Các doanh nghiệp nước ngoài đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.

Các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại tình hình bất ổn do dịch bệnh gây ra /// ĐÌNH SƠN
Các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại tình hình bất ổn do dịch bệnh gây ra
ĐÌNH SƠN
 
Tin tưởng vào khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam
Theo đó, các hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, EuroCham và KoCham, trong văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ cho rằng quan trọng bây giờ là Việt Nam phải hành động ngay để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Đồng thời khẳng định cam kết hỗ trợ các mục tiêu kép Covid-19 của Chính phủ là bảo vệ cuộc sống và sinh kế, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người dân, thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
“Chúng tôi lạc quan về tương lai của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh và khả năng phục hồi của nhân dân Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cam kết và đầu tư vào tương lai với Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Thủ tướng Chính phủ là thích ứng để sống chung với virus một cách an toàn. Chúng tôi muốn chung tay cùng với Thủ tướng và lãnh đạo các tỉnh thành khắp cả nước, đặc biệt là TP.HCM, vùng kinh tế phía nam và Đà Nẵng, để tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái bình thường mới. Điều đó có nghĩa là sẽ thoát khỏi quy trình Chỉ thị 15 hoặc 16 hoặc các biện pháp hạn chế tương tự trong tương lai”, văn bản nêu rõ.
Các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đồng hành cùng Việt Nam mở cửa - ảnh 1

Các doanh nghiệp nước ngoài cam kết sẽ đồng hàng cùng Chính phủ chống dịch, phục hồi kinh tế

ĐÌNH SƠN

Tuy nhiên để làm được điều này, doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ. Bởi các cuộc khảo sát mà các hiệp hội này đã thực hiện cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của các hiệp hội đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia khác. Một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.
Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Ngay cả các doanh nghiệp hiện tại cũng có hầu hết các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn, do những bất ổn hiện tại. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài. Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ.

Phủ vắc xin để mở cửa

Theo Chủ tịch Amcham Việt Nam Chad Ovel, vắc xin là yếu tố then chốt, là chìa khóa để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. "Chúng tôi rất biết ơn vì Chính phủ đã ưu tiên TP.HCM và Khu vực kinh tế phía nam là khu vực ưu tiên về vắc xin và ngày càng có nhiều thành viên của chúng tôi được tiêm cả liều thứ nhất và thứ hai, bao gồm cả giáo viên của con em chúng tôi."- văn bản viết. 
Hệ thống “Thẻ xanh và Thẻ vàng” được đề xuất có thể là một phần hữu ích của chiến lược tái mở cửa, nhưng đặt ra rất nhiều câu hỏi. Chủ yếu trong số đó là các câu hỏi về ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi là gì và nó sẽ được điều phối như thế nào giữa các ban hoặc bộ ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận và đi lại một cách nhất quán. Cũng cần có một cơ chế để nhập liệu các lần tiêm chủng và cấp “Thẻ xanh” cho người nước ngoài, nhiều người trong số họ đã được tiêm chủng đầy đủ ở nước ngoài.
"Chúng tôi hy vọng rằng các thủ tục hải quan có thể được đẩy nhanh vừa để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu vào sản xuất và xuất khẩu, vừa để đảm bảo các sản phẩm dược phẩm và thiết bị y tế cứu sinh được đến kịp thời"- văn bản viết.
Các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đồng hành cùng Việt Nam mở cửa - ảnh 2

Cần sớm tiêm vắc xin cho công nhân để phục hồi sản xuất

ĐÌNH SƠN

Các Hiệp hội cũng cho rằng, sản xuất cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái "bình thường mới” ngay bây giờ. Các doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được kích hoạt để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với hoạt động và an toàn của người lao động và mở cửa trở lại khi họ có thể, với sự giám sát sau khi thực hiện. Giới hạn làm thêm giờ cần được nâng lên để đáp ứng các yêu cầu riêng của các mô hình sản xuất và để đáp ứng nhu cầu bị dồn nén khi nhiều hoạt động sản xuất bình thường hơn được tiếp tục.
An ninh lương thực là tối quan trọng. Các biện pháp giãn cách gần đây đã làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng còn lại và gây khó khăn cho ngay cả những người có phương tiện tìm kiếm lương thực. Các chủ hàng, chợ ẩm thực và chuỗi cung ứng thực phẩm cần được ưu tiên tiếp cận vắc xin và tái mở cửa ngay lập tức, với sự hỗ trợ cung cấp cho những người có nhu cầu. Các nhà hàng là một đối tác quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cũng như việc làm. Việc giao hàng phải được cho phép ngay lập tức và nên sớm cho phép các cửa hàng bán thức ăn mang đi và các cửa hàng bán thức ăn trong nhà cũng như ngoài trời tuân thủ giãn cách, phục vụ với số lượng bất kỳ dựa trên diện tích mét vuông và sức chứa.
Sự phối hợp trên toàn quốc và giữa các tỉnh là rất quan trọng. Khi chúng ta tiến tới một trạng thái bình thường mới, ngoài việc tiêm chủng nhiều hơn, điều quan trọng là phải có sự phối hợp các chính sách trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển, sẵn sàng các xét nghiệm nhanh và các chính sách để cô lập và loại bỏ F0 nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu tác động đến các hoạt động.
“Bây giờ là lúc để lên kế hoạch tái mở cửa an toàn cho hoạt động du lịch. Việt Nam một lần nữa sẽ là điểm đến hàng đầu của du lịch cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi hoan nghênh các đề xuất về mô hình thí điểm Phú Quốc và hành lang xanh Bà Rịa-Vũng Tàu và mong muốn được hợp tác với Thủ tướng để tái mở cửa du lịch một cách an toàn và bền vững. Chúng tôi cam kết đóng góp cho những người thiếu thốn ở Việt Nam. Các hiệp hội doanh nghiệp và các thành viên của chúng tôi là những nhà tài trợ hào phóng để hỗ trợ phản ứng Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, cũng như cho những người nghèo và thiệt thòi trong cộng đồng”, Chủ tịch EuroCham Việt Nam Alain Cany nói.