PNO - Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương vào chiều 2/8 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu không làm quyết liệt, thì sau thời gian vàng 30 ngày sắp tới, Việt Nam sẽ vào diện cả quốc gia có dịch COVID-19.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, cả nước đang đứng trước tình thế hết sức đặc biệt. Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới, "bắt đầu làn sóng thứ hai".
"Làn sóng thứ nhất đã kết thúc và đạt đỉnh dịch vào 30/3, lúc đó cả nước có 178 người nhiễm. Đợt này cả nước đã có 214 người nhiễm. Như vậy số người nhiễm lần này đã cao hơn đỉnh dịch lần thứ nhất", Bí thư Thành ủy TPHCM nói và cho rằng đây là tình huống rất mới.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương chiều 2/8 |
Nhận định về nguy cơ, ông Nhân phân tích hiện không có đủ thông tin dự báo nhưng từ đồ thị dịch bệnh, dự báo trong khoảng thời gian từ ngày 23-30/8 nguy cơ cao, nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ đạt ngưỡng 10 người nhiễm/1 triệu dân, tức là cả nước sẽ có 970 người đang điều trị trong bệnh viện. "Nếu không làm quyết liệt, thì sau thời gian vàng 30 ngày sắp tới, ta sẽ vào diện cả quốc gia có dịch. Chúng ta đang có nguy cơ trong 30 ngày tới nên cần có chủ trương quyết liệt", ông Nhân khuyến cáo.
Bí thư Nhân đặt vấn đề, Đà Nẵng có 120 người đang điều trị, phải có mục tiêu như thế nào? TPHCM và Hà Nội có nguy cơ lớn, riêng TPHCM từ 1-27/7 khi dừng bay, có 140.000 người về từ Đà Nẵng.
Lãnh đạo TPHCM kiến nghị, cần có nhiệm vụ đặc biệt cho Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội và các tỉnh giáp ranh Đà Nẵng là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk.
Bình quân 1 triệu người Đà Nẵng có hơn 100 người nhiễm, gấp 10 lần chỉ số dịch mà thế giới công bố. Ông Nhân cho rằng: "Cần xác định Đà Nẵng là trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm, mức độ rất cao, nhất là khi Bộ Y tế đã thông tin dịch diễn ra 4-5 chu kỳ từ đầu tháng 7".
Ông Nhân dẫn lời quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết lây nhiễm ở Đà Nẵng đã diễn ra âm thầm khoảng 2 tháng nay, và cho rằng số bệnh nhân được phát hiện do xét nghiệm, chứ các ca bệnh vẫn nằm sẵn trong cộng đồng. Do đó, "nên đề nghị Đà Nẵng áp dụng biện pháp cao nhất".
"Cao nhất là thế nào? Kinh nghiệm quốc tế, cụ thể ở Vũ Hán, thì khi xảy ra dịch ở mức cao nhất lúc đầu họ yêu cầu tất cả gia đình ở nhà, 1 ngày thì chỉ được 1 người đi chợ 1 lần. Sau một thời gian, họ không cho đi chợ nữa, mà chuyển sang giao nhận thực phẩm tại nhà", ông Nhân nêu rõ thêm.
Đà Nẵng gấp rút xây dựng cơ sở điều trị COVID-19 tại Cung thể thao Tiên Sơn |
Vấn đề thứ hai là năng lực cách ly cũng phải tính toán, vì từ kinh nghiệm của TPHCM cứ 1 người nhiễm thì phải cách ly 280 người liên quan, nếu áp dụng số này cho Đà Nẵng có 100 người nhiễm thì cần 28.000 chỗ cách ly. "Rõ ràng không thể có chỗ cách ly cho 28.000 người, Đà Nẵng đang cho xây dựng bệnh viện dã chiến ở trung tâm thể thao với 1.000 chỗ nhưng với số người 28.000 thì điểm cách ly đó rất nhỏ bé. Từ đó, phải coi cách ly ở gia đình là quan trọng nhất, đề nghị Bộ Y tế có nghiên cứu, hướng dẫn về cách ly gia đình", ông Nhân cho biết.
"Theo tôi, thách thức lớn nhất hiện nay làm sao cách ly ở nhà thực sự hiệu quả, phải giám sát lẫn nhau. Tôi đồng tình với ý kiến của Thủ tướng là phải coi mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ trên pháo đài đó", ông Nhân nói.