Theo tiến sĩ Phan Tân, việc chuyển hướng chống dịch đang theo phương châm: "Sống chung với dịch", "không thể Zero F0", "nhỏ - nhanh - cơ động", "chống dịch theo điểm thay vì theo vùng địa lý”… là rất cần thiết.
Hiện nay, qua theo dõi về chỉ đạo công tác phòng chống dịch cho thấy có sự thay đổi cơ bản trong chỉ đạo phòng, chống dịch theo hướng “nhỏ - nhanh- cơ động”. Quan điểm khoanh nhỏ, diệt nhanh, triệt để, thả nhanh hay như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói là “chia nhỏ vùng dịch, tập trung làm sạch từ những “tế bào” nhỏ nhất”... đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Xung quanh sự thay đổi về thay đổi cơ bản trong chỉ đạo chống dịch như trên, phóng viên báo Nhà báo & Công luân đã có trao đổi với tiến sĩ Phan Tân, công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Ông bình luận như thế nào về sự thay đổi trong chiến lược chống dịch COVID-19 theo hướng “nhỏ-nhanh-cơ động”. Đâu là nguyên nhân của sự thay đổi này thưa ông?
Tiến sĩ Phan Tân: Sau 3 đợt dịch trong năm 2020 và giao thời năm 2020-2021, chúng ta đã phòng chống dịch thành công theo phương châm: "bao vây chặt, tiêu diệt gọn", dùng toàn lực của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương/cơ sở theo mệnh lệnh hành chính; và chúng ta đã thành công.
Cơ chế lây lan của virus COVID-19 thể gốc ban đầu là chậm, có chu kỳ triệu chứng tối đa 14 ngày. Nhưng trong đợt dịch thứ tư, với biến thể Delta, có cơ chế lây lan nhanh, thích nghi, biến đổi liên tục, chu kỳ có triệu chứng bệnh có thể kéo dài... mà chúng ta vẫn áp dụng phương châm "bao vây, tiêu diệt", "bóc tách F0", "Zero F0"... dẫn đến phải chịu nhiều tổn thất.
Sau tất cả những gì vừa xảy ra, chúng ta đã có căn cứ vào các bằng chứng khoa học, rút kinh nghiệm từ các quốc gia đã trải qua và từ chính thực tiễn trong nước để có chỉ đạo đúng; chuyển hướng theo phương châm: "Sống chung với dịch", "không thể Zero F0", "nhỏ - nhanh - cơ động", "chống dịch theo điểm thay vì theo vùng địa lý"...
Tuy duy này thực tế đã được Thủ tướng Chính phủ phát biểu lần đầu tiên tại Cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 cách đây đúng 20 ngày (ngày 29/8), từ chính thực tiễn đi thị sát của Thủ tướng.
Tôi cho rằng đây là bước chuyển quan trọng trong cuộc chiến phòng, chống dịch và cũng tin rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều tin vui trong công tác phòng, chống dịch.
Để thực hiện tốt chiến lược như trên thành công, theo ông cần giải pháp gì, triển khai như thế nào?
Tiến sĩ Phan Tân: Thứ nhất, về cách ly, phong tỏa: trước hết là về vấn đề nhận thức; phải thống nhất được nhận thức từ trên xuống dưới trong đội ngũ cán bộ tham gia phòng, chống dịch.
Bởi hiện tại như tôi biết, rất nhiều cán bộ có trách nhiệm các cấp vẫn chưa hiểu cơ chế lây lan của dịch, vẫn muốn dùng quyền lực/mệnh lệnh hành chính để phong tỏa, để cách ly bất cứ đâu khi phát hiện có dịch, phong tỏa, cách ly vô tội vạ.
Việc cách ly, phong tỏa với dịch là tốt nhưng chúng ta cần hạn chế khoanh vùng đến mức nhỏ nhất có thể (căn nhà, căn hộ, khu tập thể, phân xưởng sản xuất, văn phòng...), không ảnh hưởng đến hoạt động sống của các cư dân không liên quan ở xung quanh.
Trong giải pháp này, việc điều trị bệnh cũng vậy, hiện tại như Tp Hồ Chí Minh cho F1 tự cách ly ở nhà, thậm chí cả F0 cũng ở nhà bởi sự quá tải, còn hầu hết các địa phương khác F0, F1 đều phải đưa đi cách ly, vừa tạo nguy cơ lây nhiễm chéo, vừa hao tốn nguồn lực.
Như trước đây tôi đã từng kiến nghị, để cho F1 tự cách ly tại nhà, thậm chí F0 không triệu chứng cũng được cách ly tại nhà, có hướng dẫn của cán bộ y tế và nhất là được sự chăm sóc của người thân, tránh những cái chết đáng không đáng có do thiếu sự chăm sóc. Nhà nào không đủ điều kiện không gian thì chính quyền tổ chức đưa đi cách ly tập trung.
Thứ hai, về xét nghiệm: Công việc xét nghiệm cũng vậy, xét nghiệm để phòng chữa bệnh là TỐT, là CẦN THIẾT, nhưng chỉ xét nghiệm với những người trong phạm vi điều tra dịch tể F1, F2, F3..., còn những cư dân không liên quan thì cần phải dừng ngay để tiết kiệm nguồn lực, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, tránh nỗi ám ảnh "ngoáy mũi" cho mọi người dân.
Thứ ba, về Vaccine: tiêm vaccine để lựa chọn miễn dịch cộng đồng - đây là giải pháp ai cũng mong muốn. Chính phủ cũng đang nổ lực hết sức để phủ kín vaccine.
Tôi rất hy vọng có được "vaccine nội", nhưng NanoCovax của Công ty Nanogen dường như vẫn còn độ trễ lớn.
Thứ tư, về nguyên tắc 5K. Chúng ta nên hiểu rằng, tiêm đủ vaccine là để giảm nguy cơ phát bệnh và nguy cở tử vong. Tiêm vaccine vẫn có thể lây nhiễm virus, mang virus lây cho người khác.
Do vậy, chính quyền cần có biện pháp mạnh, có chế tài nghiêm khắc cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào không tuân thủ nguyên tắc 5K trong công tác phòng, chống dịch hiện nay.
Nếu chúng ta thực hiện tốt chiến lược này tác động của nó đến đời sống xã hội và nền kinh tế như thế nào thưa ông?
Tiến sĩ Phan Tân: Tôi tin rằng với đổi hướng chiến lược như trên, chúng ta sẽ sớm thành công trong công tác phòng, chống dịch.
Nhưng thành công lớn nhất là sự trở lại hoạt động của nền kinh tế sau cả thời kỳ dài "nằm im" hay nói chính xác là "duy trì để tồn tại dưới mức tối thiểu".
Cho nên, "sống chung với dịch", chấp nhận có F0 trong cộng đồng, phòng, chống dịch theo phương châm "nhỏ-nhanh-cơ động", bỏ giãn cách xã hội sẽ khởi động được nền kinh tế, cứu được các doanh nghiệp đang khó khăn, giữ chân được các nhà đầu tư.
Các hoạt động kinh tế từ doanh nghiệp, các dịch vụ du lịch, văn hóa, các nhà hàng, khách sạn... được mở cửa trở lại thì chúng ta có nhiều hy vọng cho chỉ số kinh tế 3 tháng cuối năm và năm 2022.