Ngày 23-9 ghi dấu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Đây cũng là ngày mang một ý nghĩa lịch sự đặc biệt của nước ta: Ngày Nam Bộ kháng chiến - mở đầu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam Bộ.
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Trong bài viết “Cách làm việc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách” (ký tên X.Y.Z), đăng trên Báo Sự Thật, số 100, ra ngày 23-9-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ý nghĩa của tập thể lãnh đạo rất giản đơn, chân lý của nó rất rõ rệt. Tục ngữ có câu: “Khôn bầy hơn khôn độc” là nghĩa đó...
Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau…
Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung”.
(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)
Trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Điều đó được thể hiện rõ trong các văn bản, nghị quyết, Điều lệ của Đảng. Nhờ thực hiện nguyên tắc này, Đảng ta đã phát huy trí tuệ, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn trong mỗi thời kỳ; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong hoạt động thực tiễn, đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng tiến lên giành nhiều thắng lợi có ý nghĩa to lớn.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền ở nước ta, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc tập trung dân chủ. Cũng có thể nhìn nhận, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách vừa là một nguyên tắc trong hoạt động lãnh đạo, vừa là một nội dung, một biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách góp phần xây dựng Đảng vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 3-2-1965. Ảnh: nhandan.vn |
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951). Ảnh: TTXVN |
Trải qua quá trình phát triển, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, thống nhất nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, góp phần xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Mọi công việc trong cơ quan, đơn vị đều được bàn bạc tập thể trong cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhằm phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất cao. Mỗi cá nhân phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; chống mọi biểu hiện độc đoán, gia trưởng, áp đặt ý kiến cá nhân, hoặc nể nang, né tránh, dựa dẫm vào tập thể.
Học tập và làm theo lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ cương của xã hội; phải rèn luyện phẩm chất chính trị, bản lĩnh để bản thân luôn biết đặt lợi ích chung lên trên hết, thường xuyên tự phê bình, kiểm điểm đấu tranh nghiêm khắc, không dễ dãi với bản thân để tránh được những cám dỗ của cuộc sống. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được thực hiện thường xuyên để nhắc nhở mọi người thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cũng như kịp thời phát hiện, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm.
Theo dấu chân Người
Ngày 23-9-1921, trên tờ “Le Libertaire” (“Tự Do”) đăng bài “Nền văn minh thượng đẳng” của Nguyễn Ái Quốc đưa ra những trích dẫn từ một cuốn nhật ký của một lính thực dân để vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa. Tác giả tố cáo: “dưới nhãn hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái và nhân danh nền dân chủ Pháp”, người ta đang đầu độc một cách có hệ thống chủng tộc Đông Dương”.
Ngày 23-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp tướng Lư Hán bày tỏ mối bất bình với những hành động gây hấn của Pháp ở Nam Bộ và bày tỏ hy vọng phía Trung Hoa Quốc dân đảng cũng không hành xử như vậy ở miền Bắc Việt Nam.
Tại tòa thị chính ở Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam nhất định không bao giờ chịu làm nô lệ một lần nữa (9-1946). Ảnh: TTXVN |
Ngày 23-9 là “Ngày Nam bộ kháng chiến”, mỗi năm đến ngày này, Bác thường gửi thư đến đồng bào miền Nam biểu dương:
”Đó hai năm nay chiến sĩ và đồng bào ta hy sinh nhiều tính mệnh, tài sản, chịu nhiều cực khổ gian nan. Song lòng yêu nước ngày càng nồng nàn, chí dũng cảm ngày càng bền chặt, sức chiến đấu ngày càng gia tăng, chí quyết thắng ngày càng vững chắc. Các bạn là đội xung phong của dân tộc, con yêu của nước nhà... Lực lượng của 20 triệu người vì tự do, vì Tổ quốc, vì chính nghĩa mà kháng chiến là một lực lượng tất thắng... Lòng Hồ Chí Minh và Chính phủ cùng toàn thể quân đội và nhân dân các nơi luôn luôn ở bên cạnh các bạn, theo dõi các bạn, yêu mến các bạn...” (1947).
“Tôi tin rằng, nếu cần kháng chiến ba năm hay mấy lần ba năm nữa, chúng ta cũng quyết kháng chiến đến cùng, vì chúng ta chắc rằng: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, /Thống nhất, độc lập nhất định thành công.” (1948).
“Quân dân Nam bộ và miền Nam Trung Bộ đã kháng chiến 5 năm và đang tiếp tục củng cố bức Thành đồng của Tổ quốc... bức Thành đồng càng ngày càng trở nên vững chắc sau mỗi mưu mô xâm chiếm của giặc. Được như vậy là nhờ ở ý chí cương quyết của toàn dân, của các tướng sĩ và đồng bào Nam bộ, miền Nam Trung Bộ và sự đoàn kết của quân, dân với Chính phủ kháng chiến” (1950).
“Suốt 8 năm kháng chiến anh dũng, Nam bộ thật xứng đáng là bức tường đồng của Tổ quốc... Càng đấu tranh gian khổ, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam bộ lại càng hăng hái kiên quyết, càng bị thử thách, lại càng tỏ rõ đức tính kiên cường bất khuất của mình” (1953).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sỹ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (15-11-1965). Ảnh: TTXVN |
Ngày 23-9-1962, tiễn bà Háctini Xucácnô, phu nhân của Tổng thống Indonexia kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm một vần thơ:
“Tiễn đưa, xin gửi một lời,
Mối tình hữu nghị muôn đời không phai”.
