Các điểm đến trong chương trình du lịch của doanh nghiệp lữ hành phải thuộc vùng xanh và đủ điều kiện hoạt động theo các tiêu chí an toàn chống dịch.
Các y, bác sĩ là những du khách đầu tiên của huyện Cần Giờ sau khi địa phương này được công nhận là vùng xanh - Ảnh: N.BÌNH
Du khách và người phục vụ phải đảm bảo đã tiêm hai mũi vắc xin trước 2 tuần tham gia tour.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM vừa công bố Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch tại các địa bàn có mức độ an toàn cao dành cho cơ sở lưu trú du lịch, hoạt động của doanh nghiệp lữ hành và hoạt động của điểm tham quan du lịch ngoài trời.
Việc xây dựng các tiêu chí an toàn cho người đi du lịch, doanh nghiệp và điểm đến là điều kiện để du lịch thành phố từng bước hồi phục thị trường.
Theo đó, đối với cơ sở lưu trú du lịch, 100% nhân viên làm việc tại các bộ phận tiếp xúc khách lưu trú đã tiêm đầy đủ các mũi vắc xin ngừa COVID-19 và đã qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm COVID-19..
100% người lao động làm việc tại các bộ phận còn lại của cơ sở đã tiêm 1 mũi ngừa COVID-19 và đã qua 14 ngày, có kết quả xét nghiệm định kỳ âm tính.
Người lao động chưa được tiêm vắc xin chỉ được làm việc trực tuyến. Người lao động trực tiếp phục vụ khách lưu trú (lễ tân, nhà hàng...) phải được xét nghiệm nhanh định kỳ 3 ngày/lần.
Về tiêu chí với khách lưu trú, khách lưu trú từ 18 tuổi trở lên phải đảm bảo các điều kiện tương tự, toàn bộ người lao động, khách đến liên hệ và khách lưu trú phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc, tiếp xúc.
Về bố trí phòng lưu trú cho khách, các cơ sở bố trí từ 2 người trở lên ở cùng phòng đối với khách là một gia đình hoặc có cùng yếu tố dịch tễ. Các khách đi riêng lẻ và không cùng yếu tố dịch tễ phải ở khác phòng. Cơ sở lưu trú chỉ phục vụ ăn uống theo hình thức mang đi đối với khách không lưu trú, khách lưu trú chỉ phục vụ ăn uống tại phòng.
Cơ sở lưu trú cần bố trí ít nhất 1 phòng cách ly và 1 phòng chờ theo quy định của ngành y tế, có trang bị một số đồ bảo hộ cá nhân dự phòng (tối thiểu 3 bộ) cho nhân viên sử dụng khi cần.
Bên cạnh những yêu cầu về người lao động, khách du lịch tương tự với bộ tiêu chí nêu trên, nội dung Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp lữ hành còn đề cập các điểm đến trong chương trình du lịch của doanh nghiệp lữ hành phải thuộc vùng xanh và đủ điều kiện hoạt động theo các tiêu chí an toàn chống dịch.
Số lượng khách trong mỗi chương trình phải đảm bảo theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP về số lượng người tập trung nơi công cộng. Doanh nghiệp bố trí đường dây nóng, phân công nhân sự là đầu mối thông tin hỗ trợ khách, có danh sách, thông tin các đơn vị y tế gần nhất để hỗ trợ và xử lý các tình huống khi cần.
Các điểm tham quan du lịch ngoài trời được quy định, số lượng khách tham quan tại điểm tham quan du lịch ngoài trời không quá 30% sức chứa.
Tại TP.HCM, ngày 19-9, tour du lịch đến vùng xanh đã được tổ chức ở huyện Củ Chi và Cần Giờ cho hơn 200 y bác sĩ, đội ngũ tuyến đầu chống dịch.
----------------------------------------------------------------------------
Đi tour ở vùng xanh
Sau hơn 100 ngày sát cánh cùng nhân dân TP.HCM chống COVID-19, ngày 19-9, các y bác sĩ, chiến sĩ công an, quân sự, đội ngũ tình nguyện viên... đã có ngày nghỉ đầu tiên trong chuyến đi về nguồn đầy ý nghĩa.
Đó còn là chuyến tham quan để hiểu hơn về truyền thống lịch sử, những đặc trưng về văn hóa, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên của hai vùng đất Củ Chi và Cần Giờ.
Thông qua việc tổ chức các chương trình tham quan đến Củ Chi - đất thép thành đồng và Cần Giờ, nhân dân TP mong muốn bày tỏ tấm lòng của mình với đội ngũ y bác sĩ.
