẩu không uy tín… Để tránh những rủi ro này, doanh nghiệp cần kết nối trực tiếp với doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối hàng hóa tại thị trường đó. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần yêu cầu ký hợp đồng rõ ràng, có đặt cọc hoặc thanh toán ứng trước chi phí cho lô hàng cần xuất khẩu. Doanh nghiệp nếu có nghi ngờ về tính xác thực của đối tác nhập khẩu thì nên liên hệ với các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để xác thực.