Ngày 18/9, tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng – Bộ Y tế tổ chức tọa đàm trực tuyến “Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch Covid-19”.

Dự tọa đàm có Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà báo Lê Quốc Trung - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Ông Tống Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Đặng Khắc Lợi , Phó Cục Trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam;... cùng lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, đại diện Bộ Y tế, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo cả nước, các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia tọa đàm, lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan Trung ương Hội..

Chủ trì tọa đàm trực tuyến

 Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Truyền thông & Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế và PGS,TS. Nguyễn Thành Lợi – Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo chủ trì tọa đàm.

Tọa đàm trực tuyến được thực hiện tại trụ sở Truyền hình HiTV- Truyền hình Cáp Hà Nội, đầu cầu một số cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo trên cả nước

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Hồ Quang Lợi,Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Trong 20 tháng qua, đại dịch COVID-19 đã nhiều lần tấn công chúng ta, trong đó nghiêm trọng nhất là đợt dịch thứ tư, đã và đang gây ra những tổn thất rất nặng nề ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", sức khoẻ nhân dân là trên hết và trước hết, chúng ta đang dồn sức, từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Đó là thắng lợi của tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm cao, sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn quân toàn dân trên mọi lĩnh vực, trong đó có đóng góp rất quan trọng của lực lượng báo chí, truyền thông cả nước.

"Chúng ta vô cùng cảm động khi theo dõi những phóng sự của nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt, phim tài liệu Ranh giới của VTV mới thực hiện, đã làm lay động hàng triệu trái tim. Qua các tác phẩm báo chí, nhân dân cả nước cảm thấu sự vất vả, hy sinh của đội ngũ y bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch, giành giật mạng sống cho từng người dân, đồng thời cũng thấy được tinh thần dấn thân, cống hiến của đội ngũ những nhà báo, họ đã đồng hành, sát cánh bên những y bác sỹ, bên những người bệnh để có những thước phim, tư liệu chân thực nhất về cuộc chiến sinh tử chống Covid -19. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, đã ngời sáng tinh thần quả cảm, đức hy sinh và lòng thương yêu con người"…Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.

Hàng nghìn lượt truy cập trên Facebook theo dõi tọa đàm

Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng đánh giá cao sáng kiến và những nỗ lực hợp tác giữa Tạp chí Người Làm Báo với Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng – Bộ Y tế trong việc tổ chức Toạ đàm trực tuyến  “Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch Covid-19”. Toạ đàm này nhằm kịp thời động viên, khích lệ đội ngũ những người làm báo ngày đêm dấn thân vào tuyến đầu chống dịch để có những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất về trận chiến chống dịch Covid-19. Đây là cơ hội để các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ vai trò quan trọng và hiệu quả to lớn của báo chí, truyền thông trong công tác phòng, chống dịch Coivd -19; các biện pháp tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa báo chí và doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đề xuất một số kiến nghị để báo chí vượt qua khó khăn, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19, khôi phục phát triển kinh tế -xã hội, đưa đất nước vào trạng thái “bình thường mới”.

Các đại biểu dự tọa đàm trực tuyến

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi cho biết, từ khi dịch Covid -19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo đã liên tục cập nhật thông tin, đưa tin một cách nhanh nhất những thông tin liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 cho người dân.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, không thể không nhắc đến vai trò chủ lực của báo chí trên mặt trận thông tin, tuyên truyền. Nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn xông pha vào “tâm dịch” để đưa tin.  Các tòa soạn báo chí, các đài phát thanh - truyền hình cũng đã trải qua những ngày tháng làm việc xuyên đêm, xuất bản nhiều chuyên trang, chuyên mục, ấn phẩm tuyên truyền riêng về dịch bệnh Covid-19, để có được những bản tin cập nhật về dịch bệnh nhanh chóng, chân thực và chính xác nhất đến với bạn đọc.

Nhà báo Trần Trọng Dũng - Ủy viên Ban thường vụ HNBVN, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM phát biểu

Phát biểu tại tọa đàm, Nhà báo Trần Trọng Dũng - Ủy viên Ban thường vụ HNBVN, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM đã nhấn mạnh vai trò của báo chí truyền thông đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, những đóng góp của các cơ quan báo chí và cấp Hội Nhà báo trong phòng chống dịch Covid-19.

Nhà báo Nguyễn Quang Thông - Tổng Biên tập Báo Thanh niên phát biểu từ điểm cầu TPHCM

Nhà báo Nguyễn Quang Thông - Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam – Tổng biên tập Báo Thanh Niên đã khái quát những khó khăn, thách thức và kinh nghiệm của Báo Thanh Niên trong việc thông tin về đại dịch Covid-19, đồng thời đề xuất một số giải pháp, cũng như kiến nghị trong thời gian tới để báo chí tiếp tục phát huy vai trò và thế mạnh trong công tác tuyên truyền phòng chống đại dịch Covd-19.