Ông Nguyễn Hồ Hải (phó bí thư Thành ủy TP.HCM)
Những cảm xúc trọn vẹn
Những chiếc áo nổi bật dòng chữ Hà Giang, Lai Châu... trong đoàn y bác sĩ đến Cần Giờ sáng 19-9.
Đứng trong khu căn cứ cách mạng Rừng Sác, hít không khí trong lành của buổi sáng mát trời sau cơn mưa, bác sĩ Khuất Văn Mạnh, đến từ tỉnh Hà Giang, cho biết sau hai tháng đặt chân đến TP.HCM, anh đã được ngắm mảng xanh của cây cối và cảm nhận vẻ đẹp của TP.
"Đây là lần đầu tiên đến TP nhưng lại vào lúc TP đang trong những ngày chống dịch. Dù không được tự do đi lại nhưng TP vẫn rất đặc biệt với gia đình, khi bố tôi là chiến sĩ tham gia kháng chiến miền Nam năm xưa", anh Mạnh chia sẻ.
Bác sĩ Trần Đức Thuận, trưởng đoàn BV 74 trung ương, cũng có hai tháng ở TP trong những ngày "TP đang ngủ", mọi người chỉ biết con đường vắng, vì vậy khi nghe tin TP sẽ có chuyến tham quan về nguồn dành cho y bác sĩ, ai cũng phấn khởi.
"Mặc dù thời tiết có mưa ban đầu nhưng cảm xúc vẫn rất trọn vẹn, bởi thông qua chuyến đi, tôi biết thêm một phần lịch sử hào hùng của dân tộc, những hy sinh của ông cha, và đây cũng trở thành động lực để anh em trở về đơn vị cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa", bác sĩ Thuận chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Toàn, đại diện lãnh đạo các đoàn bác sĩ, y tế, cho biết rất xúc động được giao lưu, tham quan tại chiến khu Rừng Sác, huyện Cần Giờ, những câu chuyện ở đây gợi lên rất nhiều kỷ niệm.
"Chúng tôi chỉ biết chiến khu Rừng Sác qua những bài học lịch sử trên ghế nhà trường. Và hôm nay (19-9) khi vào đến tận trung tâm Rừng Sác, nhìn thấy và được nghe thuyết trình lại nơi ăn ở của những chiến sĩ bộ đội ngày xưa mới thấy ông cha ta đã rất kiên cường, chịu nhiều khó khăn gian khổ", bác sĩ Toàn nói.
Trân trọng đóng góp lực lượng tuyến đầu chống dịch
Ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Saigontourist Group - một trong những đơn vị tham gia tổ chức chương trình, cho biết chương trình có ý nghĩa đặc biệt trong thời gian hiện nay.
Cùng với sự nỗ lực kiểm soát dịch của TP, chương trình tham quan đầu tiên sau những ngày chống dịch cũng thể hiện sự chủ động của các doanh nghiệp, khởi động đẩy mạnh khai thác nhiều tour tại các tuyến điểm an toàn dành cho du khách với điều kiện tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, theo quy định tại các điểm đến.
Theo Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, chương trình "Hành trình xanh về vùng đất thép gặp gỡ lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19" tại 312 phường xã trên địa bàn TP, do UBND huyện Củ Chi phối hợp Sở Du lịch TP, Bộ Tư lệnh TP tổ chức nhằm ghi nhận, trân trọng những đóng góp của lực lượng tuyến đầu chống dịch với TP.
Các hoạt động về nguồn tại khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, dâng hương tại đền Gia Định, đền Bến Dược, tham quan mô hình "Chợ dã chiến" kết hợp với giới thiệu các ngành nghề, sản phẩm đặc trưng của huyện Củ Chi đã có sức hấp dẫn với những người tham gia, không chỉ là thời gian nghỉ ngơi sau những ngày chống dịch đầy căng thẳng mà còn giúp họ hiểu hơn về lịch sử, con người Nam Bộ.
Chia sẻ về ý nghĩa của chuyến về nguồn tại huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết trong hơn 100 ngày qua, y bác sĩ và nhân viên y tế, giảng viên và học viên của các học viện, các trường từ nhiều tỉnh thành đã gác lại việc riêng, dành sức lực và tâm trí cùng về thành phố phòng chống dịch bệnh.
"Đến với Củ Chi ban đầu là cảm giác trang nghiêm nhưng sau đó là sự thích thú vì hiểu thêm rất nhiều về lịch sử, văn hóa của người dân nơi đây, có cả tự hào nữa", anh Chu Tự Tâm, sinh viên năm cuối Học viện Quân y, nói.