Liên quan bài viết Dấu hiệu bất thường trong chi tiền hỗ trợ người dân đăng tải trên Báo Thanh Niên, ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Bí thư Quận ủy Q.8 (TP.HCM) cho biết, đơn vị đã gửi báo cáo cho Thành ủy và Ban tuyên giáo Thành ủy TP.

Người dân thắc mắc, phản ánh về cách chi trả tiền trợ cấp với cán bộ UBND P.2, Q.8 (TP.HCM)  /// Thanh Niên
Người dân thắc mắc, phản ánh về cách chi trả tiền trợ cấp với cán bộ UBND P.2, Q.8 (TP.HCM)
THANH NIÊN
Bí thư Quận ủy Q.8 cũng yêu cầu UBND P.2 có văn bản phản hồi cụ thể cho Báo Thanh Niên về vụ việc.
Ngày 19.9, UBND P.2 (Q.8), cũng đã gửi phản hồi cho Báo Thanh Niên. Cụ thể, về trường hợp của bà H.T.B.T (54 tuổi, ngụ đường Âu Dương Lân, P.2, Q.8): bà T. phụ bán ở chợ nên thuộc diện hưởng theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND thành phố (viết tắt NQ09), hỗ trợ theo nhóm 6 ngành nghề được lãnh 3 triệu đồng/người. Hiện bà T. đã nhận tiền hỗ trợ vào ngày 14.9, theo danh sách hỗ trợ lao động khó khăn. Tuy nhiên, trong danh sách hộ lao động khó khăn có trùng tên (tại số thứ tự 1.609 - 1.610), nên phường đã điều chỉnh, lập hồ sơ và nộp lại tiền vào tài khoản UBND phường ngày 14.9.
 
 
Trước đó, ngày 10.9, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Tăng Xuân Phong, Chủ tịch UBND P.2 nhiều lần khẳng định, trong đợt hỗ trợ thứ 2, địa phương này không chi hỗ trợ cho các trường hợp lao động khó khăn. “Đợt 2 chỉ chi hỗ trợ cho những hộ lao động khó khăn thôi”, ông Phong khẳng định. Ngoài ra, Chủ tịch UBND P.2 còn thông tin, trong ngày 10.9, đơn vị sẽ hoàn thành, kết thúc đợt hỗ trợ thứ 2.
Theo văn bản của UBND P.2, về trường hợp anh T.V.T (38 tuổi, ngụ đường Tạ Quang Bửu, P.2), thuộc diện hộ khó khăn, theo Công văn 2799/UBND-VX ngày 21.8 của UBND TP.HCM. Vợ anh T.V.T làm nghề may gia công tại nhà, không thuộc đối tượng được hưởng theo NQ09, gia đình anh được hưởng chi hỗ trợ cho hộ gia đình khó khăn 1,5 triệu đồng/hộ là đúng. Tuy nhiên, lúc lập danh sách có sai sót là trùng tên (khác năm sinh, khác số điện thoại và khác tên đường, thể hiện tại số thứ tự 1.677 - 1.678). Khi phát hiện sự việc, tổ chi hỗ trợ đã dừng phát đối với người có tên tại số thứ tự 1.677 và nộp tiền về UBND phường.
Cũng theo văn bản của UBND P.2, về trường hợp của gia đình anh Đ.N.V.L (25 tuổi, ngụ đường Tạ Quang Bửu, P.2) có đăng ký 6 người (hành nghề rửa xe), thì trường hợp gia đình anh không thuộc diện được hưởng theo NQ09, chỉ được hưởng theo Công văn 2799. Gia đình anh L. đã nhận 1,5 triệu đồng là đúng quy định. Trong quá trình chi hỗ trợ, tổ công tác phát hiện trong một gia đình có nhiều người (xác định không phải là nhà trọ, phòng cho thuê), nên đã giải thích và phát cho đại diện hộ gia đình anh L. 1,5 triệu đồng. Số tiền còn lại (tại số thứ tự 1.679, 1.680 và 1.681), đã chuyển về phường và nộp vào tài khoản UBND phường ngày 14.9.
Ngoài ra, theo văn bản của UBND P.2, qua kiểm tra sự việc trên, nhận thấy không có dấu hiệu tiêu cực, trục lợi trong việc chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tất cả các khoản thu hồi do trùng lắp danh sách, không đúng đối tượng, những hộ về quê, hộ đang đi cách ly, hộ bị phong tỏa, qua đời... UBND phường đã chỉ đạo nộp lại vào tài khoản của phường.
“Việc các danh sách chi hỗ trợ có trùng lắp, không đúng đối tượng, những hộ về quê, hộ đang cách ly, bị phong tỏa, qua đời... UBND phường xin nhận khuyết điểm và đã chỉ đạo bộ phận Tài chính - kế toán phường thu hồi và nộp vào tài khoản UBND phường, chờ chỉ đạo theo hướng dẫn của Phòng LĐ-TB-XH Q.8”, UBND P.2 thông tin.
Văn phòng Chính phủ ngày 18.9 đã có văn bản gửi UBND TP.HCM để truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu xác minh về việc người dân phản ánh không được cứu trợ. Văn bản nêu rõ: thời gian gần đây, tại một số nơi ở TP.HCM có tình trạng người dân tụ tập kéo lên trụ sở UBND xã, phường phản ánh không được cứu trợ.
Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định; khẩn trương rà soát không để sót, lọt đối tượng, không để người dân thiếu ăn, không để bất bình đẳng trong việc nhận hỗ trợ; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng kích động người dân gây mất an ninh trật tự và an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Sau khi bài viết Dấu hiệu bất thường trong chi tiền hỗ trợ người dân đăng tải trên Báo Thanh Niên (ngày 18.9), Báo Thanh Niên đã nhận được trên 1.000 bình luận, phản ánh, thắc mắc về đối tượng được chi trả, các khoản chi hỗ trợ chậm đến tay người dân ở nhiều quận, huyện và nhiều phản ánh khác thông qua phản hồi dưới bài viết và địa chỉ email: thoisu@thanhnien.vn. Với những phản hồi, phản ánh có địa chỉ cụ thể, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục xác minh hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xác minh, giải quyết.