PNO - "Chỉ một số địa phương có dịch mà dừng cả kỳ thi thì có đúng không?", Thủ tướng Chính phủ băn khoăn, đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành nêu ý kiến.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều 2/8, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đề xuất phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới thành 2 đợt.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay cơ bản công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT đã sẵn sàng, từ ban hành quy chế, giao các đề thi đến các địa phương và đang tổ chức in sao, đến công tác tổ chức tập huấn, giám sát, coi thi đã được triển khai. Lãnh đạo các địa phương cũng đã thành lập các ban chỉ đạo và hội đồng thi.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch phức tạp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, bộ có phương châm là tổ chức kỳ thi an toàn nhưng đảm bảo chất lượng. Hai địa phương là Đà Nẵng và Quảng Nam có đề nghị trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, dừng thi để tổ chức thi muộn hơn, trường hợp dịch kéo dài thì có thể xin đặc cách xét tốt nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau khi đã cân nhắc các phương án, Bộ GD-ĐT đưa ra quan điểm là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT làm hai đợt.

Đợt 1: Những tỉnh, thành không nằm trong diện nguy cơ cao thì thực hiện thi theo kế hoạch.

Đợt 2: Những địa phương nguy cơ cao, như Đà Nẵng, Quảng Nam thì tổ chức thi khi sau. Những em học sinh có nguy cơ nhiễm COVID-19 (thuộc diện F1, F2) chưa thể thi đợt 1 thì thi cùng đợt với các tỉnh có nguy cơ cao.  

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến về công tác rà soát, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THTP năm 2020, ông Lê Trung Chinh - Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 - cho biết: Thời gian qua, Đà Nẵng triển khai đầy đủ chủ trương về kỳ thi đến tất cả học sinh, phụ huynh và xã hội cũng như những quy định mới nhất của Bộ GD-ĐT về kỳ thi trong bối cảnh dịch như hiện nay.

Tuy nhiên, Đà Nẵng là địa phương bị nặng nhất trong lần COVID-19 tái bùng phát này; trên địa bàn, một số khu vực đã phong tỏa. Thành phố đã chuẩn bị các phương án theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT nhưng hiện nay tâm lý chung của phụ huynh, học sinh và xã hội chưa thật sự yên tâm về tình hình dịch bệnh. 

Còn ông Trần Văn Tân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam  cũng bày tỏ lo lắng vì đây là địa phương láng giềng Đà Nẵng có nhiều ca bệnh và nguy cơ lây lan còn rất lớn. Ông Tân đề xuất 3 phương án. Thứ nhất, sẽ tiếp tục chuẩn bị mọi mặt và theo sát diễn biến dịch đến hết ngày 7-8 (trước khi thi 2 ngày). 

Nếu tình hình có thể đảm bảo an toàn thì sẽ tổ chức thi như dự kiến. Thứ hai, thí sinh Quảng Nam sẽ lùi lịch thi muộn hơn các địa phương khác và sử dụng đề thi dự phòng. Thứ ba, giống Đà Nẵng, thí sinh Quảng Nam sẽ không thi, được xét đặc cách tốt nghiệp THPT.

Theo ông Tân, Quảng Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi, cả phương án phân nhóm thí sinh, chuẩn bị phòng thi cách ly, lực lượng dự phòng. Nhưng do không lường được diễn biến của dịch nên cần có nhiều phương án để tránh mạo hiểm.