Tác nghiệp trong mùa dịch tạo ra thử thách cho mỗi nhà báo, phóng viên. Nhưng vượt qua mọi hoàn cảnh ngặt nghèo, nỗi sợ về nguy cơ có thể lây nhiễm, người làm báo vẫn luôn có suy nghĩ tích cực để mang đến những thông điệp quý giá đến công chúng.
Đăng tin sớm không bằng đưa thông tin chính xác
Nhà báo Ánh Nguyệt, Ban Thời sự - Đài Phát thanh & Truyền hình (PTTH) Hà Nội có hơn 10 năm làm báo, chuyên theo dõi các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thời sự nội chính, trong đó có rất nhiều lần đưa tin về các vụ việc về an ninh trật tự, giao thông, đô thị, sự cố cháy nổ đột xuất… Nhờ có thời gian công tác ở mảng này đã giúp chị có thêm kiến thức để bảo vệ mình trong thời gian tác nghiệp ở những khu vực nhạy cảm mùa dịch.
Tuy nhiên với những diễn biến khó lường, tác nghiệp mùa dịch tiềm ẩn nguy cơ rất cao, đối với những nữ phóng viên thường kèm theo nỗi sợ. Mặc dù trong quá trình làm việc họ luôn nhận được sự hỗ trợ về trang, thiết bị, bảo hộ, nhưng đến khu vực có rất nhiều F0, F1 để ghi hình phỏng vấn vẫn có nguy cơ rủi ro khó lường, vì vậy điều khó khăn lớn nhất là phải vượt qua nỗi sợ trong mỗi người.
Vừa qua nhà báo Ánh Nguyệt tác nghiệp tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, nơi có ổ dịch lớn của thành phố, để cập nhật thông tin có ngày chị dành phần lớn thời gian tác nghiệp ở đây.
Đêm 1/9, khi các lực lượng chức năng của TP. Hà Nội tổ chức di dời khoảng hơn 100 người dân ngày đầu tiên ở khu vực này đi cách ly tập trung, chị đã có mặt với đầy đủ đồ bảo hộ, dẫn hiện trường trực tiếp tại một con ngõ nhỏ. Lúc này có nhiều gia đình mặc đồ bảo hộ kín mít cùng nhiều đồ đạc đi qua.
Nhà báo Ánh Nguyệt chia sẻ: Đứng gần nhiều người đang đi cách ly ở một ổ dịch, đây là tình huống hơi bất ngờ, nhưng tôi nghĩ mình phải cố gắng vượt qua được vấn đề về tâm lý. Tôi hiểu rằng đưa tin thời sự rất quan trọng, làm sao truyền tải thông tin chân thật, khách quan nhất cho khán giả. Mùa dịch có rất nhiều thông tin khác nhau được đăng tải, nhưng những thông tin từ hiện trường bao giờ cũng đầy đủ và khách quan hơn.
Thực tế cho thấy vấn đề cạnh tranh thông tin vẫn luôn hiện hữu trong lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên đã có trường hợp báo chí vì chạy theo thông tin giật gân, nóng vội, đăng thông tin chưa được kiểm chứng, không rõ nguồn gây ra hậu quả lớn. Đã có một số báo vì đăng tải thông tin vội vã, không kiểm chứng đã bị xử phạt.
“Đối với bệnh dịch mình nên cẩn trọng hơn. Cố gắng để có thông tin sớm nhất, nhưng trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, việc đăng tin sớm sẽ không quan trọng bằng việc mình phải đưa thông tin chính xác nhất”, Ánh Nguyệt chia sẻ thêm.
Sống trong "vùng đỏ" nhưng tinh thần phải "xanh"
Làm thời sự, nhà báo Ánh Nguyệt luôn chuẩn bị tâm lý lên đường bất cứ khi nào, đến bất cứ đâu, từ chợ dân sinh, khu vực phong tỏa, chốt kiểm soát dịch, đến khu điều trị... Nỗi lo lắng cho gia đình ở quê là thường trực, nên hơn 1 năm tác nghiệp ở tâm dịch là từng ấy thời gian chị cũng không về quê thăm bố mẹ, thay vào đó là những cuộc điện thoại vội vàng. Đi nhiều điểm nóng nên chị sợ nhất khi về tới nhà với người thân lại nhận được thông báo là nơi mình vừa tác nghiệp trước đó có ca nhiễm.
Sống trong những ngày giãn cách sẽ có nhiều khó khăn, tâm lý chung của nhiều người có tâm lý buồn chán, bí bách. Chính vì thế chị có xu hướng chọn đề tài mang tính tích cực, kể cả những ngày thông tin không được mấy khả quan về dịch bệnh (số ca tăng)...