Nhà báo Lý Việt Trung - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM chia sẻ những hoạt động của Báo Phụ nữ TPHCM trong đại dịch Covid-19. Đặc biệt, nhà báo Lý Việt Trung nhấn mạnh những khó khăn của phụ nữ trong gia đình khi phải giãn cách xã hội. Những  hình ảnh xúc động của các nữ bác sĩ tuyến đầu, những nữ cán bộ cơ sở tận tâm làm việc, những nữ tình nguyện viên chở bệnh nhân... có những người không may nhiễm Covid-19 đã được đăng tải kịp thời trên báo chí.

Nhà báo Lý Việt Trung - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM phát biểu

Nhà báo Trịnh Văn Ánh - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo Bắc Giang (đầu cầu Bắc Giang) chia sẻ những kinh nghiệm của Bắc Giang trong đợt dịch vừa qua. Những hoạt động sôi nổi của Hội Nhà báo tỉnh trong hoạt động thiện nguyện, những hoạt động bảo vệ phóng viên nhà báo tham gia tác nghiệp tại tâm dịch. Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Bắc Giang đã tổ chức giải báo chí về phòng chống dịch Covid-19 tại tâm dịch Bắc Giang và đã nhận được sự tham gia tích cực của các phóng viên, nhà báo.

Gọi điện thoại từ hiện trường tác nghiệp đến tọa đàm, nhà báo Minh Quang - Phóng viên Đài PT-TH Bắc Giang chia sẻ những cảm xúc khi được tác nghiệp trực tiếp ngay tại tâm dịch Bắc Giang vào tháng 5. Trong khó khăn nguy hiểm, anh càng quyết tâm để chuyển tải đến độc giả những thông tin nóng hổi đến người dân cả nước.

 

Nhà báo Mai Vũ Tuấn – Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh

Nhà báo Mai Vũ Tuấn – Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh (đầu cầu Tỉnh Quảng Ninh) chia về kinh nghiệm tỉnh Quảng Ninh trong phòng chống Covid-19, đồng thời ông cũng chia sẻ kinh nghiệm của Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh tuyên truyền phòng chống đại dịch Covd-19. Nhà báo Mai Vũ Tuấn đã mạnh dạn kiến nghị chính sách dành cho cơ quan báo chí và phóng viên khi tác nghiệp tại tuyến đầu. Ông cũng kiến nghị các cơ quan chủ quản đặt hàng cơ quan báo chí, các cơ quan báo chí cũng cần phối hợp cùng nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Nhà báo Tô Đình Tuân - Uỷ viên BCH Hội Nhà báo TPHCM, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

Nhà báo Tô Đình Tuân - Uỷ viên BCH Hội Nhà báo TPHCM, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (đầu cầu TPHCM) chia sẻ kinh nghiệm của Báo Người Lao Động trong hoạt động tổ chức đội ngũ phóng viên tác nghiệp tại tâm dịch TPHCM. Ông chia sẻ kinh nghiệm sản xuất báo in qua điều hành trên không gian mạng hay các biện pháp phòng chống thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật về đại dịch Covid-19. Đặc biệt, Báo Người Lao Động đã tổ chức được các tuyến bài "Những vùng đất hồi sinh sau bão lũ" động viên những cá nhân người dân miền Trung có hành động ủng hộ người dân miền Nam. Bên cạnh đó, Báo Người Lao Động đã tổ chức các Chương trình thiện nguyên như "Tổ quốc cần cả nước chung tay", "Thực phẩm miễn phí",... qua đó cùng xã hội chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô phát biểu

Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô chia sẻ những kinh nghiệm của Báo Phụ nữ Thủ đô trong hoạt động thông tin phòng chống đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, báo chí đã có những tuyến bài thống kê về tình trạng bạo hành xảy ra tại các gia đình trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua. Báo đã xây dựng chuyên mục "Tâm tình" dành cho các phụ huynh, các chuyên mục tư vấn sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, Báo đã có tuyến bài về những phụ nữ bị mất việc làm trong đại dịch Covid-19. Ngoài ra nhà báo Lê Quỳnh Trang đã đề xuất một số chính sách cho người làm báo trong đại dịch Covid-19.

TS. Nguyễn Thiện Trường – Phó Chủ tịch Hội gia đình chăm sóc sức khoẻ Cộng đồng Việt Nam đánh gia rất cao ý nghĩa tọa đàm đối với các phóng viên, nhà báo và cả các y bác sĩ tuyến đầu. Các cơ quan báo chí đã cập nhật liên tục thông tin phòng chống dịch Covid-19, đồng thời có những tuyến bài phản bác các chống tin xấu độc  và tin giả về đại dịch Covid-19.