Cùng ngày, trên báo “Nhân Dân”, Bác viết bài “Sẵn sàng giúp đỡ” nhân “Tháng ủng hộ nhân dân Angieri và nhân dân các nước đang gian khổ đấu tranh cho độc lập dân tộc”, kết thúc bằng vần thơ:
“Trăm năm trong cõi người ta
Giàu lòng bác ái, ấy là người Việt Nam!”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày 23-9-1958, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng bài viết “Hồ Chủ tịch đến thăm và căn dặn Trường sĩ quan hậu cần: Siêng làm, siêng nghĩ, cố gắng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để nâng cao đời sống, để chóng lên chủ nghĩa xã hội”. Trong đó có đoạn viết: Bác tỏ ý vui thấy đơn vị chăn nuôi được hơn 100 lợn và tự túc đủ 100 phần 100 rau cho đơn vị ăn. Nhưng Bác vẫn căn dặn không được tự mãn, phải chăn nuôi nhiều hơn nữa, tăng gia nhiều hơn nữa. Bác nhắc nhở: Tăng gia rồi, phải tiết kiệm. Nếu đơn vị chỉ tiêu một tháng 12 triệu đồng thì làm thế nào đề rồi chỉ cần chi tiêu hết một nửa hay hơn một chút thôi. Ai cũng như vậy, đơn vị nào cũng như vậy thì chúng ta sẽ có thêm nhiều nhà máy hơn.
Bác lại hỏi: - Các chú có biết xã hội chủ nghĩa là gì không ?
Chúng tôi trả lời nhiều ý: “là lao động, là tiết kiệm, là tổ chức, kỷ luật, là tập thể, tổ chức…”
Bác giải thích: - Xã hội chủ nghĩa làm cho người ta ấm no, có cơm ăn, áo mặc, có hạnh phúc. Muốn tiến lên xã hội chủ nghĩa thì phải lao động, phải tiết kiệm, phải làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ, chứ không phải làm nhanh hóa chậm, nhiều hóa ít, tốt thành xấu, rẻ thành đắt…
Trước khi ra về, Bác còn dặn chúng tôi “siêng làm, siêng nghĩ, cố gắng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm đề nâng cao đời sống, đề chóng lên chủ nghĩa xã hội”.
Chúng tôi vô cùng sung sướng vì đã được vinh dự đón Bác, được nghe những lời dạy bảo của Bác như người cha hiền dạy con. Từ nay, chúng tôi đều mang theo trong tim óc lời Bác dạy “phải đoàn kết, tiết kiệm và lao động, làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ, phải chịu khó học tập công tác đề trở thành những cán bộ tốt của ngành hậu cần quân đội”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 23-9-1958. |
Ngày 23-9-1969, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch ngày 20-7-1969: “Quân và dân cả nước ta, triệu người như một, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”.
Cũng trên trang nhất số báo này đã đăng trang trọng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời kêu gọi của Người tại Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3 năm 1964): “Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”.
Trang hai số báo này đã trích đăng Thư Hồ Chủ Tịch gửi đồng bào Nam Bộ Bộ ngày 26-9-1945, sau khi cuộc kháng chiến ở Nam bộ bùng nổ: “Tôi tin và đồng bào cả nước đều tin vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của một nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ’’. Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức ủng hộ những chiến sĩ và nhân dân đương hy sinh đấu tranh để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Tôi chắc là tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta. Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là là chính nghĩa…”
Trang nhất và trang hai Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 23-9-1969. |
Ngày 23-9-1970, trang nhất Báo Quân đội nhân dân trích đăng Lời Hồ Chủ tịch: “Đồng bào miền Nam thật là những con người anh hùng của dân tộc anh hùng Việt Nam. Miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng của tổ quốc”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 23-9-1970. |
Sự kiện trong nước
Ngày 23-9-2009: Việt Nam được bầu vào Ủy ban điều phối của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).
Ngày 23-9-1976: Việt Nam gia nhập Ngân hàng phát triển châu Á (viết tắt là ADB).
Ngày 23-9-1954: Đội công tác Thể dục Thể thao Quân đội (gọi tắt là Đội Thể Công), nay là Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội trực thuộc Cục Quân huấn - Bộ Tổng tham mưu, được thành lập.
Ngày 23-9-1945: Nam Bộ kháng chiến - mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược.
Chỉ sau 21 ngày nước nhà được độc lập, thực dân Pháp dã tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa, chúng nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên, quyết chiến với thực dân xâm lược, mở ra một trang sử hào hùng mới của dân tộc: Ngày Nam Bộ Kháng chiến. Đây là ngày thể hiện rõ quyết tâm giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
Miền Nam thành đồng đi đầu trong sự nghiệp kháng chiến, đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu và hành động đánh nhanh thắng nhanh của chúng ở miền Nam, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc.
Hào khí Nam bộ kháng chiến. Ảnh tư liệu |
Sự kiện quốc tế
Ngày 23-9-2010: Anh đưa vào hoạt động trang trại phong điện trên biển lớn nhất thế giới.
Ngày 23-9-2006: Nhật Bản phóng vệ tinh nghiên cứu Mặt trời.
Ngày 23-9-1932: Vương quốc Hejaz và Nejd đổi tên thành Vương quốc Ả Rập Saudi, với thủ đô tại Riyadh.
Ngày 23-9-1846: Dùng các dự đoán của nhà toán học Pháp Urbain Le Verrier, nhà thiên văn học Đức Johann Gottfried Galle phát hiện ra sao Hải Vương.