Theo chị Ánh Nguyệt: “Kèm theo thông tin về thực hiện giãn cách của thành phố, thường có nhiều thông tin giả, tiêu cực trên mạng xã hội làm người dân vẫn hoang mang lo lắng. Mọi người sống trong thời gian giãn cách lâu rồi nên tâm lý ai cũng sẽ cảm thấy chán nản. Nhưng người làm báo cần phải thông tin cả hai chiều, tuyên truyền với tinh thần tất cả bộ máy, chính quyền các cấp đang cố gắng từng giờ, để triển khai những giải pháp tốt nhất có thể cho người dân. Vì vậy tôi luôn tìm thông tin ở khía cạch tích cực nhất”.
Trong suốt thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhà báo Ánh Nguyệt dành nhiều tin, phóng sự về chỉ đạo của các cấp chính quyền đồng thời chị cũng có nhiều phóng sự về những cống hiến thầm lặng.
Đó là công việc của các thầy cô, từ việc cố gắng tổ chức khai giảng trực tuyến đến những khó khăn hàng ngày khi chuyển sang hình thức dạy online. Hay phóng sự về một số chiến sỹ công an viên mới ra trường, lập gia đình, có em bé mới 1 tháng tuổi nhưng đã nhiều tháng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch không về thăm gia đình được…
“Trong mỗi phóng sự, mỗi bản tin tôi luôn nghĩ làm sao tuyên truyền để người dân đồng thuận, cùng chung tay vượt qua khó khăn, có thể mình đang sống trong vùng đỏ thì tinh thần của mình cũng phải xanh. Khi mình có suy nghĩ tích cực hơn mình cũng sẽ truyền tải được điều ấy cho mọi người bằng những tác phẩm”, chị Ánh Nguyệt tâm sự.
Tiếp tục rèn luyện những kỹ năng nghề
Trong hành trình 10 năm làm truyền hình, Nguyệt luôn tâm niệm làm sao để có sản phẩm truyền hình tốt nhất. Khán giả không chỉ được xem thông tin sớm, hấp dẫn mà hình ảnh đó còn chỉn chu, sắc nét, sống động nhất.
Trong đợt dịch lần này, người dân phải ở nhà không có khả năng tiếp cận thông tin hình ảnh ở khu vực có nguy cơ cao, nhưng riêng bản thân những người làm truyền hình lại có điều kiện được vào khu vực đó, được chứng kiến cận cảnh, đó là cơ hội không phải ai cũng có được. Điều đó thôi thúc chị và đồng nghiệp phải sử dụng những kỹ năng, kinh nghiệm của mình để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc thu thập thông tin, hình ảnh.
Để đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh, sau khi đi tác nghiệp thực tế xong chị dành phần lớn thời gian để dựng phóng sự ở nhà, dựng hình, thu âm… có tác phẩm truyền hình hoàn chỉnh sẽ gửi lên cơ quan. Vừa để đảm bảo an toàn, tạo tâm lý yên tâm cho đồng nghiệp và cho chính mình.
Có vô vàn khó khăn khi tác nghiệp mùa dịch, nhưng với nhà báo Ánh Nguyệt đây cũng là cơ hội để chị rèn luyện thêm nâng cao những kỹ năng nghề, kỹ năng đảm bảo an toàn khi tác nghiệp. Làm sao giữ được tinh thần và thể chất thỏa mái nhất để “chiến đấu”.
Chị Ánh Nguyệt chia sẻ: “Mùa dịch tạo ra những khó khăn chung, nhưng nghề báo là nghề dẫn dắt dư luận vì thế hãy hướng mọi người tới những vấn đề tích cực, thay vì ca thán, buồn chán thì nên tuân thủ các quy định và bảo vệ bản thân, gia đình mình. Thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành y tế, của thành phố. Mỗi người chỉ cần làm tốt những điều nhỏ nhoi đó là đã góp phần tạo nên chiến thắng của cuộc chiến chống dịch”.
Có thể nói, trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, nhà báo Ánh Nguyệt cùng nhiều đồng nghiệp đang tác nghiệp ở những vùng tâm dịch đã vượt qua mọi khó khăn, luôn giữ niềm lạc quan, niềm tin vào những điều tốt đẹp ở phía trước. Và mỗi người làm báo đang ngày đêm cố gắng đồng sức đồng lòng cùng các lực lượng ở tuyến đầu, đấu tranh và chiến đấu cho ngày chiến thắng đến gần.