Nhà báo Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu

Nhà báo Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ những hoạt động thiện nguyện của các phóng viên, nhà báo tỉnh Cà Mau - cực Nam tổ quốc, đề cao vai trò của các cơ quan báo chí trong việc chung tay vì cộng đồng, nhất là trong đại dịch Covid-19.

Nhà báo Đoàn Minh Long - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Khánh Hòa

Nhà báo Đoàn Minh Long - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Khánh Hòa (Đầu cầu Khánh Hòa) chia sẻ những kinh nghiệm của Khánh Hòa trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Vừa qua, các phóng viên, nhà báo đang công tác tại tỉnh đã quyên góp thiện nguyện hơn 40 tấn thực phẩm rau củ quả và gạo để tặng cho những người dân trong khu vực giãn cách. Bên cạnh đó, ông đề xuất, trong thời gian tới, nhà nước có chính sách cho các phóng viên nhà báo tác nghiệp trong đại dịch.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phát biểu

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Kinh tế đã chia sẻ dưới góc nhìn của một nhà kinh tế. Ông đánh giá cao vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ông cho rằng, những thông tin được cập nhật, trung thực sẽ giúp 800 ngàn doanh nghiệp nước ta có biện pháp để vừa phòng chống dịch, vừa tham gia sản xuất. Ông hết sức chia sẻ những khó khăn của báo chí trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Ông đã có những đề xuất kinh tế cho ngành báo và nhà báo, theo đó, Bộ Tài chính cần có chính sách hỗ trợ các cơ quan báo chí. Riêng với các phóng viên, nhà báo, các ngân hàng nên có chương trình tín dụng đặc biệt cho họ, cho thời gian giãn nợ để bảo đảm duy trì cuộc sống gia đình của họ.

Ông Phạm Quang Trường – Chủ tịch HĐQT Vinapharma Group phát biểu

Ông Phạm Quang Trường – Chủ tịch HĐQT Vinapharma Group chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 từ hoạt động sản xuất, hoạt động vận chuyển hàng hóa, tất cả đều bị ảnh hưởng dẫn tới những bất cập cho doanh nghiệp. Ông mong rằng báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp để nói lên tiếng nói của các doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Xuân Diệu – Phó Chủ tịch Tập đoàn Đại Việt phát biểu

Ông Nguyễn Xuân Diệu – Phó Chủ tịch Tập đoàn Đại Việt đề cao vai trò của báo chí, chung tay góp phần xây dựng và quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Made in Vietnam. Trong khó khăn của đại dịch Covid-19, báo chí đã cùng doanh nghiệp mang những sản phẩm thiện nguyện gửi tặng đồng bào và các lực lượng chống dịch.

TS. Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Truyền thông & Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế phát biểu

TS. Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng – Bộ Y tế đã nêu bật những đóng góp của Báo chí đối với ngành Y tế. Ông đề nghị các cơ quan báo chí mạnh dạn đề xuất những phóng viên, nhà báo có đóng góp to lớn trong đại dịch Covid-19 để lãnh đạo Bộ Y tế có biện pháp khen thưởng, tuyên dương kịp thời, cổ vũ các lực lượng phòng chống dịch đạt nhiều thành tựu hơn nữa.

Phát biểu bế mạc tọa đàm, Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Cũng như lực lượng y tế, công an, quân đội, lực lượng báo chí là những người trong tuyến đầu chống dịch, trong đợt dịch cao điểm vừa qua, các phóng viên nhà báo đã phải tăng tốc để truyền tải các thông tin nhanh nhất đến khán giả. Hoạt động kinh doanh, sinh hoạt có thể phải ngừng lại, nhưng các toà soạn, các đài phát thanh, truyền hình,  không thể ngừng hoạt động. Họ phải tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh với sức ép tin bài lớn, nhưng báo chí, giữa khó khăn của bệnh dịch bủa vây, vẫn đảm bảo truyền tải thông tin nhanh, chính xác, chân thực nhất.

 Qua đó, thấy được vị trí vai trò to lớn của báo chí truyền thông trong đại dịch Covid-19; Sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ phóng viên nhà báo trong công tác chống dịch Covid -19; Chính sách đối với nhà báo, nêu cao tinh thần trách nhiệm phóng viên, nhà báo; Sứ mệnh tiên phong của đội ngũ nhà báo trong công tác chống dịch Covid 19; Phát huy vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền và loại bỏ thông tin độc hại, tin giả (fake news); Kiến nghị xây dựng pháp lý bảo trợ cho phóng viên nhà báo trong tác nghiệp; Báo chí đồng hành cùng Doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19….